“Đội lốt” hàng Việt?
Dạo quanh các chợ đầu mối, tuyến đường đông người qua lại như: Đại lộ Thăng Long, Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Kim Ngưu, khu vực Linh Đàm, Lê Văn Lương, Tố Hữu… hiện nay có khá nhiều chiếc xe thồ bán hàng lưu động. Chủ yếu là bán các loại trái cây từ nội địa đến nhập khẩu, phổ biến là nho, đào, mận, ổi, măng cụt, sầu riêng …
Giá các loại trái cây này rẻ đến bất ngờ. Thấy phóng viên dừng xe một chị bán nho xanh trên đường Nguyễn Xiển chào mời: "Nho Ninh Thuận đây, rẻ lắm mua đi em. Giá chỉ có 50.000 đồng/kg". Khi được hỏi: Bây giờ Ninh Thuận cũng trồng được loại nho này à chị? Người bán hàng khẳng định, nho Ninh Thuận đấy và tiếp tục mời chào mua hàng.
Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên thì bên dưới giá nho này vẫn còn nguyên một số khay nho chưa gỡ xuống. Bên ngoài khay có in chữ Trung Quốc. Phải chăng đây là nho Trung Quốc, những người buôn đã đội cho nó cái mũ hàng Việt để dễ bề bán hàng?
Tương tự, tại chiếc xe chất đầy sầu riêng đỗ dưới lòng đường ở khu Linh Đàm. Trên xe có dòng chữ hạt lép Thái, 50K (50.000 đồng). Khi được hỏi sầu riêng bán 50.000 đồng một trái hay 1 cân? Ông chủ xe hàng sầu riêng cho biết, giá bán 50.000 đồng/kg và chào mời mua đi, ăn không ngon không lấy tiền. Sau lời cam đoan của ông chủ xe sầu riêng, phóng viên hỏi: Sầu riêng hạt lép nhập về từ Thái Lan à anh? Ông chủ xe hàng sầu riêng cho biết thêm, đây là sầu riêng Việt Nam nhưng giống của Thái. Mình trồng chất lượng ngon đấy.
Không chỉ có nho xanh, sầu riêng mà đào và mận cũng được gắn cho cái mác Sapa. Từ thực tế cho thấy, các mặt hàng trái cây đang bày bán giá rẻ trên thị trường Hà Nội không rõ xuất xứ ở đâu, đều được gắn mác sản xuất tại Việt Nam.
Không chỉ có nho, còn khá nhiều loại trái cây đang bày bán trên đường phố Hà Nội không rõ nguồn gốc, với giá rất rẻ. |
Giá rẻ, ai được hưởng lợi?
Chắc chắn giá trái cây có giá rẻ sẽ có những người tiêu dùng hưởng lợi. Nếu tính giá sầu riêng bán tại các siêu thị, các cửa hàng tiện ích ghi rõ xuất xứ có giá bán từ trên 120.000 đến trên 200.000 đồng/kg (tùy loại), thì những trái sầu riêng bán ngoài đường chỉ có giá 50.000 đồng đã rẻ gấp từ 2 đến hơn 4 lần.
Anh Toàn ở Hoàng Mai chia sẻ: "Không biết sầu riêng ở đâu nhưng giá rẻ chỉ có 50.000 đồng/kg nên mình cứ mua về ăn. Trước đây muốn ăn sầu riêng, đắt quá mỗi quả 2kg như này phải mất 300.000 - 400.000 đồng/quả, dân lao động làm sao có tiền để mua".
Trong khi đó, ngoài đường bày bán tràn lan giá chỉ 50.000 đồng/kg. |
Trong khi đó, tại siêu thị Co.opmart giá bán sầu riêng Bến Tre có giá trên 90.000 đồng/kg. Theo một số chủ cửa hàng, giá sầu riêng của Việt Nam hiện đã giảm mạnh, mất khoảng 50% giá so với cuối năm trước.
Không chỉ có sầu riêng, nho xanh có nguồn gốc từ Ninh Thuận hiện nay cũng bán với giá từ 80.000 - 90.000 đồng/kg (tùy loại). Một số cửa hàng kinh doanh trái cây cho biết, thời điểm này nho Ninh Thuận chưa vào mùa nên thiếu hàng bán. Do vậy, không thể có nhiều hàng bày bán tràn lan.
Như vậy, một số người tiêu dùng đang bất chấp xuất xứ nguồn gốc các loại trái cây bày bán trên thị trường, không rõ chất lượng, thấy giá rẻ là mua. Tuy nhiên, việc làm này lại đang gây tổn hại đến nền sản xuất trong nước. Bởi các nông sản xuất có nguồn gốc xuất xứ, chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm, nhưng chỉ vì giá cao mà khó tiêu thụ.
Giá các loại trái cây của Việt Nam từ sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, thanh long đều giảm giá khoảng 50% so với cuối năm 2018. Ngay cả khi nhãn mới vào đầu mùa nhưng giá bán lẻ ở các chợ cũng chỉ từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, giảm giá khoảng 30% giá so với cùng thời điểm đầu mùa những năm trước. Theo phản ánh của một số địa phương, mùa nhãn năm nay không đạt sản lượng cao, nhưng giá được dự báo sẽ thấp hơn mọi năm do trái cây nhập khẩu.
Điều này cho thấy, trái cây nhập khẩu giá rẻ đang gây áp lực nên thị trường nội địa, làm giảm thu nhập của người nông dân và cũng đồng nghĩa với giảm GDP của các địa phương khi phát triển sản phẩm nông sản là chủ đạo.