Hà Nội: Trong 8 tháng, thiệt hại hơn 6 tỷ đồng do cháy nổ gây ra

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thượng tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP Hà Nội cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn Thành phố xảy ra 268 vụ cháy; lượng chức năng đã phát hiện 13.676 cơ sở thiếu sót về PCCC...

Chiều ngày 22/9, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an TP Hà Nội đã có thông tin về công tác phòng, chống cháy nổ 8 tháng đầu năm 2020 và hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2020.
 Thượng tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP Hà Nội thông tin về tình hình cháy nổ. Ảnh: Đạt Lê
Thượng tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP Hà Nội thông tin: Trong 8 tháng qua, trên địa bàn Thành phố xảy ra 268 vụ cháy, trong đó có 5 vụ cháy lớn, 3 vụ cháy nghiêm trọng, 1 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 96 vụ cháy trung bình, 151 vụ cháy nhỏ, 11 vụ cháy rừng và 1 vụ nổ.
Các vụ cháy, nổ xảy ra đã làm 6 người chết, 23 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 6,2 tỷ đồng. Trong đó khu vực nội thành xảy ra 150 vụ cháy, chiếm 56,2% số vụ cháy). Những vụ cháy xảy ra chủ yếu tại nhà dân, nhà kho, xưởng sản xuất với 189 vụ, chiếm 70,8% tổng số vụ cháy.
Về nguyên nhân cháy nổ, Thượng tá Phạm Trung Hiếu cho biết, chủ yếu do chập điện với 167 vụ, chiếm 62,5% tổng số vụ cháy. Ngoài ra còn có 424 vụ chập điện trên cột; 520 sự cố chập điện trong nhà, cháy rác, phế liệu... So với cùng kỳ năm 2019 đã giảm 105 vụ cháy, 10 người chết, 6 người bị thương, thiệt hại về tài sản giảm hơn 35 tỷ đồng.
Trong công tác cứu hộ cứu nạn, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tiếp nhận 154 tin báo cứu hộ cứu nạn, trong đó có 31 vụ mắc kẹt, đuối nước 33 vụ, tự tử 26 vụ, tai nạn giao thông 14 vụ, sập đổ cấu kiện 2 vụ, các vụ việc khác có 39 vụ như cây đổ, khống chế đối tượng ngáo đá, sử dụng ma túy...
Cũng theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP Hà Nội, những hậu quả của cháy nổ xảy ra sẽ gây thiệt hại rất lớn. Theo quy định, khi kiểm tra phát hiện những sai phạm thì có những kiến nghị để chủ đầu tư khắc phục. Do đặc thù, điều kiện kinh phí của cơ sở nên họ sẽ cam kết thời gian để thực hiện. Với những sai phạm đã được kiến nghị lần trước nhưng trong lần kiểm tra, phúc tra sau không đảm bảo thì sẽ xử phạt, thậm chí tăng nặng hình phạt hơn.
Cảnh sát PCCC và CNCH làm nhiệm vụ trong vụ cháy tại kho hoá chất ở cảng Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội.
Thời gian qua, về công tác xử lý vi phạm, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH luôn quán triệt quan điểm, phạt không phải để tồn tại, phạt để các đơn vị khắc phục. Thực tế, đối với các vi phạm, khi kểm tra phát hiện, Cảnh sát PCCC đã áp dụng các biện pháp như tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động trong xử lý vi phạm. Chung cư cũng là một cơ sở thuộc diện quản lý về công tác PCCC, khi kiểm tra thì số lượng ở Hà Nội sẽ rất lớn. Hiện nay, Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước về kiểm tra, xử lý vi phạm trong PCCC.

Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cho hay, thời gian còn lại của năm 2020, Công an Thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, phương án bảo đảm an toàn PCCC  trên địa bàn Thành phố, trong đó trọng tâm là chuẩn bị các điều kiện bảo vệ tuyệt đối an toàn Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII; nâng cao ý thức, kiến thức về PCCC& CNCH cho mọi tầng lớp nhân dân qua các hoạt động: Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về PCCC; thực tập phương án chữa cháy, CNCH cấp huyện…

Theo Thượng tá Hiếu, đơn vị đang tiến hành kiểm tra nghiệm thu về PCCC tại Cung Văn hóa lao động Hữu nghị Việt-Xô (địa điểm diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII). Dự kiến ngày 1/10, Công an Thành phố sẽ tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cấp thành phố.

Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết thêm, sức ép của lực lượng PCCC-CNCH hiện nay là rất lớn. Nếu để xảy ra một vụ cháy sẽ cho lại kiểm tra lại quy trình quản lý công tác PCCC. Trường hợp đơn vị nào không làm hoặc làm không đến nơi đến chốn thì sẽ bị kỷ luật, điều chuyển công tác...

Đại diện Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an TP Hà Nội, các đơn vị chức năng đã hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC đối với 36.377 lượt cơ sở, trong đó có 921 lượt kiểm tra liên ngành. Qua đó, phát hiện 13.676 tồn tại, thiếu sót về PCCC; ra quyết định xử phạt 2.123 trường hợp, có 2.908 lỗi vi phạm với số tiền phạt hơn 12,1 tỷ đồng. Các lực lượng chức năng cũng tạm đình chỉ 235 lượt cơ sở, đình chỉ 171 lượt cơ sở và ban hành 3.498 công văn kiến nghị, yêu cầu cơ sở khắc phục.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần