Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Triển khai hiệu quả Chương trình 03-CTr/TU, tạo bộ mặt đô thị hiện đại

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-"Cơ quan thường trực BCĐ tới quận, huyện, sở, ngành... phải có cách làm rất khoa học, mô hình hay, tạo lan tỏa sâu rộng, triển khai hiệu quả Chương trình 03-Ctr/TU. Đồng thời, xác định đây là cơ hội lớn tạo nên bộ mặt đô thị khang trang, hiện đại"-Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Sáng nay, 2/8, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2026” tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm 2022 của BCĐ.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn - Trưởng BCĐ Chương trình 03-CTr/TU chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có: Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản - Phó Trưởng ban BCĐ; Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn - Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ; lãnh đạo các Ban HĐND TP, Văn phòng Đoàn ĐB Quốc hội và HĐND TP, các sở, ban, ngành, quận, huyện liên quan.

Quang cảnh Hội nghị giao ban sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm 2022 của Ban chỉ đạo Chương trình 03-CTr/TU 
Quang cảnh Hội nghị giao ban sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm 2022 của Ban chỉ đạo Chương trình 03-CTr/TU 

Quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 19 chỉ tiêu

Báo cáo về kết quả thực hiện Chương trình 03-CTr/TU trong 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong - Ủy viên Thường trực BCĐ cho biết: 6 tháng đầu năm, Chương trình tiếp tục được tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân Thủ đô với hình thức phong phú, hiệu quả; chú trọng ứng dụng CNTT, phù hợp thực tế địa phương. BCĐ Chương trình kịp thời ban hành kế hoạch tổ chức và triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm công tác chỉ đạo năm 2022 làm cơ sở chỉ đạo, tăng kiểm tra đôn đốc các đơn vị thực hiện nhiệm vụ được giao trong năm. BCĐ lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các đơn vị thực hiện 19 chỉ tiêu của Chương trình, đặc biệt về hoàn thành dự án đầu tư xây dựng huyện thành quận; cải tạo xây dựng lại chung cư cũ; chỉnh trang nhà biệt thự và công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954; cải tạo, nâng cấp và xây mới công viên, vườn hoa trên địa bàn TP; cải tạo chỉnh trang hè, đường phố, thoát nước đô thị…

Trong thực hiện chỉ tiêu “Chỉnh trang 20 nhà biệt thự, 10 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954”, BCĐ đã chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở QH-KT tổ chức kiểm tra, lựa chọn được 30 biệt thự cũ do TP quản lý, 50 biệt thự cũ do T.Ư quản lý, 12 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 để đưa vào danh mục chỉnh trang, bảo tồn; chỉ đạo xây dựng các kế hoạch chỉnh trang nhà biệt thự trên địa bàn TP.

Về chỉ tiêu “cải tạo, nâng cấp và xây mới công viên, vườn hoa trên địa bàn TP”, BCĐ đã chỉ đạo các ngành khẩn trương triển khai cải tạo, nâng cấp các công viên Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo; đôn đốc chủ đầu tư xây dựng mới 6 công viên; đôn đốc 6 quận tổ chức triển khai thực hiệ các công viên, vườn hoa trên địa bàn theo kế hoạch…

Song song đó, những đơn vị được giao chủ trì thực hiện các chỉ tiêu, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, đề án của Chương trình đã chủ động tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao và đạt kết quả khả quan; các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, tập trung triển khai thực hiện 56 nhiệm vụ trọng tâm. Một số cơ chế, chính sách, văn bản QPPL quan trọng đã được ban hành làm cơ sở triển khai thực hiện những chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình (chương trình phát triển nhà ở, chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an ATGT…).

Một số chỉ tiêu được tập trung chỉ đạo và có chuyển biến tích cực so với 3 tháng đầu năm, như: Hiện tỷ lệ phủ mạng nước sạch tại khu vực nông thôn đã đạt hơn 82%, tăng 2%; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 15,25%, tăng 0,77% so với 3 tháng đầu năm 2022…

Mặc dù vậy, BCĐ Chương trình cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, khó khăn, đó là: Công tác xây dựng cơ chế chính sách, văn bản QPPL của Chương trình chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu; một số chỉ tiêu gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện, cần có giải pháp tập trung tháo gỡ, như về hoàn thành đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận, tỷ lệ đô thị hóa, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng…; việc nghiên cứu, soạn thảo một số văn bản QPPL chưa có văn bản hướng dẫn của cấp trên…

Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản phát biểu
Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản phát biểu

Từ kết quả và hạn chế được chỉ ra, 6 tháng cuối năm nay, BCĐ Chương trình xác định tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình; công tác phổ biến, tuyên truyền; tập trung thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình; xây dựng cơ chế chính sách, văn bản pháp quy thuộc thẩm quyền ban hành của TP và các quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đề án của Chương trình; triển khai thực hiện các công trình, dự án ưu tiên đầu tư của Chương trình…

Có chuyên đề riêng với những chỉ tiêu gặp khó khăn

Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản cho biết, để đôn đốc thực hiện Chương trình 03-CTr/TU đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn, BCĐ Chương trình trong thời gian trước mắt sẽ tiến hành 2 đoàn kiểm tra, trực tiếp kiểm tra, làm việc với các đơn vị, quận, huyện… về tình hình thực hiện Chương trình. Mục đích là ghi nhận, xem xét ở cơ sở có vướng mắc ở đâu, cách làm ra sao, cần có kiến nghị đề xuất cụ thể gì với Thường trực Thành ủy, UBND TP… để thúc đẩy thực hiện Chương trình hiệu quả hơn.

Kết luận Hội nghị, nhấn mạnh cần duy trì, siết chặt kỷ cương nền nếp trong các hoạt động triển khai thực hiện Chương trình, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn lưu ý, cần xác định rõ nhiệm vụ quan trọng nhất của thành viên BCĐ, Bí thư các quận, huyện thị xã là không chỉ tạo được đồng thuận, còn cần có thống nhất, quyết tâm rất cao, định lượng cụ thể trong thực hiện các chỉ tiêu của Chương trình. "Kết quả đạt được phải mang tính lan tỏa, góp gió thành bão, vì nếu sở, ngành quyết tâm nhưng quận, huyện, xã, phường… không vào cuộc, cũng không thể đạt kết quả cao"- Phó Bí thư Thành ủy chỉ rõ.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn kết luận Hội nghị
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn kết luận Hội nghị

“Sở Xây dựng cần phối hợp các sở, ngành, quận, huyện xây dựng được bộ dữ liệu chuẩn, bảng kế hoạch và tiến độ cụ thể để các đơn vị thực hiện, trong đó việc xây dựng kế hoạch lưu ý việc thống nhất cao của các sở, ngành, quận huyện. Các quận, huyện nên có đăng ký rõ kết quả, tiến độ hoàn thành, làm cơ sở cho việc kiểm đếm sau này được thuận lợi. Trước mắt, Sở Xây dựng với tư cách cơ quan thường trực, rà soát ngay về tiến độ, kết quả thực hiện cụ thể tại từng đơn vị đối với 19 chỉ tiêu của Chương trình. Trong đó, bóc tách riêng với những chỉ tiêu đang gặp nhiều khó khăn, xem đang vướng mắc ở đâu, nhằm có giải pháp mạnh, có chuyên đề riêng để tháo gỡ” - Phó Bí thư Thành ủy nêu rõ.

Cùng đó, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị các quận, huyện tạo được không khí thi đua trong thực hiện các chỉ tiêu Chương trình, nhất là với những lĩnh vực gắn liền mật thiết đời sống, được người dân rất quan tâm như về cây xanh, công viên, chợ, bãi đỗ xe… Các thành viên BCĐ lưu ý kiểm tra lại từng hạng mục công việc, xem đơn vị nào đang làm, làm đến đâu, thời gian hoàn thành. Đồng thời, đề nghị việc rà soát xây dựng các cơ chế chính sách, văn bản phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai Chương trình, phải hoàn thành trong năm 2022, không thể chậm trễ hơn.

"Từ cơ quan thường trực BCĐ cho tới quận, huyện, sở, ngành... phải có cách làm rất khoa học, những mô hình, cách làm hay, tạo lan tỏa trong hệ thống chính trị, triển khai hiệu quả, khai thác triệt lơi thế của Chương trình. Đồng thời, xác định rõ đây là cơ hội lớn để tạo nên bộ mặt đô thị khang trang, hiện đại"- Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn- Trưởng BCĐ Chương trình 03-CTr/TU nhấn mạnh.