Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, Dự thảo báo cáo được xây dựng công phu, đảm bảo tính chặt chẽ, khoa học, toàn diện. Đồng thời, đã xác định được quan điểm, mục tiêu và đề ra nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của cả nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Theo đó, sau 13 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, diện mạo nông thôn của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đã có những chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân được nâng lên rõ rệt. Đối với Hà Nội, ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định; giai đoạn từ 2008 - 2020, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 2,94%/năm và quy mô GDP toàn ngành tăng gấp 1,39 lần. Năng suất lao động nông nghiệp đạt gần 60 triệu đồng/người, cao hơn gấp 2 lần so với năm 2008.
Bổ sung thêm một số tồn tại, hạn chế trong việc triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, do tình hình kinh tế - xã hội của các vùng, miền khác nhau dẫn đến việc thực hiện chương trình khác nhau, nên áp dụng cơ chế chính sách của Trung ương, địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn khó khăn, hạn chế. Đồng thời, công tác dự tính, dự báo, nắm bắt thông tin thị trường chưa kịp thời; việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sản xuất theo vùng; việc tiêu thụ các sản phẩm có thế mạnh của các vùng miền còn chưa đạt yêu cầu.
Bên cạnh đó, phát triển kinh tế trang trại được định hướng là thế mạnh trong phát triển kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, còn thiếu chính sách tạo thông thoáng để phát triển. Kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX, nhất là HTX nông nghiệp còn hoạt động kém hiệu quả, thiếu năng động trong nền kinh tế thị trường, số lượng HTX ngừng hoạt động còn tương đối lớn và đang có chiều hướng gia tăng.
Ngoài ra, vấn đề quy hoạch khu vực nông thôn tại một số địa phương vẫn còn nhiều hạn chế. Đối với Hà Nội, thời gian tới, TP xác định xây dựng NTM gắn với phát triển đô thị; tập trung làm tốt công tác quy hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý theo quy hoạch xây dựng vùng huyện và quy hoạch chung xây dựng xã NTM, đảm bảo gắn kết giữa đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thúc đẩy đô thị hóa, phát triển công nghiệp, dịch vụ gắn với quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn.
Cơ bản nhất trí với các giải pháp được nêu tại dự thảo và định hướng phân chia thành 3 vùng nông thôn (vùng giáp với đô thị; vùng thuần nông; vùng miền núi, biên giới), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến kiến nghị nghiên cứu bổ sung một số giải pháp như: Nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách đủ mạnh nhằm giải thể các HTX yếu kém, ngừng hoạt động để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trong thời gian tới. Xây dựng NTM gắn với đô thị hóa cần xác định thực hiện xây dựng NTM theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống, kinh tế - xã hội khu vực nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa. Đồng thời, lấy phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng kết nối nông thôn - thành thị là khâu đột phá chiến lược.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng kiến nghị, Ban Chỉ đạo sớm hoàn thiện dự thảo và trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn mới để các địa phương có căn cứ tổ chức triển khai thực hiện.
Đề nghị Đảng đoàn Quốc hội nghiên cứu, sớm sửa đổi Luật Đất đai để tháo gỡ những bất cập trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp hiện nay; cần có quy định cụ thể về tích tụ, tập trung ruộng đất; có các cơ chế, chính sách thông thoáng trao quyền chủ động cao hơn cho người dân được giao đất, thuê đất tạo điều kiện cho phát triển sản xuất hàng hóa chuyên canh quy mô lớn.
Đề nghị Chính phủ sớm ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn hiện nay, nhất xây dựng Bộ tiêu chí quốc gia về NTM các cấp theo các mức độ; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025 để các địa phương có căn cứ tổ chức thực hiện.