Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Ứng phó với biến đổi khí hậu ngay từ khâu lập quy hoạch

Thuỳ Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những tác động của biến đổi khí hậu đến đời sống đô thị Thủ đô đã hiển hiện trong thời gian qua và ngày càng trầm trọng như: Ngập lụt, ô nhiễm môi trường, biến đổi nhiệt độ bất thường...

Vì thế, theo các chuyên gia, Hà Nội cần có các giải pháp ứng phó ngay từ khâu lập quy hoạch, phát triển TP để mỗi ngành, lĩnh vực phối hợp đồng bộ và có hiệu quả.

Diện tích dành cho thoát nước ngày càng teo tóp

Theo đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, với vị trí địa lý thuận lợi, TP Hà Nội không bị ảnh hưởng trực tiếp, rõ rệt bởi biến đổi khí hậu bằng các tỉnh ven biển. Tại khu vực nội đô, ảnh hưởng này lại càng khó xác định do không có các hoạt động về nông nghiệp. Yếu tố dễ đánh giá tương đồng với tác động của biến đổi khí hậu, nhất là các điểm ngập úng khi có mưa lớn, bão.

Nguyên nhân của hiện tượng úng ngập trên địa bàn TP Hà Nội được phân tích phần lớn là do diện tích mặt nước và diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp dần dưới tác động tốc độ đô thị hóa nhanh. Theo đánh giá của Sở TN&MT Hà Nội, trong giai đoạn 2015 - 2020 diện tích mặt nước tự nhiên đô thị giảm 203,63ha. Nhiều ao hồ đã bị san lấp để làm quỹ đất phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật, chưa kể đến tình trạng người lấn chiếm diện tích mặt nước để kinh doanh khai thác…

Hệ quả của việc hệ thống hồ tự nhiên có tính năng thoát úng ngập bị thu hẹp, trong khi hạ tầng thoát nước chưa đồng bộ, dẫn đến việc tiêu thoát nước tại nhiểu khu vực gặp nhiều khó khăn khi mưa lớn.

Đặc biệt, ở khu vực phía Tây TP gồm vùng nông thôn nằm trong vành đai xanh dọc theo các tuyến sông. Điển hình là trận lụt vào các năm 2017, 2018 ở khu vực huyện Chương Mỹ do vỡ đê lũ dâng từ sông Tích, sông Bùi đã khiến người dân tại đây phải nhiều ngày sống trong biển nước. Hay tình trạng cứ mưa là ngập không còn xa lạ ở các khu đô thị mới nằm dọc trục đại lộ Thăng Long trong những năm gần đây.

Đại lộ Thăng Long đoạn qua huyện Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai... thường xuyên ngập úng khi có mưa lớn.
Đại lộ Thăng Long đoạn qua huyện Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai... thường xuyên ngập úng khi có mưa lớn.

Cùng với đó, diện cây xanh, thảm cỏ, bề mặt thấm nước và mặt nước bị suy giảm, thay vào đó là diện tích của bê tông hóa của các khu đô thị, tòa nhà cao tầng đã gây ra hiệu ứng “đảo nhiệt đô thị” vào mùa hè. Đi dọc một số tuyến phố tập trung nhiều tòa nhà cao tầng như: Lê Văn Lương, Nguyễn Tuân, Hoàng Đạo Thúy, Khuất Duy Tiến,… đều dễ nhận thấy sự ngột ngạt, bức bối của những khối nhà bê tông cao tầng san sát nhau. Tại những khu vực này, rất hiếm thấy có khuôn viên cây xanh giữa các tòa nhà.

Một nguyên nhân nữa gây ra hiện tượng úng ngập trên diện rộng tại nhiều đô thị lớn, trong đó có Hà Nội, là công tác quản lý xây dựng hiện nay cũng như tính toán quy hoạch san nền còn đang hạn chế.

Giải pháp thoát nước cho Hà Nội đã được tính đến là thiết kế các trạm bơm tiêu nước. Nhưng khi xuất hiện mưa cường độ cao và kéo dài, các trạm bơm lại không hoạt động hết công suất do nước mưa chảy tràn không tới được các trạm bơm dẫn đến rất nhiều khu vực đã bị úng ngập nghiêm trọng. Từ nguyên nhân này, ThS. Nguyễn Việt Dũng, Viện Quy hoạch Môi trường, Hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn (Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia) cho rằng, công tác quản lý xây dựng đô thị tuân thủ cốt nền và các vùng cấm phát triển đã được quy hoạch xác định là đặc biệt quan trọng.

