Theo đó, việc tổ chức Tết trồng cây phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng. Các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng gắn với việc triển khai thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương.
Các quận, huyện, thị xã, đơn vị căn cứ vào thực tế địa phương triển khai tổ chức phát động Tết trồng cây từ ngày 30/1 đến 5/2/2020. Thời gian triển khai trồng cây có thể kéo dài trong vụ Xuân (từ tháng 2 đến tháng 4/2020) và vụ Thu (từ tháng 8 đến tháng 10/2020).
Địa điểm tổ chức phát động Tết trồng cây: Lựa chọn địa điểm có không gian rộng, thoáng trồng được nhiều cây và thuận lợi cho nhân dân tham gia trồng cây, chăm sóc, bảo vệ cây sau khi trồng. Có thể lựa chọn các địa điểm là các khu di tích lịch sử - văn hóa, các khu đô thị mới, các công trình công cộng, trường học, bệnh viện, công viên, ven đường giao thông, các khu đất lâm nghiệp quy hoạch trồng rừng tập trung... Trong thời gian phát động tùy khả năng và địa bàn của từng địa phương đơn vị có thể trồng từ 200 đến 500 cây bóng mát, ăn quả, cây lấy gỗ.
Về chủng loại cây trồng rừng: Lim xanh, thông, keo, lát hoa, sấu, trám, sao đen, mỡ... Cây bóng mát: Muồng, sấu, phượng vĩ, bằng lăng, long não, sữa Osaka, ban Tây Bắc... Cây ăn quả: Bưởi, nhãn, cam, quýt, xoài, táo... Các quận, huyện, tổ chức liên hệ với các đơn vị sản xuất kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn thành phố để chuẩn bị sẵn cây giống có chất lượng tốt phục vụ Tết trồng cây.
Sau buổi phát động, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị chỉ đạo nhân dân tiếp tục hưởng ứng Tết trồng cây trong vụ Xuân, vụ Thu năm 2020 phấn đấu hoàn thành kế hoạch trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và cây xanh trên địa bàn, đặc biệt là đảm bảo “trồng cây nào sống cây ấy”; giao nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ tốt số cây đã trồng cho đơn vị quản lý địa bàn.