Khoảng 63% diện tích đã có nước
Theo Cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT), đợt 1 lấy nước chính thức bắt đầu từ 0 giờ ngày 23/1. Tuy nhiên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thực hiện xả gia tăng các hồ thủy điện từ 12 giờ ngày 20/1/2024 (hồ Hòa Bình) và 0 giờ ngày 20/1/2024 (hồ Thác Bà và Tuyên Quang).
Việc các hồ chứa thuỷ điện xả gia tăng sớm trước 2,5 - 3 ngày đã giúp mực nước trên hệ thống sông Hồng tăng nhanh. Tranh thủ mực nước tốt trong 3 ngày qua, 11 tỉnh, TP khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ đã tích cực vận hành hệ thống công trình, tập trung lấy nước sản xuất cho vụ Xuân.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi và Phòng, chống thiên tai (Sở NN&PTNT Hà Nội) Đào Quang Khải cho biết, tại Hà Nội, các doanh nghiệp thuỷ lợi đã tích cực vận hành hệ thống trạm bơm để đưa nước vào kênh mương, ao, hồ, dẫn đến ruộng đồng phục vụ bà con đổ ải, gieo mạ. Tính đến sáng 26/1, diện tích ruộng đồng có nước trên địa bàn TP đã đạt khoảng 39%.
Mặc dù vậy, so với 10 tỉnh, TP khác, tỷ lệ lấy nước của Hà Nội còn khiêm tốn. Hiện, Hà Nam là địa phương có diện tích đủ nước cao nhất với 88%, tiếp đến là Phú Thọ 83%, Nam Định 81%, Ninh Bình 71%, Hưng Yên 67%... Tính chung toàn khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, diện tích canh tác vụ Xuân đã có nước đạt khoảng 63%.
Rút ngắn 2 ngày lấy nước
Theo Phó Cục trưởng Cục Thuỷ lợi Nguyễn Hồng Khanh, với dòng chảy được bổ sung từ các hồ chứa thủy điện, các công trình thủy lợi đã được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đủ điều kiện để vận hành lấy nước. Các địa phương vùng ven biển đã lợi dụng lúc thủy triều cao vận hành lấy nước khi điều kiện độ mặn cho phép.
Dù vậy, tại một số địa phương, nhiều trạm bơm vẫn chưa thể hoạt động trong điều kiện nguồn nước hạn chế. Điển hình như: cống Cẩm Đình, trạm bơm Liên Mạc, trạm bơm Ấp Bắc (Hà Nội), hay cống Long Tửu (Bắc Ninh).
Trên cơ sở tiến độ lấy nước, kết quả kiểm tra thực tế, ý kiến của các cơ quan chuyên môn và trao đổi với lãnh đạo một số tỉnh, TP, để giảm thiểu lượng nước xả từ các hồ chứa thủy điện, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, sẽ điều chỉnh thời gian lấy nước đợt 1 giảm 2 ngày. Theo đó, đợt 1 dự kiến sẽ kết thúc lúc 24 giờ ngày 28/1/2024.
Để bảo đảm đủ nước sản xuất cho bà con, Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, TP tiếp tục chỉ đạo các đơn vị quản lý, khai thác vận hành tối đa các phương tiện lấy nước để đưa nước lên ruộng, phấn đấu cơ bản hoàn thành kế hoạch lấy nước trong đợt 1; tích trữ tối đa vào hệ thống kênh mương, các vùng trũng, ao, hồ phục vụ tưới dưỡng cho cây trồng.
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan vận hành tối đa công suất phát điện các nhà máy thủy điện để tăng cường nguồn nước về hạ du, tạo điều kiện nâng cao hiệu suất lấy nước của các công trình thủy lợi. Đồng thời, cung cấp nguồn điện đảm bảo để các địa phương có đủ điện để vận hành các công trình trong suốt thời gian lấy nước.
“Mục tiêu đề ra là sau đợt 1 lấy nước, các tỉnh khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ sẽ trữ nước chạm mốc trung bình 70%, trong đó tỉnh Hải Dương đạt 100%. Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiết kiệm tối đa lượng nước xả để vừa đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp vừa đảm bảo công tác sản xuất điện” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp.