Dự hội nghị có các ông: Nguyễn Đức Chung - Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Lữ Văn Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh Hậu Giang; Bí Thư tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh; Nguyễn Quốc Việt - Phó Trưởng ban BCĐ Tây Nam Bộ và bà Hoàng Thị Hạnh - Phó Trưởng ban BCĐ Tây Bắc, cùng đại diện lãnh đạo T.Ư và địa phương... Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ Nguyễn Quốc Việt cho biết, đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, tạo cơ hội quảng bá, hợp tác đầu tư thương mại, du lịch giữa ĐBSCL với TP Hà Nội và cả nước. ĐBSCL gồm 13 tỉnh, thành sản xuất nông nghiệp, thủy sản, đóng góp hơn 90% sản lượng gạo, 70% sản lượng trái cây, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu cả nước.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị. |
Những năm qua, Hà Nội đã có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2015, Hà Nội giúp đồng bằng sông Cửu Long tiêu thụ 105 tấn hành tím và tiếp tục hỗ trợ tiêu thụ trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tổ chức hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam 2015 với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh các mặt hàng đặc sản các tỉnh, thành phố vùng Tây Nam Bộ, đưa một lượng lớn hoa quả, nông sản, thủy sản của đồng bằng sông Cửu Long về Hà Nội tiêu thụ. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Hà Nội ký biên bản hợp tác phát triển nông nghiệp, xúc tiến thương mại nông nghiệp với các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long… đã có trên 100 dòng sản phẩm nông sản an toàn được bày bán tại thị trường Hà Nội, được người tiêu dùng Thủ đô đánh giá cao về chất lượng. Về lĩnh vực du lịch, Hà Nội và đồng bằng sông Cửu Long cũng có nhiều hoạt động kết nối, ký kết để quảng bá, xúc tiến giữa các bên, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực… Thời gian tới, Hà Nội và đồng bằng Sông Cửu Long sẽ tiếp tục hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch… Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian qua, Hà Nội đã tích cực, chủ động hợp tác với các địa phương trên cả nước, trong đó hợp tác với đồng bằng Sông Cửu Long có ý nghĩa quan trọng. Hai bên đã ký 6 biên bản ghi nhớ quan trọng để tiêu thụ sản phẩm làng nghề của Hà Nội. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối cung cầu, trao đổi 2 chiều giữa Hà Nội và đồng bằng sông cửu Long, đưa hàng hóa đồng bằng sông Cửu Long vào tiêu thụ tại thị trường Hà Nội. Bên cạnh đó, Hà Nội và đồng bằng sông Cửu Long tham gia khảo sát, hội chợ, tổ chức tuần lễ du lịch xanh, kết nối tour, tuyến du lịch… Trong lĩnh vực an sinh xã hội, Hà Nội cũng tích cực hỗ trợ đồng bằng sông Cửu Long. Hội nghị này là cơ hội để địa phương gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, từ đó đẩy mạnh hợp tác đầu tư, thương mại và du lịch chặt chẽ, hiệu quả hơn. Tại hội nghị, rất nhiều lĩnh vực hợp tác đã được các đại biểu đưa ra nhằm giới thiệu tiềm năng, cũng như kêu gọi đầu tư hợp tác giữa các tỉnh, thành phố.