Không để xảy ra tình trạng chủ quan
Ngày 23/9/2022, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng chủ trì cuộc họp trực tuyến với các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn về công tác phòng, chống dịch bệnh trên người. Sau khi nghe Sở Y tế Hà Nội báo cáo, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng kết luận như sau:
Hiện tại, Hà Nội cơ bản đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, những ngày gần đây dịch bệnh Covid-19 và dịch sốt xuất huyết có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết có số ca mắc tăng.
Do đó, các địa phương, đơn vị phải quán triệt tinh thần chỉ đạo của TP tại các văn bản và các cuộc họp, quyết tâm không để các loại dịch bệnh bùng phát trên địa bàn TP.
Các cấp, ngành và địa phương, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tiếp tục xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cần tập trung nâng cao trách nhiệm, kỷ cương hành chính, gắn với trách nhiệm người đứng đầu, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chủ quan, lơ là, đặc biệt là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Cùng đó, tiếp tục ưu tiên, tập trung công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.
Các địa phương tiếp tục rà soát đối tượng tiêm ở các độ tuổi, đặc biệt là người cao tuổi có bệnh nền, trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tổng hợp số liệu và có giải pháp cụ thể để tăng tỷ lệ người được tiêm theo kế hoạch của TP. Bên cạnh đó, rà soát, sẵn sàng việc tiêm chủng cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở GD&ĐT, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Phòng GD&ĐT địa phương tiếp tục tuyên truyền bằng nhiều hình thức, chỉ đạo nhà trường vận động cha mẹ phụ huynh học sinh đồng thuận cho con em mình thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19.
Sở Y tế Hà Nội căn cứ vào dự trù nhu cầu sử dụng vaccine của các đơn vị, phối hợp với Bộ Y tế để đảm bảo cung cấp đầy đủ vaccine cho các đơn vị một cách nhanh nhất và an toàn tiêm chủng.
Xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để bùng phát dịch sốt xuất huyết
UBND quận, huyện, thị xã nghiêm túc đánh giá tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Rà soát, kiện toàn, thành lập các tổ cộng tác viên, đội xung kích diệt bọ gậy.
Tập trung bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp thực thi nhiệm vụ để tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn thực hiện các phương án phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế. Xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để bùng phát dịch trên địa bàn.
Địa phương giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyên gắn với nhiệm vụ cụ thể trong công tác phòng, chống dịch. Bảo đảm các khu vực, hộ gia đình có vùng dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra giám sát.
Xử lý các bể, dụng cụ chứa nước, nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy. Chỉ đạo Phòng Y tế phối hợp với Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã... giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, tập trung vào nơi có ổ dịch cũ, có nguy cơ bùng phát dịch.
Chỉ đạo phòng khám tư nhân, các tuyến điều trị tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, theo dõi chuyên tuyến kịp thời, an toàn. Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế, cộng tác viên, đội xung kích diệt bọ gậy về giám sát, phát hiện, điều trị sốt xuất huyết theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Kiên quyết xử lý cá nhân chủ quan, lơ là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch. Xử lý các cá nhân, tổ chức không chấp hành quy định về phòng, chống dịch.
Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án phòng, chống sốt xuất huyết trình cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu chưa được phê duyệt); chủ động bố trí nguồn lực theo phương châm 4 tại chỗ.
Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Y tế tiếp tục rà soát, đôn đốc các địa phương xây dựng, hoàn thiện Đề án phòng chống sốt xuất huyết để triển khai thực hiện một cách có hiệu quả. Duy trì hoạt động của “nhóm điều trị sốt xuất huyết và “đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết" tại các đơn vị khám, chữa bệnh để thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết.
Sở Y tế phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh, loại trừ ô lăng quăng, bọ gậy một cách hiệu quả. Tăng cường theo dõi người bệnh sốt xuất huyết đang điều trị để phát hiện, điều trị kịp thời hoặc chuyển tuyến khi chuyển diễn biến nặng.
Rà soát, đảm bảo đầy đủ giường bệnh, thuốc, vật tư phục vụ công tác thu dung, điều trị bệnh nhân. Giảm đến mức thấp nhất tình trạng bệnh nhân nặng, tử vong, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng người bệnh không có thuốc.
Sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai tích cực hoạt động phòng, chống dịch trong trường học, tuyên truyền cho học sinh, sinh viên các biện pháp phòng bệnh. Thông báo ngay cho các cơ sở y tế khi phát hiện có trường hợp mắc bệnh để phối hợp xử lý kịp thời. Tổ chức các đợt tổng vệ sinh môi trường tại các trường học đặc biệt vào thời điểm chuẩn bị cho học sinh, sinh viên nhập học.
Các sở, ban, ngành TP, căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động triển khai công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy hàng tuần để phòng, chống sốt xuất huyết theo lĩnh vực phụ trách.