Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội và giấc mơ thành phố sông Hồng

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bản quy hoạch Phân khu đô thị sông Hồng đã được TP Hà Nội lập và đang khẩn trương lấy ý kiến các đơn vị liên quan để hoàn thiện, phê duyệt và ban hành vào giữa năm nay.

Phát triển TP Hà Nội với điểm nhấn là dòng sông ở giữa, với hành lang xanh, một đô thị đẹp, văn minh, hiện đại, hài hòa hai bên bờ sông… là những góp ý tâm huyết của các chuyên gia trong việc định hướng phát triển. Đây cũng là mong mỏi của người dân Thủ đô hàng chục năm qua đối với bản quy hoạch đặc biệt này.
Tính thực tiễn và khả thi cao

Có thể nói trên thế giới đã có nhiều thành phố tận dụng rất tốt lợi thế phát triển đô thị cạnh những con sông như Rome ( Italia), Paris (Pháp), Seoul (Hàn Quốc)… Trong nước cũng đã có Đà Nẵng thành công trong việc đưa dòng sông Hàn vào trong lòng thành phố. Hà Nội hơn ngàn năm văn hiến cũng bắt đầu từ dòng sông Hồng chảy vào đất Việt. Nhiều năm qua sông Hồng chưa bao giờ được ví là dải lụa, trục không gian với đúng nghĩa là trục cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp kết nối hai bờ sông có phù sa màu mỡ. Thế nhưng, con sông này cũng chưa được khai thác đúng tầm của nó.
 Sồng Hồng nhìn từ trên cao đoạn chạy qua địa phận quận Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Theo giới chuyên gia, việc lần này Hà Nội đặt quyết tâm chính trị cao, đẩy mạnh nghiên cứu, thẩm định, phê duyệt quy hoạch Phân khu đô thị sông Hồng để định hướng về không gian đô thị, chỉnh trang đô thị, giải quyết sinh kế cho người dân, chỉnh trị dòng chảy và hành lang thoát lũ... là tiến bộ vượt bậc về công tác quy hoạch, cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, cơ hội để phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực.
Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam - KTS Trần Ngọc Chính đánh giá, quy hoạch Phân khu đô thị sông Hồng đã được lập, có thể coi đây là một điểm tựa vững chắc để thành phố bứt phá về kinh tế - xã hội, giải quyết dứt điểm bài toán dân sinh và mở ra một giai đoạn phát triển mới cho đô thị Thủ đô. Để quy hoạch sông Hồng được thực hiện một cách đúng đắn thì tầm nhìn, quyết tâm của lãnh đạo thành phố vô cùng quan trọng. Đây là thời điểm không thể tốt hơn để Hà Nội tiếp tục thực hiện giấc mơ đã ấp ủ bấy lâu nay.

Cùng quan điểm, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, GS. TSKH Đặng Hùng Võ nêu, bài toán về quy hoạch hai bên sông Hồng của Hà Nội đã đặt ra từ lâu nhưng đều để dở dang chưa tìm ra lời giải. Lần này, Hà Nội đặt quyết tâm biến chủ trương thành hành động cụ thể, cần thực hiện dứt điểm công tác quy hoạch vùng đất hai bên bờ sông Hồng. Khi có quy hoạch, Hà Nội có thể phát huy cao nhất điều kiện thuận lợi của một thành phố bên sông cho phát triển đô thị, lập lại trật tự tại khu vực bãi sông vốn đang phát triển tự phát, lộn xộn ở đây. Đặc biệt, nó sẽ đảm bảo vấn đề sinh kế cho hàng triệu người dân sống hai bên sông.

Khác với những giai đoạn trước việc lập quy hoạch hầu như chỉ giao cho tư vấn nước ngoài hay DN bỏ vốn lập dưới hình thức xã hội hóa, quyết định của Hà Nội lần này quy hoạch do Nhà nước làm mà không giao cho bất kỳ DN nào. Trong đồ án, lãnh đạo TP Hà Nội cũng đã chỉ đạo, quy hoạch không chất tải cao ốc hai bên bờ sông mà định hướng là trục không gian cây xanh mặt nước, phát triển các công trình công cộng, công viên, công trình văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí, biểu tượng của Thủ đô để phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch… Đặc biệt, quy hoạch thủy lợi tích hợp trong quy hoạch này hoàn toàn chấp hành Quyết định 257 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, có nghĩa thoát lũ vẫn là nhiệm vụ ưu tiên số một. Định hướng này của TP đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ phía chuyên gia và người dân Thủ đô.

