Hà Nội ứng phó trong bối cảnh ca mắc Covid-19 tăng nhanh

Thu Nhung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình trạng số ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng tại Hà Nội liên tục gia tăng với nhiều chùm ca bệnh liên quan đến các ổ dịch phức tạp, thành phố tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, triển khai nhiều biện pháp, chủ động chống dịch theo hướng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.

Với chiến lược vừa ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh vừa khôi phục kinh tế, đảm bảo an sinh, an toàn xã hội, thành phố Hà Nội cũng đang khẩn trương hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp kết nối việc làm, hưởng chế độ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) do ảnh hưởng của dịch Covid.
Người dân chủ động nâng cao ý thức phòng dịch

Sống tại quận Nam Từ Liêm, một trong những địa bàn ghi nhận số lượng ca nhiễm Covid cộng đồng tăng cao trong những ngày gần đây, để đảm bảo an toàn chị Anh Thư (22 tuổi, nhân viên văn phòng) và gia đình tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống, dịch Covid-19.
“Mình vẫn làm việc tại nhà, thực phẩm đồ dùng đều đặt online giao tận nhà và khử khuẩn đầy đủ. Ngoài ra, mình còn theo dõi Zalo của Sở Thông tin truyền thông Hà Nội nên hầu như ngày nào cũng nhận được các thông báo khẩn truy vết để hạn chế lui tới những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao” chị Anh Thư cho biết .
Tương tự, việc theo dõi những tin tức nóng được cập nhật mỗi ngày trên báo đài, mạng xã hội, Zalo,... về diễn biến dịch bệnh trên địa bàn các quận và toàn thành phố Hà Nội đã giúp cô Lê Ngọc (55 tuổi, nội trợ) có những thông tin thực tế, chính xác để không lo lắng thái quá nhưng cũng không chủ quan trong phòng, chống dịch.
 Người dân cần hỗ trợ có thể gọi đến đường dây nóng hoặc nhắn tin vào Zalo của Sở TTTT Hà Nội. Ảnh chụp màn hình.
Gần 2 năm qua, đặc biệt khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, UBND thành phố Hà Nội nói chung và Sở Thông tin và Truyền thông (Sở TTTT) Hà Nội nói riêng đã tích cực triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch Covid-19, trở thành những "lá chắn" góp phần hạn chế lây lan, đẩy lùi dịch bệnh.
Hiện, Sở đang vận hành 2 đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn (0889.556.655 và 0889.557.755) và kết nối trực tiếp với tài khoản Zalo của Sở. Song song, ngay trên Zalo “Sở Thông tin truyền thông TP Hà Nội” chuyên mục "Phản ánh Covid-19" để giúp người dân liên hệ phản ánh các vấn đề sai phạm trong công tác phòng dịch, tìm kiếm thông tin các khu cách ly, phong tỏa hay báo cáo các trường hợp tiếp xúc với F0, F1.

Kể từ khi vận hành, đây là được đánh giá là kênh tiếp nhận rất hiệu quả, qua đó, nhiều sai phạm trong trong công tác phòng dịch tại các địa phương đã được kịp thời phát hiện, xử lý. Không chỉ có vậy, không ít băn khoăn, kiến nghị của người dân liên quan đến việc tiêm vắc xin hay những hoàn cảnh khó khăn, cần sự giúp đỡ đã được tiếp nhận và chuyển các cơ quan xử lý kịp thời, giúp người dân yên tâm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
 Người dân thực hiện quét QR khai báo y tế khi đến ăn uống, mua sắm tại các hàng quán, nơi công cộng. Ảnh Đức Anh.
Đặc biệt, thời gian gần đây công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao nhận thức trong việc tạo và quét mã QR đảm bảo đáp ứng nhanh công tác truy vết cũng được Sở TTTT Hà Nội chú trọng. Đến nay, đã có gần 700.000 địa điểm đã tạo và quét mã QR phòng, chống dịch Covid-19.

Tổng số lượt quét mã QR trên phạm vi toàn thành phố trong những ngày qua đều có xu hướng tăng với trên 470.000 lượt và tổng số người đi/đến checkin tại các địa điểm quét QR trung bình 7 ngày vừa qua là 349.625 người.

“Hầu như tất cả các địa điểm tôi thường lui tới đều có mã QR để kiểm soát người ra vào. Tôi thấy việc khai báo y tế cũng không tốn quá nhiều thời gian, nếu mỗi người tự ý thức chấp hành thì sẽ giúp lực lượng chức năng đỡ vất vả trong trường hợp cần khoanh vùng, truy vết dịch”, anh Hoàng Tuấn (34 tuổi, Kinh doanh tự do) nói.

Sở TTTT Hà Nội cũng đang tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quét mã QR. Tại những địa bàn có tỷ lệ quét mã QR còn thấp, Sở đề nghị các ngành, các cấp chính quyền cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh, dịch vụ bắt buộc phải thực hiện tạo và kiểm soát người vào đơn vị bằng việc quét mã QR, đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân.

Ứng dụng Zalo để giải quyết bảo hiểm thất nghiệp

Bên cạnh công tác phòng chống dịch, thành phố Hà Nội cũng ráo riết thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp kết nối việc làm, hưởng chính sách BHTN.

Đơn cử, Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giải quyết các chế độ, chính sách bảo hiểm. Sử dụng các nền tảng mạng xã hội, Zalo để tổ chức các buổi tọa đàm trực tuyến giải đáp thắc mắc, hướng dẫn từ xa,... Từ đó, giúp người lao động, doanh nghiệp không phải tốn công sức thời gian gửi đi, gửi lại nhiều lần.
 Mạng xã hội, Zalo,... là các kênh được BHXH thành phố đẩy mạnh để tuyên truyền đến người dân. Ảnh chụp màn hình.
“Lúc đầu tôi nghĩ số lượng người nhận hỗ trợ nhiều như vậy thì sẽ rất lâu mới nhận được tiền. Nhưng sau khi đăng ký thông tin thì chỉ hơn 1 tuần tiền hỗ trợ đã được chuyển vào tài khoản rồi. Nhanh hơn tôi tưởng rất nhiều”, chị Anh Thư chia sẻ.
Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội nhấn mạnh, việc chi trả kinh phí hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp được toàn ngành triển khai với tinh thần quyết liệt, khẩn trương. Được biết, sau ngày 30/11/2021, người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa nhận được hỗ trợ phải tự đi làm thủ tục. Vì vậy, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội khuyến nghị người lao động sớm thành thủ tục theo quy định để sớm nhận được nguồn lực hỗ trợ.
 Ngân hàng chính sách xã hội huyện Gia Lâm giải ngân vốn vay hỗ trợ người lao động khó khăn. Ảnh: Zalo “Sở Thông tin truyền thông TP Hà Nội”.
Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, từ đầu tháng 7/2021 đến hết ngày 10/11, toàn thành phố đã quyết định hỗ trợ tiền mặt và cho vay cho 4,8 triệu lượt đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch, với tổng kinh phí 5.275 tỷ đồng.
Trong đó, công tác hỗ trợ theo Nghị quyết 68 đã được triển khai cho trên 1,87 triệu người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn với kinh phí 1.179 tỷ đồng. Đối với việc thực hiện Nghị quyết 116 về chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội, tính đến nay đã chi trả cho hơn 1,3 triệu lao động, với tổng số tiền 3.386 tỷ đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần