Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và rà soát công tác phục vụ Nhân dân đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021

Trần Long - Thuỷ Tiên - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 15/1, TP Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến của Thường trực Thành uỷ - HĐND – UBND TP với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị.

Cùng chủ trì có Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ.
 Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị.
Hội nghị triển khai hai nội dung gồm: Chương trình hành động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 của TP Hà Nội; Công tác triển khai kế hoạch phục vụ các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn Thủ đô đón tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.
Chương trình hành động có kết cấu 4 chương
Dự thảo “Chương trình hành động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 của TP Hà Nội” do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải trình bày cho thấy, nội dung Chương trình hành động dự kiến dài 21 trang và có 3 phụ lục kèm theo. Bố cục Chương trình gồm 4 chương, trong đó: Chương 1 về bối cảnh tình hình năm 2021. Chương 2 về trọng tâm chỉ đạo, điều hành năm 2021. Trong đó đề cập mục tiêu tổng quát, chủ đề năm 2021, 25 chỉ tiêu chủ yếu và 6 vấn đề trọng tâm chỉ đạo, điều hành (Kiểm soát dịch bệnh Covid-19; Phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, cơ cấu lại các ngành kinh tể. Xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển Thủ đô. Tập trung xử lý các vấn đề về quy hoạch. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Giải quyết căn bản các vấn đề dân sinh bức xúc). 
Chương 3 về 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm năm 2021 về dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp TP năm 2021; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021. Chương 4 về tổ chức thực hiện, trong đó yêu cầu các đơn vị xây dựng kể hoạch chi tiết triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trước ngày 20/1/2021; hàng tháng, quý báo cáo kết quả thực hiện gửi UBND TP để tổng hợp trước ngày 20 hàng tháng.
 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải trình bày dự thảo chương trình hành động tại hội nghị.
Đối với 3 phụ lục kèm theo gồm: Phụ lục 1 là hệ thống 25 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, dự toán thu, chi ngân sách và biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2021 giao đến các sở, ban, ngành và UBND 30 quận, huyện, thị xã để thực hiện. Phụ lục 2 là 3 kịch bản tăng trưởng năm 2021 theo quý, trong đó: Kịch bản 1 (kịch bản cơ sở) tăng 7,5%; Kịch bản 2 là tăng 8,0%; Kịch bản 3 là tăng 7,0%. Phụ lục 3 gồm 236 nhiệm vụ giao 37 đầu mối sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã gắn với phân công cơ quan chủ trì, phối hợp và tiến độ thời gian hoàn thành cụ thể.

Đảm bảo cho người dân đón tết vui tươi, lành mạnh, an toàn

Trình bày báo cáo công tác triển khai kế hoạch phục vụ các tầng lớp Nhân dân đón tết Nguyên đán Tân Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho biết, về công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, Công an TP đã ban hành 3 Kế hoạch về cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021; mở đợt cao điểm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng dịp tết Dương lịch, tết Nguyên đán Tân Sửu và các lễ hội đầu xuân 2021; cao điểm phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với các hành vi nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép trong dịp tết Dương lịch và tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 trên địa bàn TP. Ngoài ra, Công an TP tiếp tục phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô triển khai phương án, kế hoạch bố trí lực lượng, phương tiện đảm bảo an ninh, trật tự tại các điểm bắn pháo hoa chào mừng dịp tết Nguyên đán vào ngày 30 tháng Chạp (đêm giao thừa, ngày 11/02/2021) trên địa bàn TP.

Bên cạnh đó, ngoài đảm bảo công tác quản lý thị trường, ổn định giá cả, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ, các mặt hàng thiết yếu phục vụ Nhân dân trong dịp Tết. TP tiếp tục triển khai thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP và Phương án đảm bảo cung cầu hàng hóa ứng phó với dịch Covid-19 đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Triển khai 40 chương trình, sự kiện từ nay đến tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 như: Hội chợ phục vụ Tết, tuần hàng, 5 chương trình đưa hàng OCCOP về các khu dân cư, các phiên chợ Tết vào cuối tuần, các phiên chợ Tết tại các huyện.

Ngoài ra, thực hiện công tác trang trí, tuyên truyền cổ động trực quan chào mừng Đại hội XIII của Đảng, kỷ niệm 91 năm ngày Thành lập Đảng Cộng sản Vỉệt Nam và chào mừng tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Tăng cường công tác duy tu, duy trì hệ thống chiếu sáng công cộng, kịp thời khắc phục khi có sự cố, thay thế bóng cháy hỏng đảm bảo tỷ lệ chiếu sáng tối thiểu theo quy định từ 98% trở lên tại các tuyến đường, phố, các tuyến ngõ xóm; tổ chức ứng trực 24/24h trong thời gian phục vụ Tết.

 Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng phát biểu tại Hội nghị

Trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết, TP chỉ đạo các đơn vị quản lý giao thông tuần tra, kiểm tra thường xuyên, cập nhật tình hình, xử lý và phối hợp xử lý kịp thời các sự cố gây mất an toàn giao thông. Kịp thời phát hiện các hành vi lấn chiếm và sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ, đình chỉ và thông báo cho các đơn vị có thẩm quyền phối hợp xử lý theo đúng chức năng nhiệm vụ. Giám sát việc chấp hành Giấy phép thi công trên đường, hè đường đang khai thác và sử dụng. Phối hợp kịp thời và chặt chẽ với các đơn vị thoát nước, điện lực, viễn thông trong công tác xử lý hiện tượng ga mất nắp, ga mấp mô trên đường, hè. Phối hợp với Công an TP xử lý phương tiện quá khổ, quá tải; phương tiện làm rơi vãi vật liệu trên mặt đường. 

Trong công tác phòng chống dịch bệnh, TP chỉ đạo Sở Y tế, các cơ quan trong ngành y tế nghiêm túc thực hiện công tác thường trực phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Trung ương và Thành phố; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo dịch theo đúng quy định; các bệnh viện đảm bảo tốt công tác đảm bảo bệnh viện an toàn phòng chống dịch Covid-19; tổ chức khám sàng lọc, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân đúng quy định. Chủ động sẵn sàng đầy đủ các loại vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh để nhanh chóng, kịp thời xử lý các tình huống dịch bệnh phát sinh trên địa bàn…để đảm bảo cho người dân đón tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn và góp phần vào sự thành công các sự kiện trọng đại của đất nước trong năm 2021.

Tập trung phục hồi, phát triển kinh tế

Tham luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, để thực hiện mục tiêu phục hồi kinh tế, quận sẽ tập trung hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trọng tâm là hoàn thành hạ ngầm đường dây, cáp đi nổi tại 79 tuyến phố trong khu phố cổ và chỉnh trang không gian công cộng, vườn hoa, công viên. 

Cùng với đó, quận tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch, khách sạn, nhà hàng; triển khai giải pháp tăng cường quản lý thuế đối với các cơ sở kinh doanh thương mại điện tử và các hộ kinh doanh cá thể. Đặc biệt, với kết quả việc triển khai mở rộng phố đi bộ trong khu phố cổ vừa qua, quận đang phối hợp, nghiên cứu để mở rộng không gian đi bộ khu vực quảng trường Nhà hát lớn gắn với phố Tràng Tiền, Hàng Khay, triển khai dự án Km số 0 để thông qua đó phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ... 

Về công tác chuẩn bị Tết Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết quận chỉ đạo tuyên truyền trực quan trên các tuyến phố chính, cụ thể như  lắp 29 cụm panô, 1244 banner, 33 cụm cờ, làm đẹp cảnh quan thành phố; lát lại vỉa hè, trang trí cây xanh tại khu vực 8B Lê Trực; treo cờ Tổ quốc theo quy định. Quận cũng đã tập trung cho công tác chăm lo quà Tết cho các gia đình chính sách và người có công trên địa bàn với tổng số hơn 15.200 người, với số tiền trị giá 7 tỷ 650 triệu đồng.

Bí thư Quận ủy Hà Đông Nguyễn Thanh Xuân cho biết, trong công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo Tết cho Nhân dân, quận đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà Tết cho các đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, với tổng số tiền 20 tỷ 600 triệu đồng. Việc tặng quà Tết sẽ cơ bản xong trước 2/2/2021, tức ngày 21 tháng Chạp. Ngoài ra, quận chỉ đạo Công an quận xây dựng chuyên đề đấu tranh phòng chống tội phạm; thành lập 2 đoàn liên ngành kiểm tra chống buôn lậu, hàng giả và 2 đoàn liên ngành kiểm tra các cơ sở sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, đến nay đã xử lý 27 cơ sở vi phạm...

Về việc triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu ngân sách nhà nươc, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm thông tin, ngay từ đầu năm, quận đã đôn đốc nhiệm vụ thu ngân sách, đến nay đã thu được gần 1.200 tỷ đồng, đạt 20% dự toán cả năm. Quận cũng đôn đốc việc giải ngân vốn đầu tư công, tập trung GPMB để triển khai các dự án trọng điểm ngay từ đầu năm. Cùng với đó, Hoàng Mai sẽ tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; triển khai việc tặng quà Tết kịp thời, đúng đối tượng và tăng cường vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị, trong đó vận động người dân cùng tham gia tổng vệ sinh hằng tuần. 

Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà cho biết, năm 2021, Long Biên được Thành phố giao chỉ tiêu thu ngân sách 12.340 tỷ đồng, trong đó thu từ thuế, phí là 10.594 tỷ. Xác định đây là nhiệm vụ khó, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính tri, ngay từ đầu năm, quận đã giao các phòng, các phường xây dựng kế hoạch thu ngân sách cả năm; rà soát số thu, xác định nguồn thu để tập trung thực hiện, quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, quận cũng tiến hành rà soát nhiệm vụ chi, với quan điểm nếu không có kế hoạch sẽ không chi.

Theo Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh, thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ và căn cứ dự thảo chương trình hành động của Thành phố, huyện cũng đã xây dựng dự thảo chương trình hành động của huyện. Trong đó, tập trung cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; xây dựng 6 chương trình công tác toàn khóa, bám sát 10 chương trình công tác của Thành phố. 

Đối với công tác chuẩn bị Tết, huyện đã thành lập 10 đoàn kiểm tra toàn bộ các hoạt động, điều kiện chuẩn bị cho nhân dân vui Xuân, đón Tết, nhất là công tác phòng, chống dịch Covid-19; tuyên truyền, trang trí khánh tiết và các hoạt động nghệ thuật trong dịp Tết; chỉ đạo thực hiện đảm bảo tuyệt đối an ninh trật tự trên địa bàn; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, không để bất kỳ hộ gia đình nào không có Tết, trong đó huyện bố trí trên 17 tỷ đồng và huy động gần 3 tỷ đồng xã hội hóa để thực hiện mục tiêu này.

Đổi mới tư duy, cách làm du lịch
Lãnh đạo các quận, huyện kiến nghị trong năm 2021, Thành phố tập trung cao độ cho công tác quy hoạch, trước hết là hoàn thành điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; hoàn thành phê duyệt các quy hoạch phân khu, nhất là phân khu sông Hồng, sông Đuống, cùng với đó là quy hoạch chung xây dựng các vùng huyện. Đặc biệt, Thành phố đã phê duyệt Đề án phát triển 5 huyện thành quận, do vậy cần thành lập Ban Chỉ đạo Thành phố để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Hà Nội triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và rà soát công tác phục vụ Nhân dân đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 - Ảnh 4
 Giám đốc Sở Du lịch Đặng Hương Giang phát biểu tại hội nghị.
 
Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết huyện xây dựng 25 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, phấn đấu 6 chỉ tiêu cao hơn và 7 chỉ tiêu ngoài kế hoạch thành phố giao. Huyện phấn đấu tăng trưởng năm 2021 đạt hơn 8%, tập trung vào mũi nhọn là phát triển ngành kinh tế, dịch vụ du lịch. Trong công tác phát triển du lịch, huyện tập trung vào công tác quảng bá, các giải pháp kích cầu để tạo các tour, tuyến đưa khách du lịch đến Ba Vì, phấn đấu thu hút 3,5 triệu lượt khách du lịch.
Huyện Ba Vì cũng kiến nghị UBND thành phố quan tâm báo cáo Chính phủ cho phép quy hoạch phân khu hồ Suối Hai vì đây là khu du lịch trọng điểm quốc gia để thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn.
Giám đốc Sở Du lịch Đặng Hương Giang cho biết: Theo kịch bản dự báo đến quý III/2021, thị trường du lịch quốc tế mới có thể "nhúc nhích" trở lại. Do đó, năm 2021, ngành Du lịch Thủ đô xác định thị trường du lịch nội địa sẽ là trọng tâm để tái cơ cấu lại ngành du lịch. Phấn đấu khách du lịch nội địa 13-15 triệu, tăng gấp 200% năm 2020, đóng góp 6% vào GRDP…
Để thực hiện mục tiêu trên, Sở đang hoàn thiện trình Thường trực Thành ủy ban hành Nghị quyết về du lịch để có sự phát triển trong năm 2021 và năm tiếp theo. Sở cũng xác định đổi mới tư duy, cách làm du lịch để có đột phá. Trong đó tập trung vào công tác truyền thông làm tốt công tác tuyên truyền quảng bá các cảnh, điểm du lich tại địa phương, phối hợp Sở Công Thương làm sản phẩm du lịch và Sở NN&NT làm du lịch trải nghiệm…
Hà Nội triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và rà soát công tác phục vụ Nhân dân đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 - Ảnh 5
 Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị.
Kết thúc phiên thảo luận, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho rằng, các nội dung tham luận đã thể hiện sự đồng tình, nhất trí cao với dự thảo Chương trình hành động của thành phố. Hơn 30 kiến nghị của các quận, huyện, thị xã với 1/3 ý kiến dành cho vấn đề quy hoạch đã cho thấy, nếu Hà Nội thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021 thì sẽ tạo ra dư địa phát triển lớn cho Thủ đô.
Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị các ban, sở, ngành ban hành kế hoạch triển khai trước ngày 20/1, đồng thời tăng cường phối hợp với UBND các cấp để thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của thành phố.

