Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội trước cơ hội trở thành Thủ đô sáng tạo

Hoàng Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tháng 6/2019, UBND TP Hà Nội đã nộp hồ sơ “Hà Nội -Thành phố sáng tạo" ứng cử tham gia "Mạng lưới các thành phố sáng tạo" để trình UNESCO công nhận vào cuối năm nay. Ðây sẽ là bước tiến mới trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, quảng bá thương hiệu của Thủ đô.

Bảo tàng Hà Nội - một trong những không gian văn hóa của Thủ đô.
Thiết kế không gian văn hóa là trọng tâm
Trong hồ sơ ứng cử, Hà Nội đã mạnh dạn chọn lĩnh vực thiết kế sáng tạo. Những dấu ấn đầu tiên của thiết kế tại Hà Nội vẫn có thể được nhìn thấy trong nhiều công trình kiến trúc có lịch sử lâu đời. Trong đó, nổi tiếng nhất là Hoàng thành Thăng Long - di sản văn hóa được UNESCO công nhận
Tiếp đến là các công trình kiến trúc đa dạng thể hiện tài hoa, sức sáng tạo trong thiết kế của nhiều thế hệ nhà thiết kế mang phong cách kiến trúc bản địa, Pháp và Trung Quốc như: Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ngày nay, sự đa dạng đó vẫn hiện diện trong các công trình kiến trúc đương đại tiêu biểu như cầu Nhật Tân với 5 tháp trụ được chiếu sáng tượng trưng cho 5 cửa ô của Hà Nội.
Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO được thành lập năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các TP được vinh danh quốc tế với việc lấy “nguồn lực văn hóa” và “sáng tạo văn hóa” làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.
Hiện nay, có 180 TP trên thế giới thuộc 72 quốc gia thành viên của UNESCO được công nhận đạt các tiêu chí của mạng lưới này, với việc lựa chọn một trong 7 lĩnh vực sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa, gồm: Thủ công - Nghệ thuật dân gian; Nghệ thuật truyền thông nghe nhìn - Media Arts; Điện ảnh; Thiết kế sáng tạo; Ẩm thực; Văn học; Âm nhạc.
Thực tế trong 3 năm qua, Hà Nội tiếp tục có nhiều dự án sáng tạo thể hiện sự tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, như: Dự án “Tinh hoa làng nghề Việt Nam” của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam xây dựng tại làng gốm Bát Tràng - Hà Nội đã thúc đẩy các hoạt động thiết kế sáng tạo đương đại, kết nối thủ công mỹ nghệ truyền thống.
Dự án có sự tham gia của khoảng 300 nghệ nhân và 40 DN, cơ sở sản xuất đến từ các làng nghề truyền thống tiêu biểu nhất của Hà Nội (như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh...) và trên cả nước. Tại đây còn có một trại sáng tác nghệ thuật dành cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, sinh viên trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, cũng như những người yêu gốm sứ.
Chương trình “Trồng mới 1 triệu cây xanh” được UBND TP triển khai từ năm 2016, hoàn thành vào cuối năm 2018, với mục tiêu kiến tạo đô thị bền vững. Chương trình này đã tạo nên giá trị lớn về cảnh quan môi trường, góp phần thay đổi diện mạo đô thị tại 120 tuyến phố chính và thu hút sự tham gia của các DN lớn như: Ecopark, Ngân hàng Tiên Phong, VP Bank hay Vingroup cũng như đại diện Đại sứ quán các quốc gia tại Hà Nội như Phần Lan, Nhật Bản hay Hàn Quốc; chính quyền và cộng đồng địa phương, các tổ chức về môi trường và mạng lưới sinh viên tình nguyện...
Đề án Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội do Sở VH&TT thực hiện với sự hỗ trợ của UNESCO, ICHCAP- Hàn Quốc và nhà nghiên cứu cùng cộng đồng địa phương đã kiểm kê và phân loại được 1.793 di sản phi vật thể, trong đó có các nghề thủ công và nghệ thuật trình diễn dân gian. Dựa trên kết quả kiểm kê và nhu cầu thực tế, các nhà thiết kế sáng tạo đã ứng dụng các giải pháp thiết kế sáng tạo vào việc tái tạo, kết nối các di sản vào thiết kế thời trang, trình diễn trong các lễ hội đường phố, các không gian sáng tạo văn hóa của Hà Nội.
Không thể như Dubai với ưu thế sáng tạo thiết kế các công trình kiến trúc hiện đại, sáng tạo bề mặt kiến trúc đô thị hay Singapore sáng tạo thiết kế giao thông, môi trường, Hà Nội lựa chọn sáng tạo thiết kế không gian văn hóa, là vấn đề được cộng đồng quan tâm. Hà Nội có bề dày nghìn năm văn hiến, với kho tàng di sản văn hóa to lớn, là nơi tập trung nhân tài, trí tuệ của cả nước. Đây là “chìa khóa vàng” trong việc tiếp nhận và phổ biến tri thức, giáo dục, công nghệ mới.
Giải pháp kết nối hiện tại và tương lai
Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở VH&TT Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh, người trực tiếp tham gia xây dựng hồ sơ ứng cử cho biết: “Hà Nội đã xây dựng ba sáng kiến, chương trình, dự án nhằm đạt được các mục tiêu của Mạng lưới ở cấp TP bằng cách đẩy mạnh vai trò của văn hóa và sáng tạo trong phát triển bền vững”.
Tháng 11 tới, UNESCO sẽ họp thông qua hồ sơ ứng cử của Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo. Nếu thành công, Hà Nội sẽ ghi tên TP thứ 181 trên thế giới trở thành thành phố sáng tạo của UNESCO và Thủ đô thứ 32 về sáng tạo thiết kế. Qua đó vai trò, vị thế của Hà Nội được nâng lên, cơ hội trao đổi, hợp tác ngày càng lớn hơn.
Trở thành thành viên Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO sẽ là động lực để Hà Nội tạo nên những thay đổi chiến lược. Những thay đổi này sẽ cung cấp một nền tảng vững chắc để Hà Nội có giải pháp thiết kế sáng tạo hướng tới sự phát triển bền vững, góp phần làm phong phú thêm cuộc sống của người dân, cũng như giải quyết các áp lực cơ sở hạ tầng và dân số. Đây còn là động lực để TP nâng cao nhận thức toàn diện trong xã hội về vai trò của thiết kế, khuyến khích sự cống hiến cho thiết kế và đổi mới trong cộng đồng thanh niên Việt Nam.
Việc trở thành một phần của Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực thiết kế sẽ gia tăng mối liên kết, khả năng thực hiện các cam kết giữa các TP khác nhau trong các dự án công cộng và tư nhân; nâng cao năng lực thể chế, tạo môi trường thúc đẩy sự sáng tạo, biến thiết kế sáng tạo trở thành giải pháp phát triển văn hóa, bảo vệ di sản, kết nối hiện tại và tương lai.