72,23% người lao động đã qua đào tạo
Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là yếu tố tiên quyết để nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực. Trong những năm qua, chất lượng GDNN, chất lượng lao động Thủ đô ngày càng được khẳng định và nâng cao, dần đáp ứng yêu cầu DN và thị trường lao động. Đặc biệt, khi Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 06-CTr/TU Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025 thì công tác GDNN được quan tâm, đầu tư nhiều hơn. Thông tin về công tác GDNN Thủ đô, Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết: Với mạng lưới 310 cơ sở có đăng ký hoạt động GDNN, kết quả tuyển sinh, tốt nghiệp GDNN Thủ đô liên tục tăng cao trong những năm gần đây. Dự kiến, năm 2022, các cơ sở GDNN tuyển sinh 251.5000 lượt người, đạt 112% kế hoạch, tăng 13,23% so với cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh đó, năm 2022 các cơ sở GDNN trên địa bàn Hà Nội có 197.400 học sinh, sinh viên, học viên tốt nghiệp, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 70 – 80%. Nhiều ngành nghề khi học sinh, sinh viên ra trường được DN tuyển dụng 100%. Kết quả, tuyển sinh, tốt nghiệp và giải quyết việc làm đã góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 đạt 72,23% vượt 0,03% so với chỉ tiêu kế hoạch TP Hà Nội đề ra và tăng 1,13% so với năm 2021. Trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt 52,5%, vượt 1,3% so với kế hoạch đề ra và tăng 2,3% so với năm 2021. Mặt khác, chỉ số đào tạo lao động trong đánh giá “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh – PCI” liên tục tăng trong những năm gần đây, đạt 7,85 điểm đứng thứ Nhất toàn quốc năm 2021.
Để đạt được kết quả trên, từ đầu năm 2022, UBND TP Hà Nội đã đề ra các chỉ tiêu cùng những giải pháp thực hiện. Chẳng hạn như: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về công tác GDNN; chủ động, thích ứng linh hoạt, sẵn sàng ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, đảm bảo hoạt động tuyển sinh, đào tạo không bị giãn đoạn do dịch bệnh Covid-19. Cùng với đó, TP Hà Nội đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyển sinh, phân luồng học sinh giáo dục phổ thông. Đặc biệt là tổ chức Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2022 thu hút hơn 10.000 tham gia, trong đó có 8.000 học sinh các trường THCS, THPT, Trung tâm GDNN – GDTX là một trong nhiều biện pháp cụ thể, căn cơ để phân luồng, tư vấn, định hướng nghề nghiệp. Và giúp học sinh, sinh viên, người lao động chọn nghề và tìm kiếm việc làm phù hợp.
Đa dạng hóa loại hình đào tạo, gắn kết doanh nghiệp
Thưc hiện Chương trình số 06-CTr/TU, để nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, các cơ sở GDNN đa dạng hóa loại hình đào tạo, đẩy mạnh đào tạo trình độ sơ cấp dưới 3 tháng, tăng nhanh lực lượng lao động qua đào tạo nghề có kỹ năng, có kỷ luật và tác phong công nghiệp. Cùng với đó là sự chủ động phối hợp với các trường phổ thông tổ chức tư vấn, hướng nghiệp tuyển sinh GDNN cho học sinh cuối cấp.
Chia sẻ về công tác tuyển sinh năm 2022, Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Nấu ăn – Nghiệp vụ Du lịch và Thời trang Hà Nội Nguyễn Xuân Hùng nói: Năm nay nhà trường tuyển sinh được 579 học sinh trung cấp và 328 học sinh sơ cấp, đạt 114% chỉ tiêu đặt ra. Để có kết quả này, nhà trường đã liên kết với 37 trường THCS; ngoài ra là tuyên truyền qua zalo, facebook, các cựu sinh viên và sinh viên để đi tư vấn, giới thiệu về hoạt động đào tạo của nhà trường…
Nhà trường còn gắn kết với 30 DN giúp học sinh đi thực tập, nắm bắt tình hình thực tế, cọ sát và tiếp cận với công việc sau này ra trường sẽ làm. Về kết quả đào tạo, trong năm nay, nhà trường tổ chức tốt nghiệp cho 689 học sinh trung cấp và 80 – 85% được DN, nhà hàng, khách sạn tuyển dụng; số còn lại thi đỗ tốt nghiệp THPT học liên thông lên trình độ cao hơn, tự mở cửa hàng. 185 học sinh tốt nghiệp sơ cấp, cơ bản được các DN, đơn vị tiếp nhận luôn.
Thực hiện nâng cao chất lượng nhân lực, nhiều cơ sở GDNN đã từng bước đổi mới chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu DN; hợp tác sâu với DN, nhờ đó, học sinh, sinh viên tốt nghiệp tiếp cận được ngay với công việc, được đơn vị tuyển dụng đánh giá cao. Hiệu trưởng trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội Phạm Thị Hường cho hay: Chúng tôi đang phối hợp với trên 20 DN trong việc hỗ trợ xây dựng chương trình, bồi dưỡng giáo viên, hợp tác đào tạo, cung cấp nhân lực… Và hợp tác với trên 200 DN tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp. Năm 2022, trường có gần 700 sinh viên cao đẳng tốt nghiệp, tỷ lệ có việc làm chiếm 95 – 97%. Những nhóm ngành sinh viên có tỷ lệ việc làm cao là Cơ khí, Điện tử, Công nghệ ô tô, Công nghệ thông tin, với mức lương mới ra trường 7 – 8 triệu đồng/tháng.
“Đơn vị sử dụng lao động đánh giá chất lượng đào tạo của nhà trường ngày một tốt hơn do đổi mới nội dung chương trình và lấy ý kiến của DN. Nhà trường còn rút ngắn thời gian học tại trường và tăng thời lượng đi học tập, trải nghiệm tại DN để sinh viên có thêm cơ hội rèn luyện tay nghề…”- bà Phạm Thị Hường cho hay.
Từ thực tiễn đào tạo, lãnh đạo các cơ sở GDNN cho rằng, để tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên 75 – 80% và lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 55 – 60% như Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã đặt ra thì cần đa dạng hóa loại hình đào tạo. Các cơ sở GDNN phải lấy mục tiêu chất lượng làm đầu, gồm có chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên và trang thiết bị và DN cần có quy định tuyển dụng lao động qua đào tạo nghề. Đặc biệt là sự đầu tư của TP về trang thiết bị cho các cơ sở GDNN để chất lượng lao động ngày một nâng lên.