Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội trước áp lực gia tăng dân số

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở trên địa bàn Hà Nội, đến 1/4/2019 dân số Hà Nội 8,053 triệu người (2,22 triệu hộ dân cư). Trung bình mỗi năm, dân số Thủ đô tăng thêm khoảng 160.000 người, tương đương một huyện lớn. Gia tăng dân số đang tạo áp lực lên hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, y tế, giáo dục, môi trường, văn minh đô thị và nhà ở của Thủ đô.

Gia tăng dân số quá nhanh sẽ đè nặng lên các vấn đề hạ tầng, an sinh xã hội. Ảnh: Chiến Công
Gia tăng quy mô dân số
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 222/QĐ-TTg, đặt mục tiêu đến năm 2020 dân số Hà Nội đạt 7,9 - 8 triệu người, đến năm 2030 khoảng 9,2 triệu người. Tính đến 1/4/2019, dân số Hà Nội là 8,053 triệu người. Dân số của Hà Nội đã tăng thêm 1,6 triệu người so với năm 2009. Với tốc độ tăng trung bình 2,2%/năm thì đến năm 2030 dân số ước tính sẽ khoảng hơn 9,7 triệu người. (gần bằng dân số dự báo đến năm 2050), vượt quá xa so với dự kiến. Với tốc độ tăng như vậy, Thủ đô đang phải chịu áp lực rất lớn trên mọi lĩnh vực.
Kết quả tổng điều tra năm 2019 trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, viết đạt 99,2%, đứng đầu cả nước. Hà Nội có 97,2% dân số trong độ tuổi đi học, phổ thông hiện đang đi học, là địa phương đạt tỷ lệ cao nhất trong cả nước, thể hiện kết quả tích cực trong công tác phổ cập giáo dục của Thủ đô.
Báo cáo cũng cho hay, Hà Nội là TP đông dân thứ 2 và mật độ dân số cao thứ 2 trong cả nước. Mật độ dân số trung bình hiện nay của Hà Nội khoảng 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số cả nước, quá cao so với Thủ đô của các nước trong khu vực ASEAN. Đáng chú ý, so với TP Hồ Chí Minh thì mật độ dân số Hà Nội có thấp hơn nhưng phân bố dân số ở Hà Nội không đều; khoảng cách về dân số giữa quận và huyện; thành thị và nông thôn… và ngay cả giữa các huyện còn khá lớn với xu hướng tiếp tục tăng.
Tốc độ đô thị hóa ở TP Hà Nội diễn ra mạnh mẽ, thể hiện qua tỷ lệ dân số khu vực thành thị tăng nhanh từ 36,8% năm 1999 lên 41% năm 2009 và 49,2% năm 2019. Các quận như Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng và Cầu Giấy là những nơi có mật độ dân số cao nhất TP, tương ứng 37.347 người/km2; 32.291 người/km2; 29.589 người/km2 và 23.745 người/km2. Những quận mới thành lập như Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và Hà Đông do dân số tăng nhanh đã trở thành những địa bàn có mật độ dân cư đông đúc không thua kém các quận trung tâm.
Phân bổ dân số ở các huyện cũng tương đối chênh lệch, 2 huyện có mật độ dân số lớn nhất là Thanh Trì (4.343 người/km2), Hoài Đức (3.096 người/km2), cao gấp 4 - 6 lần các huyện thưa dân như Ba Vì (687 người/km2), Mỹ Đức (884 người/km2).
Đau đầu với bài toán tăng dân số cơ học
Cùng với tăng dân số tự nhiên, tăng dân số cơ học đang gây áp lực lớn cho Hà Nội. Dân số Hà Nội trong 10 năm qua tăng thêm 1,6 triệu người, riêng khu vực nội thành tăng trên 1,3 triệu người, trong đó phần lớn là gia tăng cơ học từ người nhập cư. Theo Viện Dân số và các vấn đề xã hội, trung bình mỗi năm có khoảng 120.000 trẻ ra đời, cộng với tỷ lệ nhập cư về Hà Nội liên tục tăng khoảng 80.000 - 100.000 người/năm, Hà Nội đang phải đối mặt với bài toán đảm bảo quy mô dân số hợp lý. Có đến 32 phường, xã Hà Nội có tỷ lệ người nhập cư chiếm trên 30% dân số của phường, xã đó. Các phường, xã này nằm chủ yếu tại các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, những khu vực đang đô thị hóa rất mạnh và biến động cơ học bất thường. "Các khu đô thị mới là nơi giải quyết chỗ ở cho các luồng dân di cư, nhưng đây cũng là một nhân tố làm cho giao thông thường xuyên bị quá tải, các trục đường huyết mạch bị tắc vào giờ đi làm và đi làm về, cùng các vấn đề về môi trường và quản lí đô thị khác" - GS.TS Đỗ Thị Minh Đức (ĐH Quốc gia Hà Nội) chỉ rõ.
Mật độ dân số đông đang đặt ra những vấn đề cấp bách cần giải quyết như: Sức ép việc làm cho TP; sự quá tải đối với các công trình kết cấu hạ tầng; sức ép về quản lý an ninh, trật tự công cộng, bảo đảm môi trường sống lành mạnh; và sự “lệch pha” trong văn hóa và lối sống giữa người dân sống ổn định lâu năm ở Hà Nội và người mới di cư vào Hà Nội. 

TS Nguyễn Minh Phong
Tình trạng này sẽ còn trầm trọng hơn khi xu hướng người di cư đến Hà Nội tiếp tục tăng trong khi nguồn lực để xây dựng các công trình hạ tầng lại khó khăn, quỹ đất đai ngày càng bị thu hẹp… Theo Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tại 2 TP lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, áp lực nhà ở là một bài toán đau đầu của các nhà quản lý. Hiện nhu cầu nhà ở xã hội ngày càng nhiều, nhưng nguồn cung đáp ứng không đủ và vẫn còn thiếu hơn 2,1 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội. Đến năm 2018, số lượng công nhân khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở khoảng 1,2 triệu người; dự kiến đến năm 2020, sẽ lên tới khoảng 3 triệu người.
Nghiên cứu về sự phát triển dân số Hà Nội, các chuyên gia về lĩnh vực này cho rằng, trước sự gia tăng dân số Thủ đô như trên, Hà Nội cần có các bộ lọc hữu hiệu đối với người nhập cư để có thể “định hướng quy hoạch” được quy mô, cơ cấu thành phần dân cư về lâu dài. Cùng với việc phát triển các đô thị vệ tinh, Hà Nội có thể sẽ giúp giảm sức ép nhập cư lên các quận thuộc đô thị trung tâm.
Thực tế thời gian qua, Hà Nội cũng đang có nhiều phương án để giãn dân trong khu vực nội thành. Theo đó, Hà Nội thực hiện Ðồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, 5 khu đô thị vệ tinh sẽ hình thành gồm: Sóc Sơn, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sơn Tây và Hòa Lạc. Ngoài ra, Hà Nội được Chính phủ đồng ý cho xây dựng thêm khu đô thị vệ tinh Ðông Anh. Việc triển khai thêm khu đô thị này nhằm giãn dân, giảm tải áp lực nhà ở, giao thông cho khu vực nội đô.
Theo chuyên gia Võ Trí Thành, các biện pháp trên là giải pháp tổng thể để xử lý tận gốc vấn đề người lao động di cư vào Hà Nội. “Người dân quan tâm đến những nhu cầu thiết yếu, như việc làm, học hành và y tế. Nếu những mối quan tâm này được đáp ứng ở mức độ nhất định cũng sẽ làm giảm dòng người di cư vào Hà Nội để mong cuộc sống được bảo đảm hơn, tốt hơn” - ông Thành chia sẻ.
Cũng theo ông Thành, bên cạnh thực hiện các quy định về di dời các cơ quan, đơn vị, bệnh viện, cơ sở giáo dục trong khu vực nội thành Hà Nội ra ngoại thành; vấn đề phát triển nhu cầu du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp cảnh quan; xu hướng sống gần gũi với thiên nhiên gia tăng, tránh những ô nhiễm nơi đô thị đông đúc hiện nay cũng là xu hướng đáng quan tâm để một mặt mở thêm cơ hội nghề nghiệp tại các vùng nông thôn quanh Hà Nội, phát triển ngành nghề truyền thống, mặt khác thu hút ngược nguồn lực tài chính, con người về các khu vực này. Bên cạnh đó, Hà Nội cần hướng tới việc phát triển những ngành công nghệ cao, cần nhiều chất xám, cùng với đó là hạn chế phát triển các ngành nghề thu hút nhiều lao động phổ thông, ít chất xám và có giá trị gia tăng không cao.