Hà Nội từng bước củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở

Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Sau 20 năm, việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW của Ban Bí thư đã thực sự đi vào cuộc sống và được cán bộ, đảng viên, Nhân dân tại Hà Nội hưởng ứng, đồng thuận. Từ đó, khơi dậy phong trào hết sức mạnh mẽ trong việc củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở.

Đây là nội dung được nêu ra trong Báo cáo số 398-BC/TU của Thành uỷ Hà Nội về tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW ngày 22/1/2012 của Ban Bí thư T.Ư về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở; 10 năm thực hiện Thông báo kết luận số 126-TB/TW ngày 1/4/2013 của Ban Bí thư T.Ư trên địa bàn TP Hà Nội.

Đến năm 2022, Hà Nội có 100% xã, phường, thị trấn đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã theo Quyết định 4667/QĐ-BYT.
Đến năm 2022, Hà Nội có 100% xã, phường, thị trấn đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã theo Quyết định 4667/QĐ-BYT.

Mạng lưới y tế cơ sở ngày càng được hoàn thiện

Theo Báo cáo số 398-BC/TU của Thành uỷ Hà Nội, thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW, công tác củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả tương đối toàn diện. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, Nhân dân được nâng lên. Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, mạng lưới y tế cơ sở ngày càng được hoàn thiện.

Ngành y tế trên toàn Thành phố đã chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của Chỉ thị. Hệ thống y tế cơ sở ngày càng được củng cố, cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư, tổ chức bộ máy được kiện toàn, đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường, phương thức hoạt động được đổi mới, chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân ngày càng nâng cao, góp phần quan trọng trong việc giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Cụ thể, năm 2012, Thành phố có 577 TYT xã, phường, thị trấn thì 563/577 (97,57%) xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Đến năm 2022, Hà Nội có 100% xã, phường, thị trấn đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã theo Quyết định 4667/QĐ-BYT.

Những năm qua, thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, các cơ sở y, dược ngoài công lập đã phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực theo hướng đồng bộ, hiện đại và chất lượng. Hệ thống y tế ngoài công lập đã góp phần đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân. Tổng số các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập hiện có trên địa bàn Thành phố là 13.903 cơ sở, trong đó cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là 4.380 cơ sở và cơ sở hành nghề Dược là 9.523 cơ sở.

Bên cạnh đó, Thành phố tăng cường cán bộ và trang bị kỹ thuật cho mạng lưới y tế cơ sở. Trong đó, về nhân lực y tế, năm 2022, tổng số nhân viên y tế của các Bệnh viên đa khoa huyện và các Trung tâm y tế là 12.128 người (trong đó bác sỹ là 2.137 người; điều dưỡng 3.672 người; hộ sinh/y sỹ 2.219 người; kỹ thuật y 423 người; cán bộ khác 3.446 người).

Về cơ sở hạ tầng, thuốc, thiết bị y tế, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố và các quận, huyện, thị xã luôn quan tâm tới các cơ sở y tế tuyến huyện. 100% cơ sở đều được đầu tư xây mới, cải tạo nâng cấp và sửa chữa cải tạo, đầu tư trang thiết bị y tế đảm bảo đáp ứng hoạt động chuyên môn. Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã theo Quyết định 4667/QĐ-BYT. Trong giai đoạn 2021-2025, Thành phố và các quận, huyện, thị xã đang tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các cơ sở y tế tuyến huyện, xã trên phạm vi toàn Thành phố.

UBND Thành phố đã chỉ đạo sở Y tế đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại thuốc, hóa chất phục vụ cho khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh, thiên tai tại hầu hết các xã, phường, thị trấn, thực hiện nghiêm túc, không để xảy ra sai sót trong chuyên môn làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người bệnh. Các xã, phường, thị trấn đều đảm bảo cung cấp đủ thuốc đáp ứng nhu cầu của Nhân dân, đảm bảo cơ số thuốc cấp cứu tại trạm; quản lý thuốc và vaccine một đầu mối, tránh hư hỏng, mất mát; giữ vững thị trường thuốc ổn định, khống chế được thuốc giả, thuốc nhập lậu.

Bản đồ Đề án quy hoạch cơ sở y tế tại Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050.
Bản đồ Đề án quy hoạch cơ sở y tế tại Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050.

Chuẩn hóa, hiện đại hóa mạng lưới y tế cơ sở

Từ những kết quả đạt được, Hà Nội rút ra 5 bài học kinh nghiệm trong phát triển mạng lưới y tế cơ sở như: Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở là yếu tố quyết định; sự tham gia phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể và sự ủng hộ của người dân là yếu tố quan trọng trong quá trình triển khai, thực hiện.

Coi trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền Chỉ thị 06-CT/TW, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, Nhân dân, cán bộ và nhân viên ngành y tế là yếu tố tiên quyết để thực hiện Chỉ thị 06- CT/TW. Quan tâm chế độ cho cán bộ y tế, động viên, khơi dậy lòng tự hào, tự trọng nghề nghiệp, y đức của cán bộ và nhân viên ngành y tế để thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm, không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho y tế cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển y tế ngoài công lập trên địa bàn thành phố. Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, rút kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo, thực hiện.

Để phát huy kết quả đã đạt được, trong những năm tới, Thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo có hiệu quả củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội tham gia công tác củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, góp phần phát triển ngành y tế ngày càng toàn diện, đáp ứng yêu cầu, hiệu quả trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đóng góp tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, đất nước.

Để đạt được mục tiêu đề ra, thành phố sẽ tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, góp phần giảm tải cho tuyến thành phố; phấn đấu giảm tỷ lệ mắc và chết bệnh; đảm bảo cho mọi người dân đều dễ dàng được tiếp cận các dịch vụ y tế, tạo sự công bằng trong khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ.

Bên cạnh đó là đổi mới phương thức hoạt động, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, y đức cho đội ngũ cán bộ y tế. Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư nâng cấp hệ thống y tế.

Ưu tiên bố trí ngân sách cho lĩnh vực y tế, đặc biệt là chi cho lĩnh vực y tế - dự phòng, bảo đảm dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ Nhân dân và thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày 03/6/2008 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hoá để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ Nhân dân.