Thật tình cờ dịp năm mới, có tới 4 người tới Hà Nội, và tôi cũng kiếm "cớ" để tìm hiểu xem điều gì làm họ thích Hà Nội hơn cả. 3 người vui vẻ trả lời, một người tủm tỉm hẹn sẽ viết riêng một bài.
Anh Phillip Morris, nhà thơ đến từ Austraylia, không đắn đo trả lời ngay: Tình người thân thiện, bia hơi, cà phê vỉa hè và phở. Anh bạn có vẻ là người của phái ẩm thực. Anh bảo, không chỉ Việt Nam mới có phở, anh đã ăn phở ở Cali, ở quận 13 Paris, nhưng phở Hà Nội nước trong mà ngọt sâu, không béo, bánh phở dai mềm. Còn uống cà phê vỉa hè không phải vì ngon, mà vì thích cái thi vị ngắm người đi lại trên phố chẳng khác gì ở Rome hay ở Paris. Anh bảo đường phố như một sàn diễn còn người uống cà phê là một khán giả, điều đó thật ấn tượng.
Phố Hàng Khay rực rỡ chào đón Xuân Quý Tỵ.Ảnh: Thanh Hải
Anh chưa kịp nói về bia hơi thì Tomas đã bổ sung, bia hơi Hà Nội ngon, rẻ nhưng có nhiều cái kỳ cục. Anh hỏi, tại sao bia ở đây lại rẻ đến thế và sao lại chỉ uống ở bãi mới ngon, còn khi chính bia có nhãn hiệu đó uống trong nhà lại không ra gì. Tôi phải giải thích rằng bia hơi thì phải uống khi nó chưa hết hơi mới ngon, vì thế người ta bán ngoài bãi, nơi cùng một lúc có hàng trăm người cùng uống, bia chưa kịp nguội đã hết, mở thùng khác nên rất ngon. Còn ở quán nhỏ vắng, bia mở ra mãi mới bán hết thì chua mất rồi.
Tomas đặc biệt ấn tượng với xích lô và hàng rong cùng với những shop bán đồ lưu niệm trong khu phố cổ. Anh kể đã dừng chân xem các nghệ nhân khắc chữ và hoa chìm trên đá ở ngay vỉa hè một phố. Như vậy, có thể họ chỉ ấn tượng với những gì họ không thấy hoặc ít thấy. Tôi hỏi, thế còn thành phố của chúng tôi? Stephane đắn đo một hồi rồi bảo: Thành phố có những nét rất riêng, các công trình kiến trúc đã cũ mang nhiều nét mô phỏng giữa kiến trúc Pháp hoặc Trung Hoa. Nhưng trộn lẫn trong đó là nhiều ngôi nhà mới xây dựng không có đường nét, anh gọi là lối kiến trúc hồn nhiên, khá độc lập với cảnh quan, thậm chí là phá vỡ sự hài hòa của một thành phố vốn dĩ nhỏ nhắn, duyên dáng và xinh đẹp.
Ngoài ra, giao thông và tiếng ồn quá mức cho phép, điều này dễ làm cho con người nổi nóng. Nói xong anh hơi đỏ mặt, rồi anh "chữa" rằng, tuy nhiên, cái lộn xộn đó đó khiến anh thấy ấm áp. "Tôi thích ngắm thành phố này từ trên cao, cái nhấp nhô của các mái nhà lẫn trong cây xanh và một số điểm nhấn là mặt hồ, cái đó cũng thi vị. Dĩ nhiên, khi đi ở dưới mặt đất thì tôi thích nhìn các ngôi biệt thự Pháp cổ, đáng tiếc là nó lẫn trong các mặt tiền thương mại" - Stephan nói và còn giải thích thêm, kiến trúc là một ngành trong đó nghệ thuật và khoa học về tổ chức sắp xếp không gian hòa quyện nhau, thiếu một trong hai cái đó thì khó có thể nói gì.
