Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội triển khai kịp thời gói an sinh xã hội hỗ trợ người lao động

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; lao động tự do bị mất việc đều rất phấn khởi khi được nhận kinh phí hỗ trợ do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 và cho biết đây là nguồn động lực để giúp họ vững vàng chống dịch trong giai đoạn này.

Chi trả ngay cho người lao động

Cùng với việc dồn mọi lực lượng cho công tác phòng, chống dịch, Sở LĐTB&XH Hà Nội cùng các sở, ngành liên quan và 30 quận, huyện, thị xã đang rất khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 3642/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Đến 16 giờ ngày 4/8, các sở, ngành có liên quan và các quận, huyện, thị xã đã ra quyết định hỗ trợ cho NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn kinh phí 71,54 tỷ đồng (đã thực hiện được 70,6 tỷ đồng). Trong đó, các quận, huyện, thị xã ra quyết định hỗ trợ 447 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động với kinh phí 1,91 tỷ đồng (đã chi trả cho 276 lao động 1,18 tỷ đồng); hỗ trợ 6 lao động ngừng việc 6 triệu đồng. Các quận, huyện, thị xã ra quyết định hỗ trợ cho 270 lao động tự do số tiền 405 triệu đồng (đã thực hiện cho 130 lao động số tiền 195 triệu đồng).
 Giáo viên trường Mầm non Newsun (huyện Hoài Đức) bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP. Ảnh: Oanh Trần
Trưởng phòng LĐTB&XH Cầu Giấy Nguyễn Quang Hồng chia sẻ, trên cơ sở nhận thức một cách nghiêm túc, đầy đủ, ý nghĩa của Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg và Quyết định số 3642/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, quận Cầu Giấy đã có tâm thế hết sức sẵn sàng cho việc thực hiện quyết định này.
Tính đến ngày 5/8, Cầu Giấy đã phê duyệt và chi trả cho 61 NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động trị giá 264.455.000 đồng. Các phường đã tiếp nhận khoảng 60 hồ sơ lao động tự do, đang xét duyệt và niêm yết công khai. Ngày 6/8, các phường sẽ gửi danh sách lao động tự do đủ điều kiện hỗ trợ về Phòng LĐTB&XH tổng hợp và đề nghị quận phê duyệt, sau đó chi trả cho NLĐ.

Tại quận Hà Đông cũng rất khẩn trương trong việc tiếp nhận hồ sơ, xét duyệt, chi trả cho 115 NLĐ số tiền 433.515.000 đồng. Bao gồm, hỗ trợ 98 NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, trong đó có 1 lao động mang thai và 49 trẻ chưa đủ 6 tuổi là con NLĐ, tổng kinh phí 408.015.000 đồng. 17 lao động tự do (phường Kiến Hưng, Dương Nội) được hỗ trợ kinh phí 25.500.000 đồng.
Còn tại quận Thanh Xuân đã rà soát, hỗ trợ cho 7.698 DN, giảm đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 95.032 NLĐ với số tiền giảm tháng 7/2021 là 2,78 tỷ đồng. Quận đã hỗ trợ NSDLĐ vay vốn để trả lương ngừng việc cho 1 đơn vị với 231 lao động và hỗ trợ ngừng việc cho 1 lao động với số tiền đề nghị 2,946 tỷ đồng; xác nhận danh sách NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương cho 1 đơn vị với 3 lao động.
Quận Tây Hồ đã ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ 40 NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nghỉ việc không hưởng lương số tiền 165.400.000 đồng và đã tổ chức chi trả xong.
“Quận Tây Hồ phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ 93 hồ sơ lao động tự do đủ điều kiện với kinh phí 139.500.000 đồng và ngay trong ngày 5/8 đã hoàn thành việc chi trả tiền cho NLĐ ở các phường Nhật Tân, Quảng An. Hiện nay, các phường đã xét duyệt và đang niêm yết công khai 332 hồ sơ, sau đó quận tiếp nhận thẩm định ra quyết định và chi trả ngay cho NLĐ” - Trưởng phòng LĐTB&XH Tây Hồ Dương Văn Trường cho hay.

Nguồn động viên vượt qua đại dịch

Những NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương khi được nhận tiền hỗ trợ mức 3.710.000 đồng đã hết sức phấn khởi, trong đó có giáo viên mầm non. Với công việc đặc thù là nuôi dạy trẻ, đa số các giáo viên rất khó có thể chuyển đổi công việc, mà chủ yếu làm việc nhà, trông con.
Trực tiếp đến bộ phận một cửa quận Hà Đông nhận tiền hỗ trợ, cô Trương Thị Thu Hiền - giáo viên trường Mầm non Đức Trí (phường Xa La, quận Hà Đông) phấn khởi: “Hơn 3 tháng ngừng dạy, cuộc sống của chúng tôi rất khó khăn, chồng làm nghề tự do, công việc không đều nên chúng tôi chi tiêu rất tiết kiệm. Hôm nay nhận được 3.710.000 đồng tiền hỗ trợ tạm ngừng việc và 1.000.000 đồng nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi, tôi rất vui, đây cũng là nguồn động viên lớn đối với gia đình trong thời điểm này”.

Khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, những giáo viên dạy thể thao (dạy bơi) cũng phải ngừng việc để phòng chống dịch, đồng nghĩa với cuộc sống của họ bước vào giai đoạn khó khăn, nhất là đối với những người phải thuê nhà. Bởi thế, khi 17 NLĐ của Công ty CP Thể thao giải trí Bằng Linh được UBND quận Hoàn Kiếm mời đến nhận tiền hỗ trợ, từ lãnh đạo đến giáo viên, nhân viên đều phấn khởi.
“Dịch Covid-19 bùng phát, đơn vị hoạt động thể thao bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng bởi đây là dịch vụ không thiết yếu đối với các gia đình. Các giáo viên dạy bơi, nhân viên kỹ thuật gần như không chuyển đổi được công việc nên không có thu nhập. Mặc dù rất khó khăn nhưng công ty vẫn duy trì đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ và huy động hỗ trợ cho anh em có hoàn cảnh khó khăn. Hôm nay, các giáo viên, nhân viên được nhận tiền hỗ trợ kịp thời, với mức tương đối cao, hy vọng sẽ đảm bảo sinh hoạt trong thời gian giãn cách xã hội” - Giám đốc Công ty CP Thể thao giải trí Bằng Linh Phạm Ngọc Trung vui vẻ cho hay.

Những lao động tự do làm công việc bán hàng nước, bán hàng rong... cũng bị tác động bởi Covid-19 vô cùng lớn, bởi đặc thù nghề của họ khi ráo mồ hôi là hết tiền. Nắm bắt được tình hình, khi có danh sách NLĐ tự do từ cấp phường, xã chuyển lên, cấp quận, huyện đã nhanh chóng thẩm định và ra quyết định phê duyệt để sau đó cấp dưới chi trả ngay cho NLĐ.
Do đang thực hiện Chỉ thị 17 của UBND TP Hà Nội, sáng ngày 5/8, Đảng ủy, UBND phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) đã chỉ đạo bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố đi trao kinh phí hỗ trợ cho lao động tự do tại nhà. Trực tiếp được nhận tiền hỗ trợ từ bí thư chi bộ và tổ trưởng tổ dân phố, bà Nguyễn Thị Mười (tổ dân phố 38) xúc động rơm rớm nước mắt, nói lời cảm ơn Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp đã quan tâm, giúp đỡ.
Hơn 10 ngày nay, thực hiện giãn cách xã hội bà Mười đã nghỉ bán hoa rong trên phố; chồng bà Mười bị bệnh mãn tính, con trai mắc bệnh xã hội lại phải nuôi 2 con nhỏ nên cuộc sống của gia đình 5 người túng bẫn hơn.
“Với số tiền 1.500.000 đồng này, tôi sẽ chi tiêu tằn tiện trong 15 ngày, cộng với được Hội Chữ thập đỏ quận hỗ trợ 1 bao gạo, 1 thùng mỳ tôm, hy vọng gia đình sẽ vượt qua giai đoạn gian khó này” - bà Mười cho hay.

Để các đối tượng NLĐ, trong đó có NLĐ tự do sớm được hỗ trợ tiền, trong thời gian thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, các quận, huyện đều đã giao dự toán tạm ứng ngân sách cho các đơn vị chịu trách nhiệm chi trả cho NLĐ và NSDLĐ. Về phía các phường, xã linh hoạt trong việc thực hiện như đa dạng hình thức tuyên truyền, đến tận nhà NLĐ phát và thu hồ sơ; rút ngắn thời gian giải quyết; khi có hồ sơ nào thì trình thẩm định, phê duyệt và chi trả luôn cho NLĐ. Với cách làm như vậy đảm bảo được giãn cách xã hội, NLĐ không phải đi lại nhiều và giữ được an toàn trong mùa dịch.
Báo cáo của Sở LĐTB&XH Hà Nội ngày 5/8, Bảo hiểm xã hội TP đã thực hiện hỗ trợ giảm mức đóng quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho 87.516 đơn vị với 1.447.150 lao động, với tổng số tiền 48,99 tỷ đồng; ra quyết định và thực hiện dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất cho 31 đơn vị với 2.846 NLĐ số tiền 20,06 tỷ đồng. Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an TP, Sở Y tế và các quận, huyện, thị xã thực hiện hỗ trợ tiền ăn cho F1 và hỗ trợ thêm tiền ăn cho F0, F1 với 140 người, kinh phí hỗ trợ là 163,4 triệu đồng.