Việc triển khai UNT đã bước đầu đạt được những kết quả khả quan, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, góp phần tăng thu ngân sách. Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Viên Viết Hùng - Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội về vấn đề này. Xin ông cho biết kết quả của việc triển khai thí điểm thu nộp thuế khoán của các hộ kinh doanh bằng phương thức điện tử tại 3 chi cục thuế trên địa bàn TP Hà Nội? - Ngày 31/12/2015, Cục Thuế Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với 3 đơn vị là Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng Công ty Viễn thông Viettel và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Viet Nam Post) triển khai thí điểm UNT thuế với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán tại 3 chi cục thuế là Đống Đa, Thanh Trì và Hai Bà Trưng. Qua hơn 3 tháng triển khai, các đơn vị ủy nhiệm thu đã thu được 52,4 tỷ đồng, đạt 110% số thuế ghi thu. Cụ thể, chi cục Thuế Đống Đa, số hộ đã nộp lũy kế 3 tháng là 3.884 hộ, đạt 81%; số thuế thu được trong 3 tháng là 17.559 triệu đồng, đạt 113,5% so với số thuế ghi thu. Chi cục Thuế Thanh Trì, số hộ đã nộp lũy kế 3 tháng là 2.909 hộ, đạt 91,7%; số thuế thu được trong 3 tháng là 9.831 triệu đồng, đạt 107,4% so với số thuế ghi thu. Chi cục Thuế Hai Bà Trưng, số hộ đã nộp lũy kế 3 tháng là 10.170 hộ, đạt 92,3%; số thuế thu được trong 3 tháng là 25.051 triệu đồng, đạt 108,8% so với số thuế ghi thu. Việc triển khai UNT đã tạo thuận lợi cho người nộp thuế, tạo cơ hội để các đơn vị UNT phát huy tốt các điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực sẵn có, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Thông qua các dịch vụ đa dạng, người nộp thuế có thể lựa chọn và chủ động thanh toán thuế, tránh bị làm phiền, giảm thời gian thực hiện thủ tục nộp thuế. Qua quá trình triển khai, công tác UNT này phát sinh những khó khăn, vướng mắc nào, thưa ông? - Dù đã đạt những kết quả bước đầu rất khả quan nhưng giai đoạn thí điểm cũng phát sinh một số vướng mắc. Cụ thể là, danh sách các hộ cá nhân kinh doanh đã thực hiện nộp thuế tại ngân hàng thương mại vẫn chưa được cập nhật hàng ngày (trễ khoảng 1 - 2 ngày) dẫn đến tình trạng một số đơn vị nhận UNT vẫn đôn đốc nộp thuế, trong khi hộ kinh doanh đã hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, với trường hợp đơn vị nhận UNT thực hiện thu thuế vào thời điểm ngày cuối cùng của quý, do quá thời gian giao dịch của các ngân hàng thương mại nên cán bộ UNT phải nộp tiền vào ngày tiếp theo, gây khó khăn trong việc hạch toán, điều chỉnh trên phần mềm quản lý thuế hoặc phát sinh khoản phạt nộp chậm. Ngoài ra, ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS) chưa xử lý được đối với trường hợp hộ cá thể ngừng nghỉ rồi kinh doanh trở lại, dẫn đến việc cơ quan thuế và đơn vị UNT phải mất thời gian đối chiếu, kiểm tra số thuế còn nợ, gây ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác đôn đốc thu. Vậy, Cục Thuế TP Hà Nội đang có những giải pháp nào để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế? - Để giải quyết bất cập, hiện nay, cơ quan thuế đang tích cực hỗ trợ các đơn vị thực hiện UNT giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh, qua đó giảm thời gian chi phí cho cả đơn vị thực hiện UNT và người nộp thuế. Cuối quý II, Cục Thuế Hà Nội sẽ có đánh giá tổng kết, nếu kết quả khả quan sẽ nhân rộng mô hình này ra toàn TP. Cục Thuế Hà Nội cũng đề xuất với Tổng cục Thuế cần sớm nâng cấp ứng dụng TMS, hỗ trợ truyền dữ liệu danh sách các cá nhân kinh doanh đã nộp thuế trực tiếp từ các ngân hàng thương mại đến các đơn vị nhận UNT, đồng thời thực hiện hạch toán bù trừ hàng ngày trên ứng dụng TMS đối với các khoản thu qua ủy nhiệm để cập nhật thông tin chính xác, kịp thời, hỗ trợ hiệu quả cho công tác đôn đốc thu thuế. Xin cảm ơn ông!