Tôi hỏi giải pháp nào cho một thành phố đã hơn ngàn năm tuổi, vừa bảo tồn cái đã có và làm mới, làm thêm để phù hợp với phát triển? Tất cả mọi người đều cười: Đó là một câu chuyện nghiêm túc!
Câu chuyện dừng lại ở đó. Sau này, tôi nhận được trả lời của Bernard, một kiến trúc sư có dòng dõi kiến trúc lâu đời ở Pháp, từng là giám sát viên công trình KS Hilton Hà Nội.
Theo ông, một thành phố xinh đẹp hoặc là một thành phố cổ kính với dấu ấn lịch sử mạnh mẽ và kiến trúc điển hình, hoặc là một thành phố thương hiệu mới không có gốc rễ và quá khứ truyền thống được xây dựng với các thiết kiến trúc có phong cách thẩm mỹ.Trong trường hợp thứ nhất, các công trình hiện tồn cần phải được tôn tạo và trùng tu trong một khuôn khổ các quy định pháp luật ràng buộc chặt chẽ.
Việc trùng tu, tôn tạo đối với các công trình có dấu ấn lịch sử cần phải được thực hiện bởi đội ngũ kiến trúc sư, thợ thi công chuyên biệt. Trong trường hợp thứ hai, tổ chức một thành phố (hạ tầng, tiện ích, thiết bị, quy định pháp luật như tỷ lệ mặt sàn, nơi đỗ xe ôtô, chiều cao công trình, nghiên cứu những tác động của giao thông, cân bằng giữa diện tích nhà ở và diện tích văn phòng để xây dựng...) nên được nghiên cứu kỹ càng và quản lý chặt chẽ. Kiến trúc của các công trình cần hợp lý và được chuyển đổi cho phù hợp với điều kiện đời sống và khí hậu địa phương. Ví dụ, nhìn các ngôi nhà và công trình xây dựng có kiến trúc thuộc địa lịch sử đã bị dỡ bỏ để thay vào đó là những toà tháp cao lớn trong trung tâm thành phố là điều đáng buồn.
Hà Nội không nên quên lịch sử của mình và cần phát triển, duy trì nó, trong chiều ngược lại. Các toà tháp cao cần phải được phát triển trong những khu vực riêng biệt, như khu La Defense tại Paris.
Bernard quả quyết, vai trò của kiến trúc sư cho một thành phố phát triển từ quá khứ là một chương trình phát triển phải được nghiên cứu và thực hiện một cách nghiêm cẩn. Một thành phố đẹp chỉ để ngắm nhìn thì không thực sự cần thiết, chất lượng cuộc sống của người dân luôn là mục tiêu đầu tiên. Chất lượng đó nằm ở các khu cảnh quan, giảm thiểu độ ồn, có khu dành riêng cho đi bộ, phát triển hệ thông giao thông liên lạc như tàu điện, đường cao tốc, các điều kiện vệ sinh cho hệ thống nước sạch, xử lý nước thải, thu gom rác...
Toàn bộ dây cáp điện, điện thoại hay hệ thống dây dẫn khác phải được chôn ngầm. Khi các công trình cơ bản đó được thực hiện, thì mới nên nghĩ đến các toà nhà mới và các thiết kế kiến trúc đặc biệt với những toà nhà đẹp đẽ.Nói chuyện kiến trúc, cảnh quan, đô thị… vào ngày đầu năm là muốn nói đến một Hà Nội đã qua còn nhiều điều chưa hấp dẫn. Hào hoa thanh lịch không bỗng dưng mà có, nó phải được nuôi dưỡng trong một môi trường tương thích. Đừng trách con người đã đánh rơi đâu mất hào hoa thanh lịch, mà hãy cùng nhau chỉnh sửa lại những gì còn lộn xộn, để trong tương lai gần, nét đẹp tinh thần của một vùng đất ngàn tuổi ở lại với người sống ở Thủ đô.