Thủ đô có bình yên thì cả nước mới bình yên

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là hội nghị đặc biệt quan trọng nhằm tập trung triển khai các chương trình hành động, các đề án cụ thể để thực hiện các Nghị quyết của T.Ư, Quốc hội, Chính phủ và Thành ủy, HĐND TP về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách. 

Điểm lại các kết quả nổi bật của TP trong năm 2020, Bí thư Thành ủy cho biết, kết quả lớn nhất là cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ TP đã tổ chức thành công Đại hội Đảng của 17.118 chi bộ, 2.310 tổ chức cơ sở đảng, 50 đảng bộ trực thuộc Thành ủy cả về nội dung, công tác tổ chức và nhân sự. Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII đã thành công trọn vẹn, thực chất, để lại dấu ấn trên nhiều phương diện. “Đây là nhân tố quyết định vì sao năm vừa rồi khó khăn như thế nhưng Hà Nội vẫn hoàn thành nhiệm vụ”- Bí thư Thành ủy chỉ rõ.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy yêu cầu, tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, không để bùng phát, lây lan và vừa phục hồi kinh tế mạnh mẽ. Cùng với đó, phải tạo chuyển biến căn bản những vấn đề dân sinh bức xúc từ môi trường, không khí, rác thải, giao thông ở cả thời điểm trước mắt và lâu dài để đảm bảo mọi người dân đều cảm nhận được. 

 Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị

Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu siết chặt kỷ luật công vụ, tăng cường CCHC, phấn đấu các dịch vụ công được thực hiện ở mức độ 4, hoàn toàn tách biệt giữa người dân và người thực thi công vụ. Đặc biệt cần tạo chuyển biến, nâng cao chất lượng các chỉ số PAPI và SIPAS. “Thông qua siết chặt kỷ luật, kỷ cương để nâng cao chất lượng trách nhiệm phục vụ người dân, DN. Ngoài việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ 2021 còn phải tạo khôn khổ cho cả nhiệm kỳ”- Bí thư Thành ủy yêu cầu.

Bí thư Thành ủy cũng nhấn mạnh, phải giao chỉ tiêu cao để tạo áp lực, động lực phát triển, tuy nhiên các chỉ tiêu cũng cần đảm bảo tính khả thi. Trong đó, thu ngân sách không thấp hơn năm 2020. Tăng trưởng ngành nông nghiệp không được thấp hơn năm 2020 và ít nhất đạt 4,2% vì còn dư địa rất nhiều. Trong đó, cần tập trung tái đàn lợn, rà soát các diện tích đất đai bỏ hoang, chưa sử dụng để đưa vào sử dụng; rà soát các vùng trồng lúa, chuyển đổi diện tích tổng cây con khác trên cơ sở đảm bảo an ninh lương thực; nâng tỷ lệ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Nhấn mạnh du lịch là yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế của TP, Bí thư Thành ủy chỉ rõ nhiệm vụ trọng điểm năm nay là phát triển du lịch và cho biết tuần tới Thường trực Thành ủy sẽ có buổi làm việc với ngành du lịch. 

Theo Bí thư Thành ủy, năm 2019, có 16.000 DN CNTT hoạt động, tạo giá trị sản lượng 300.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh Covid-19 gây giãn cách xã hội, ngành CNTT đã phát huy thế mạnh nổi bật nên cần khai thác và phát huy hơn. Sở TT&TT cần có kế hoạch, tạo điều kiện cho các DN CNTT hoạt động.

Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu trong năm 2021, 43 cụm công nghiệp làng nghề phải được khởi động, ít nhất 1 nửa số đó phải được đưa vào hoạt động. Còn về đầu tư công, phải phát triển đồng đều, ưu tiên kết nối với các huyện phía Nam, Tây Nam. Trong năm cần chuẩn bị đầu tư các dự án phía Tây Thăng Long, QL 21B, 1A đoạn qua Thường Tín đến Phú Xuyên. Để làm được thì cầu rà soát lại tất cả các quy định thuộc về thẩm quyền của TP để phân cấp, giao quyền mạnh hơn cho cơ sở. 

“Mỗi một giám đốc, sở ngành phải là tư lệnh ngành và mỗi một Bí thư quận, huyện phải là tư lệnh mặt trận. Tiếp tục tập trung công sức, thời gian, nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt là các cửa khẩu, khu cách ly, bệnh viện, các trường hợp nhập cảnh trái phép. Các sự kiện văn hóa, điểm bắn pháo hoa cũng phải đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch. Trước mắt là chăm lo thật tốt Tết Tân Sửu 2021 và đảm bảo nhà nhà đều phải có Tết, người người đều phải có Tết. Thủ đô có bình yên thì cả nước mới bình yên” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.