Hà Nội: vi phạm đê điều diễn biến phức tạp
Kinhtedothi - Thời gian qua, vi phạm đê điều tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số địa bàn thuộc TP Hà Nội. Các đối tượng có liên quan đến vi phạm còn tỏ ra hết sức manh động khi sẵn sàng hành hung, đe doạ kiểm soát viên đê điều thực hiện nhiệm vụ.
Đe doạ, hành hung kiểm soát viên
Những năm qua, hệ thống đê điều được Hà Nội quan tâm đầu tư xây dựng theo hướng đa mục tiêu. Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống thiên tai mà còn phục vụ giao thông và tạo dựng cảnh quan, môi trường.
Để bảo vệ hệ thống đê điều, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đã thành lập các hạt quản lý đê; phân công nhiệm vụ cho các kiểm soát viên đê điều trong việc theo dõi, giám sát các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều.
Ghi nhận thời gian qua, tình trạng vi phạm đê điều diễn biến khá phức tạp. Đặc biệt, trên một số tuyến đê, có tình trạng kiểm soát viên đê điều bị các đối tượng hành hung, đe doạ trong khi thực thi công vụ.

Lều lán, nhà tạm xây dựng trái phép ở bãi giữa sông Hồng dưới chân cầu Nhật Tân.
Mới đây nhất, trung tuần tháng 3/2025, anh N.T.T (kiểm soát viên đê điều của Hạt Quản lý đê số 4 đang làm nhiệm vụ kiểm tra diễn biến công trình đê điều, bờ bãi sông Hồng, đoạn thuộc địa bàn phường Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm) thì bị một nam giới lạ mặt bất ngờ chặn xe, đấm vào vùng mặt, vùng đầu làm choáng váng, gục ngã tại chỗ, phải điều trị tại Bệnh viện Nam Thăng Long…
Trước đó vào cuối tháng 11/2024, chị N.T.T (kiểm soát viên đê điều của Hạt Quản lý đê số 13) bị một nam giới đánh vào vùng mặt, cướp điện thoại, lăng mạ... khi đang sử dụng điện thoại ghi lại hình ảnh xây dựng công trình trong hành lang thoát lũ, bảo vệ đê tả Đáy (đoạn thuộc địa phận thôn Đông Lao, xã Đông La, huyện Hoài Đức).
Cũng vào tháng 11/2024, hai nữ kiểm soát viên đê điều của Hạt Quản lý đê số 7 bị hai người đàn ông đi xe máy không gắn biển số, đeo khẩu trang áp sát đe dọa trên đường tới kiểm tra công trình xây dựng trong phạm vi bảo vệ đê hữu Hồng và kè Cát Bi (thuộc địa bàn thôn Cát Bi, xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên)...
Chuyển cơ quan điều tra
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo, kiểm soát viên các hạt quản lý đê của TP Hà Nội còn phản ánh, thời gian gần đây thường bị đối tượng không quen biết theo dõi, đe dọa trong quá trình kiểm tra địa bàn và cả khi tham gia giao thông. Địa phương nào càng quyết liệt trong xử lý vi phạm, tần suất kiểm soát viên đê điều bị đe dọa càng tăng...
Trước tình hình trên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai (Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội) Phạm Quang Đông cho biết, đơn vị đã có văn bản đề nghị Công an TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, xử lý nghiêm đối tượng đã hành hung, chiếm đoạt tài sản, đe dọa công chức, viên chức các hạt quản lý đê; đồng thời hỗ trợ bảo đảm an toàn cho lực lượng kiểm soát viên đê điều trong quá trình thực thi nhiệm vụ...
Cũng theo đại diện Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội, tình hình vi phạm pháp luật đê điều đang phức tạp, nhất là khu vực bãi sông. Thống kê từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn TP phát sinh 16 vụ vi phạm pháp luật đê điều, trong đó: huyện Thường Tín 7 vụ, quận Long Biên 5 vụ, quận Hoàng Mai 3 vụ, huyện Phú Xuyên 1 vụ.
“Mặc dù cơ quan chức năng đã lập biên bản, gửi hồ sơ vụ việc, có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc nhưng đến nay, các địa phương mới xử lý dứt điểm 1 vụ, tồn đọng 15 vụ. Đặc biệt, một số địa phương chưa xử lý xong các nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2024, Thanh tra TP Hà Nội năm 2021...” - ông Phạm Quang Đông cho biết thêm.
Để bảo đảm an toàn công trình phòng chống lũ, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội đã yêu cầu các hạt quản lý đê thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng chuyên trách quản lý đê điều; thường xuyên bám sát địa bàn quản lý, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, thiết lập hồ sơ, kiến nghị xử lý vi phạm theo thẩm quyền, quy định pháp luật...
Trích dẫn
“Để đảm bảo an toàn đê điều trong mùa mưa bão năm 2025, đề nghị các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, kết luận thanh tra của các cấp, các ngành. Trong đó, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về chấp hành quy định pháp luật, trách nhiệm bảo vệ hệ thống đê điều; quyết liệt xử lý vi phạm phát sinh, tồn đọng trên địa bàn. Đồng thời, xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm mà không kiên quyết, xử lý dứt điểm...” - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội Nguyễn Duy Du.

Chủ động ứng phó, nâng cao năng lực chống thiên tai cho người lao động
Kinhtedothi - Theo TS. Hoàng Mạnh Hùng – Giảng viên chính ngành Kinh tế và kinh doanh nông nghiệp Trường Kinh doanh Đại học Kinh tế Quốc dân, giải pháp cơ bản để giúp người lao động đảm bảo sinh kế là chủ động ứng phó trước, trong và sau thiên tai. Trong đó, tập trung khắc phục thiệt hại sau thiên tai gây ra; đồng thời, nâng cao năng lực chống thiên tai cho người lao động.

Hỗ trợ tài chính giúp người lao động sớm ổn định, khôi phục sản xuất sau thiên tai
Kinhtedothi - Một trong những biện pháp quan trọng để giúp người dân sớm ổn định sau thiên tai là trích lập Quỹ dự phòng rủi ro. Đối với khách hàng bị rủi ro do thiên tai, có thể được xem xét xử lý rủi ro khoanh nợ, xóa nợ tùy theo mức độ thiệt hại, trên cơ sở đề nghị của khách hàng, xác nhận của chính quyền địa phương và phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

Ứng phó với thiên tai đảm bảo sinh kế cho người lao động
Kinhtedothi - Nhấn mạnh tại lễ khởi động Chương trình truyền thông "Những cống hiến thầm lặng 2025" Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho rằng, Chương trình có những hoạt động cụ thể hướng đến người yếu thế, đây là thể hiện sâu sắc trong việc thực hiện Chương trình 08-CTr/TU phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025.