Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa tươi 5 lần/tuần

Thủy Tiên - Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 5/7, tại kỳ họp thứ 6 HĐND TP khóa XV, với tỷ lệ 96,08% số đại biểu tán thành (đạt 100% đại biểu có mặt), HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về quy định cơ chế hỗ trợ từ ngân sách địa phương thực hiện Đề án chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn TP Hà Nội.

Theo tờ trình của UBND TP do Giám đốc Sở GDĐT Chử Xuân Dũng trình bày, để triển khai xây dựng Nghị quyết, UBND TP giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hơp các Sở, ngành đơn vị liên quan tổ chức lấy ý kiến phụ huynh học sinh về sự cần thiết, giá, chất lượng sữa và cơ chế hỗ trợ từ ngân sách thực hiện Đe án Chương trình Sữa học đường. Cụ thể, đã tham khảo cơ chế tài chính của một số tỉnh, TP đã và đang triển khai; tổ chửc họp với các Sở, ngành có liên quan, Phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã về triến khai xây dựng Đề án Sữa học đường; Khảo sát, lấy ý kiến của phụ huynh học sinh, các cơ sở giáo dục; ý kiến tham gia của các Sở, ngành như Sở Y tế, Tài chính, Lao động TB&XH,…
 Giám đốc Sở GDĐT Chử Xuân Dũng trình bày tờ trình
Theo Nghị quyết của HĐND TP, đối tượng áp dụng Nghị quyết này là trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Hà Nội và phụ huynh của các đối tượng này tự nguyện tham gia đề án sữa học đường. Doanh nghiệp cung cấp sữa, các đơn vị, tổ chức cá nhân có liên quan đến việc tổ chức, thực hiện Đe án Chương trình Sữa học đường trên địa bàn TP.
Theo đó, thời gian thụ hưởng, giai đoạn 2018-2020 (từ năm học 2018-2019 đến năm học 2020-2021, riêng năm học 2020-2021 chỉ tính đến hết ngày 31/12/2020). Về định mức thụ hưởng, trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa tươi 05 lần/tuần (mỗi ngày đến trường uống một lần), mỗi lần 1 hộp 180ml và trong 9 tháng đến trường của mỗi năm học.
Về mức hỗ trợ, ngân sách hỗ trợ 30% (đối với 10 quận tự cân đối ngân sách: Ngân sách quận đảm bảo kinh phí hỗ trợ; đối với 20 quận, huyện, thị xã còn lại: Ngân sách Thành phố bổ sung kinh phí để thực hiện hỗ trợ), DN cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh học sinh đóng góp 50%.
Riêng đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc diện chính sách (thân nhân của người có công với cách mạng; trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học không có nguồn nuôi dưỡng; trẻ mẫu giáo và học sinh tiếu học là con của hạ sĩ quan và binh sĩ, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong lực lượng vũ trang nhân dân): Ngân sách hỗ trợ 50%.