Cần lồng ghép trong tất cả các nội dung quy hoạch

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2011, việc phát triển và bảo tồn không gian xanh và mặt nước đã được chú trọng. Việc khai thác và duy trì hành lang xanh kết hợp với hệ thống sông hồ, đồi núi, rừng tự nhiên, vùng nông nghiệp… để trở thành khu hậu cần phục vụ đô thị, giữ gìn cảnh quan và đảm bảo môi trường sống đô thị đã được nhấn mạnh trong đồ án. Các nội dung này cũng đã được cụ thể hóa trong các quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành về hạ tầng kỹ thuật như: Quy hoạch thoát nước, hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ,…

Tuy nhiên, sau thời gian triển khai, nhiều chỉ tiêu đặt ra tại các quy hoạch này đã không đạt được. Cụ thể, tỷ lệ đô thị hóa còn thấp trong khi dân số gia tăng vượt quá mục tiêu quy hoạch chung đặt ra đã gây quá tải hạ tầng. Việc chậm triển khai xây dựng các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái nên còn thiếu không gian xanh, lá phổi bảo vệ môi trường. Ở khu vực nội đô chưa thực hiện di dời trụ sở bộ ngành, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở sản xuất công nghiệp để dành đất cho không gian công cộng… Từ những tồn tại trong việc thực hiện quy hoạch đã dẫn đến hệ quả TP đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường như: ô nhiễm không khí, rác thải, nước thải, ngập lụt...

Trước thực tế trên, ThS. Nguyễn Việt Dũng đề xuất, trong quá trình điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô lần này cần lồng ghép các vấn đề về bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu trong tất cả các nội dung quy hoạch, từ định hướng phát triển không gian, quy hoạch sử dụng đất, chuẩn bị kỹ thuật, giao thông, năng lượng, cấp thoát nước, xử lý chất thải, nghĩa trang… Trong đó, cần tập trung chủ yếu vào việc tính toán, bố trí hợp lý đất công viên cây xanh, các mảng xanh đô thị và quy hoạch mặt nước. Đối với các khu vực đô thị cũ cần khuyến khích cải tạo công trình theo hướng giảm thiểu mật độ xây dựng, tăng các không gian xanh, không gian đệm, hành lang cho hạ tầng kỹ thuật đô thị.

KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, để đô thị có sức đề kháng trước thiên tai, dịch bệnh, công tác quy hoạch, tổ chức không gian đô thị đòi hỏi phải có cái nhìn tổng thể, lồng ghép được các yêu cầu mới trong phát triển đô thị bền vững trên cả 3 khía cạnh: Kinh tế, xã hội và môi trường. Nguyên tắc chung là phải nâng cao năng lực thích ứng bằng cách định hướng phát triển hài hòa, phù hợp với điều kiện tự nhiên.

“Với các đô thị nhỏ, mật độ dân cư thấp, cần xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phát triển theo hướng hiện đại. Các tiêu chuẩn quy hoạch và thiết kế khu dân cư cần bảo đảm có đủ không gian xanh cho người dân, không gian sơ tán trong trường hợp khẩn cấp. Với đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, cần sớm hình thành các đô thị vệ tinh, nơi có điều kiện phát triển mới theo hướng xanh hơn, bền vững hơn, tạo cơ hội giãn dân ra khỏi khu vực nội đô” - KTS Trần Ngọc Chính nêu giải pháp.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu không chỉ là ứng phó với các tác động tiêu cực của thiên nhiên mà cần phải giảm phát thải khí nhà kính để tránh làm trầm trọng hóa mức độ tác động của biến đổi khí hậu. Vì thế, cần đưa ngay vào trong Quy hoạch TP các giải pháp, kế hoạch, mục tiêu giảm phát thải của từng ngành nghề, lĩnh vực phát triển; chẳng hạn việc nghiên cứu và khuyến khích sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng, hoạt động sản xuất phải gắn liền với công tác bảo vệ môi trường… Quy hoạch chung này để làm cơ sở, định hướng cho các quy hoạch chi tiết của riêng mỗi lĩnh vực.

 

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, đến nay TP vẫn chưa giải quyết dứt điểm tình trạng úng ngập khu vực nội đô, mặc dù có nhiều khu đô thị mới hiện đại, nhưng hệ thống thoát nước chưa được đầu tư xây dựng, kết nối đồng bộ, chủ yếu là hình thức tự chảy theo các kênh, mương ra sông Nhuệ. Công tác dự báo về biến đổi khí hậu, lưu lượng mưa trong năm để có phương án xử lý thoát nước mưa khu vực đô thị còn bị động. Bình quân giai đoạn 2015 - 2020, có 33 đơn vị hành chính cấp phường, xã trên địa bàn TP chịu thiệt hại trực tiếp do biến đổi khí hậu.