Tạo không gian điểm nhấn mới cho Thành phố

Đánh giá về bản quy hoạch Phân khu đô thị sông Hồng lần này, GS. TS. KTS Nguyễn Quốc Thông - Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cho rằng, đây là một bản quy hoạch tốt, mang tính thực tiễn và khả thi cao, phù hợp với yêu cầu phát triển của Hà Nội. Quy hoạch đã ưu tiên phát triển không gian xanh và thoát lũ chứ không chú trọng phát triển thành trục bất động sản như của Hàn Quốc đã từng đề xuất. Điều này cũng đáp ứng mong mỏi của người dân từ nhiều năm nay.
Tuy nhiên, để làm rõ định hướng sông Hồng là trục cảnh quan chính của Thành phố, GS. TS. KTS Nguyễn Quốc Thông nêu hai vấn đề cần lưu ý. Thứ nhất, cần coi toàn tuyến sông Hồng qua Hà Nội với hơn 100km (không chỉ 40km theo quy hoạch phân khu) là trục cảnh quan chính để phát triển thành phố hai bên sông, hướng cả hai bên tả ngạn và hữu ngạn về phía sông Hồng, để sông Hồng thực sự phải là mặt tiền của Thành phố, khắc phục tình trạng sông Hồng đang bị quay lưng lại như hiện nay. Tất cả các quy hoạch cần phải làm rõ được định hướng này.

Thứ hai, cần phát huy giá trị văn hóa của sông Hồng. Đó là các làng nghề, sản vật nông nghiệp của làng ven sông, những câu chuyện về nền văn minh của người Việt dọc sông Hồng… phải được coi như một nguồn tài nguyên quý giá cần khai thác. Thậm chí cần gắn với khoa học công nghệ để nâng tầm thành sản phẩm phục vụ thương mại, du lịch, phát huy hiệu quả kinh tế.

Theo vị chuyên gia này, trên toàn bộ trục không gian sông Hồng cần chọn ra một vị trí đánh dấu điểm nhấn, trong đó lưu ý khu vực bãi giữa hai bờ Tứ Liên, Bắc Cầu, chỗ ngã ba sông (sông Hồng, sông Đuống). Đây là nơi mặt nước, cây xanh giao thoa của 2 dòng sông, liên kết Cổ Loa lịch sử với hồ Tây hiện tại; đồng thời cũng là khu vực hội đủ yếu tố cảnh quan, văn hóa, lịch sử để trở thành không gian văn hóa lớn, không gian mở đặc trưng của Hà Nội trong tương lai.

Về quy hoạch xây dựng hai tuyến đường cấp đô thị dọc hai bên sông Hồng, GS. TS. KTS Nguyễn Quốc Thông cho rằng nên xem xét cách tổ chức tuyến. Quy mô với số lượng làn xe là bao nhiêu không quan trọng bằng hình thức tổ chức tuyến. Yếu tố cảnh quan cần được đặc biệt chú trọng để tạo nên tuyến đường cảnh quan độc đáo và duy nhất dọc sông Hồng của Hà Nội chứ không nhất thiết theo cách thiết kế của tuyến đường đô thị thông thường. KTS Trần Ngọc Chính cho rằng xây dựng hai tuyến đường cấp đô thị chạy dọc sông là nội dung thiết thực và quan trọng nhất trong quy hoạch phân khu sông Hồng. Đây sẽ là tuyến giao thông nhằm tạo lập sự liên kết với giao thông Thành phố và giao thông khu vực. Tuy nhiên, quan trọng hơn đây sẽ là trục cảnh quan chủ yếu để tạo dựng không gian kiến trúc đô thị, cây xanh, công viên, các công trình điểm nhấn và các quảng trường ven sông Hồng.

"Quy hoạch sông Hồng có tính chất phức tạp, liên quan đa ngành, cần tích hợp nhiều quy hoạch cấp cao. Vì vậy, đồ án không chỉ đảm bảo đầy đủ, vững chắc cơ sở pháp lý, khoa học mà còn phải đảm bảo tính khả thi và đánh giá kỹ lưỡng các tác động trong quá trình thực hiện."- Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng


"Hà Nội đã có không gian Hồ Gươm đối với các khu phố thời Pháp, không gian Hồ Tây với các khu phố hiện tại và không gian ngã ba sông Hồng, sông Đuống sẽ là của tương lai."- Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, GS. TS. KTS Nguyễn Quốc Thông