Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Tuyên chiến với nạn "chặt chém" du khách

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những hành động chèn ép, “chặt chém” khách du lịch không thể coi là việc nhỏ vì nó ảnh hưởng đến suy nghĩ và thiện cảm của khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế đến hình ảnh của Thủ đô Hà Nội.

Hà Nội: Tuyên chiến với nạn "chặt chém" du khách - Ảnh 1

 
Ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL. Ảnh VGP/ Mai Anh
 
 
Ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã khẳng định như trên khi trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về một số hiện tượng chèn ép khách du lịch vừa xảy ra tại Hà Nội.
 
Thời gian vừa qua, Hà Nội xảy ra một số hiện tượng chèn ép khách du lịch như tài xế taxi và nhân viên khách sạn cấu kết lừa đổi khách sạn đã đặt trước của 3 du khách người Pháp, khách du lịch đi xích lô và taxi bị nâng giá, “chặt chém”.
 
Vụ việc đã được các cơ quan chức năng xử lý kịp thời và các vị khách cũng đã chia sẻ đây chỉ là trường hợp cá biệt còn đa phần những người Việt Nam khác đều thân thiện và vui vẻ.
 
Tuy nhiên, theo ông Dũng, có thể khách du lịch chỉ coi đây là trường hợp cá biệt, ở quốc gia nào cũng có người tốt, kẻ xấu, họ có thể coi những hiện tượng này có thể phổ biến xảy ra ở bất kỳ địa điểm du lịch nào chứ không ở riêng Hà Nội, thì điều đó không có nghĩa chúng ta cho phép những hiện tượng này xảy ra mà phải làm tất cả những gì có thể để tích cực xử lý, giảm thiểu thấp nhất những tệ nạn nêu trên.
 
Một trong những đội ngũ chủ lực để quảng bá thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến Hà Nội là các doanh nghiệp du lịch và doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển khách du lịch, là hệ thống các khách sạn và các nhà hàng phục vụ kèm theo. Mỗi địa điểm du lịch là sự cấu thành của nét đẹp văn hóa, của thắng cảnh, chất lượng dịch vụ và yếu tố con người có thân thiện hay không ở mỗi địa danh. Những sự việc trên nếu để tiếp diễn sẽ ảnh hưởng đến việc đánh giá chất lượng dịch vụ, môi trường du lịch và việc thu hút khách du lịch đến với Thủ đô.
 
Người dân cần chủ động phản ánh, tố cáo
 
Theo ông Dũng, trong thời gian qua Hà Nội đã có những biện pháp để quản lý, kiểm soát chất lượng dịch vụ các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Hiện tại, các hiện tượng nâng giá phòng khách sạn, nhà hàng vô tội vạ để bắt chẹt du khách, hiện tượng chèo kéo khách, nhất là khách nước ngoài ở Hà Nội đã được xử lý và giảm hơn trước do ngành du lịch và các cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp để quản lý, kiểm soát.
 
Vì thế, không vì một vài hiện tượng mà chúng ta phủ nhận những nỗ lực phát triển du lịch của Thành phố khi trong những năm qua, du lịch Hà Nội đã khẳng định vị thế của một điểm đến mang tầm cỡ quốc gia và khu vực. Trong quý I/2013, Hà Nội đã đón 5,12 triệu lượt khách, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 615.000 lượt khách quốc tế.
 
Ông Dũng cho biết, Sở sẽ có những chỉ đạo quyết liệt để hạn chế thấp nhất những việc tương tự xảy ra. Chính quyền địa phương, công an thành phố, các quận, huyện sẽ phối hợp để hạn chế tái diễn tình trạng chèn ép, “chặt chém”, đeo bám, trộm cắp tài sản của khách du lịch; kiểm tra, quản lý giá chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp vận chuyển khách, các khách sạn, nhà hàng… để tạo môi trường du lịch lành mạnh, an toàn và thân thiện cho du khách.
 
Để những việc làm này có hiệu quả  và được kiểm soát tốt, theo ông, cần sự quyết liệt hơn nữa của lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đến từng cấp ở những địa bàn cụ thể (như ở cấp phường, xã, các tổ tự quản…).
 
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần xem xét nâng cao chế tài để mức độ xử phạt nghiêm khắc và răn đe hơn. Với mức xử phạt hiện tại, vì mưu sinh, rất có thể những người này lại tiếp tục vi phạm ở một địa bàn khác, lúc đó thì rất khó để kiểm soát và quản lý.
 
Ngoài ra, người dân cần chủ động phản ánh và tố cáo đến các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý khi có các hành động đáng tiếc xảy ra.