Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát

Nguyễn Vũ - Hải Anh
Chia sẻ Zalo

Các chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế, chủ trương đẩy mạnh giải ngân đầu tư công của Chính phủ, mở cửa mạnh mẽ các dịch vụ du lịch, tăng lương... dự kiến sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá trong những tháng còn lại của năm nay.

Hà Nội kiềm chế lạm phát để giữ chất lượng tăng trưởng  
Hà Nội kiềm chế lạm phát để giữ chất lượng tăng trưởng  

Dư địa kiềm chế lạm phát

Theo Cục Thống kê Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn TP tháng 6/2023 tăng 0,11% so với tháng 5/2023 và giảm 0,23% so với cùng kỳ năm 2022. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 1,22% so với bình quân cùng kỳ năm 2022. Như vậy, diễn biến thị trường trong tháng 6 nói riêng và từ đầu năm đến nay không có nhiều biến động, đặc biệt không có đột biến nào có thể đẩy CPI tăng cao.

Hiện tại, quan hệ cung - cầu hàng hóa trên địa bàn nhìn chung ổn định. Nguồn cung ứng đầu vào dồi dào thậm chí nhiều siêu thị, cơ sở phân phối đã chủ động giảm giá để kích cầu, kết hợp nâng cao chất lượng phục vụ, nâng cao khả năng tiêu thụ hàng hóa là yếu tố quan trọng nhất để kiểm soát CPI. Bên cạnh đó, một yếu tố khác cũng góp phần bình ổn giá là sức mua của xã hội không tăng, do ảnh hưởng của sự suy giảm kinh tế, tình trạng thiếu việc làm, thu nhập trong một bộ phận dân cư.

Thời tiết thuận lợi, nguồn cung nông sản dồi dào, sức mua không tăng nên giá không đổi thậm chí giảm. Hiện thị trường giá gà ta hiện ở mức 115.000 đến 120.000 đồng/kg, giá gà công nghiệp ở mức từ 70.000 đến 85.000 đồng/kg, giảm từ 5.000 đến 10.000 đồng/kg.

Tuy vậy, mấy tuần qua giá lợn hơi tăng lên mức 66.000 đến 68.000 đồng/kg khiến giá thịt lợn bán lẻ tại chợ tăng theo. Nguyên nhân là bởi thời điểm này nguồn cung lợn thịt ít hơn so với trước. Nhưng thực tế này cũng không đủ tác động mạnh tới thời giá trên thị trường.

Sở Công Thương Hà Nội, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai các chương trình kết nối đưa hàng hóa từ các địa phương về Hà Nội; đưa nông sản vào hệ thống phân phối hiện đại, nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường Hà Nội. TP cũng triển khai các chương trình khuyến mại tập trung, vừa kích cầu tiêu dùng, vừa cung ứng hàng hóa chất lượng, giá cả phù hợp đến người tiêu dùng.

Từ phía DN, bà Nguyễn Thùy Dương Phó Tổng GĐ hệ thống siêu thị BRGMart cho biết: Từ ngày 1/7, chính sách thuế VAT giảm 2% giúp giảm giá hàng hóa, từ đó góp phần kích thích sức mua. Các nhà sản xuất, cung cấp hàng hóa bảo đảm giữ giá, không thay đổi giá cung cấp. Trong quý III và IV hệ thống siêu thị WinMart hay AEON cũng triển khai các chương trình ưu đãi, giảm giá, khuyến mại, trong đó tập trung vào những mặt hàng thiết yếu.

Tập trung, linh hoạt trong điều hành

Các điều kiện bất lợi sẽ là thách thức đối với việc điều hành chính sách tiền tệ, do đó cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, bảo đảm kiểm soát lạm phát và hỗ trợ cho tăng trưởng. UBND TP Hà Nội đã có Công văn số 2069/UBND-KH&ĐT, thực hiện thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về những nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay.

Chia sẻ vấn đề trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm nhận định: Bức tranh lạm phát năm 2023 có nhiều nét đáng quan tâm vì giá hàng hóa và dịch vụ năm 2023 chịu áp lực từ nhiều yếu tố. Đó là áp lực lạm phát cầu kéo do Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được thiết kế cho năm 2022 và 2023 nhưng chưa thực hiện được nhiều trong năm 2022, nguồn lực lớn của chương trình này sẽ dồn vào thực hiện trong năm 2023, từ đó tổng cầu tăng đột biến. Khi đó nhu cầu về nguyên, vật liệu trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng có thể tăng cao khiến cho giá các loại nguyên, vật liệu tăng theo, trong khi sự đứt gãy chuỗi cung ứng chưa được khắc phục hoàn toàn và kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá lớn từ bên ngoài.

Ngoài ra, xăng dầu vẫn là ẩn số khó đoán về diễn biến giá trên thị trường thế giới, có thể gây bất ngờ cho công tác điều hành khi xảy ra sự tăng giá bất thường. Cùng với đó, điện là mặt hàng năng lượng chiến lược, đặc biệt quan trọng trong tiêu dùng và sản xuất. Trên thực tế, nhu cầu sử dụng hai mặt hàng này sẽ tăng khi kinh tế phục hồi kết hợp với nhu cầu sử dụng của xã hội tăng, khiến tổng cầu tăng.

Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh yêu cầu: Thủ trưởng các Sở, ban ngành; chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã quán triệt mục tiêu tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội, nhất là bảo đảm thu ngân sách. Phát huy vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo, giải quyết các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trước mắ. Đồng thời triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong trung, dài hạn để thúc đẩy, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tiền tệ, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN tiếp cận vốn, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Triển khai kịp thời, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP và UBND TP về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, DN…