Lắp ráp thiết bị điện tử công nghệ cao tại Công ty Năng lực Việt. Ảnh: Thanh Hải |
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KT - XH Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ cho biết, năm 2020 là năm khó khăn đối với thế giới, khu vực, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Trong giai đoạn đầu, Hà Nội thực hiện phương châm “chống dịch như chống giặc”. Đến tháng 3/2020, với sự nhạy bén, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, người đứng đầu của TP, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, đã chỉ đạo sát sao việc thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch và phát triển kinh tế. Hà Nội khi đó là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện nhiệm vụ này. Đến tháng 5/2020, khi tình hình dịch bệnh đang ở giai đoạn được kiểm soát tốt trên cả nước và Thủ đô, Hà Nội đã xác định chuyển sang giai đoạn bình thường mới. “Với sự chủ động và bước đi đúng đắn này đã giúp kinh tế của Thủ đô đạt được kết quả rất tích cực trong năm 2020. Đồng thời với đó, TP đã triển khai tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp và tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII. Như vậy, chúng ta đã hoàn thành cả nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế” – ông Nguyễn Ngọc Kỳ đánh giá.Trong lĩnh vực xã hội, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng TP vẫn đảm bảo công tác an sinh xã hội và chăm lo đời sống cho người dân. Trong quý III, IV/2020, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước” TP đã ủng hộ một số tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt với tổng số tiền và hàng hóa trị giá trên 124,8 tỷ đồng. Điều này thể hiện xứng đáng trách nhiệm, vai trò là Thủ đô, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn của cả nước về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, với tốc độ tăng trưởng 4,2% (mức tăng cao nhất trong 9 năm trở lại đây) nông nghiệp Hà Nội đã chứng kiến sự chuyển đổi mạnh mẽ sang phát triển công nghiệp chế biến và thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, kết nối các tỉnh, khai thác sản xuất theo chuỗi. Điều này đã đảm bảo sản phẩm thiết yếu cho người dân Thủ đô và tạo lưu chuyển hàng hoá cho các tỉnh về Hà Nội.23 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu phát triển KT - XH năm 2021Bước sang năm 2021, Hà Nội xác định tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép ” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Với chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, năm 2021, TP đề ra mục tiêu lấy lại đà tăng trưởng, đẩy nhanh cơ cấu lại các ngành kinh tế; phát triển mạnh sự nghiệp văn hóa, xã hội, thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới, các hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân;…Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính; thăng hạng các chỉ số PCI, PAR Index, có giải pháp nâng cao chỉ số PAPI, SIPAS; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành, thực thi pháp luật; tiếp tục sắp xếp tổ chức, bộ máy; quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí…Đặc biệt, Hà Nội đã đề ra với 23 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu phát triển KT - XH năm 2021, trong đó GRDP tăng 7,5%; GRDP/người khoảng 135 triệu đồng; vốn xã hội tăng 12%; kim ngạch xuất khẩu tăng 5%; giảm 20% số hộ nghèo theo chuẩn mới của TP; kiểm soát lạm phát, chỉ số giá dưới 4%; tăng thêm 85 trường công lập đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn được cung cấp nước sạch 85%; số xã nông thôn mới tăng thêm 14 xã, hoàn thành mục tiêu 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới…Càng trong gian khó, những kết quả về phát triển KT - XH của TP càng thêm đậm nét. Điều này bắt nguồn từ sự chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo của lãnh đạo TP; sự đồng thuận, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp cũng như mỗi người dân. Tinh thần này tiếp tục được phát huy để tạo lực đẩy cho năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) Đảng bộ TP Hà Nội.