Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội với cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19: Thần tốc, quyết liệt, hiệu quả

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội là địa phương chịu tác động nặng nề nhất của dịch bệnh Covid-19, nguy cơ rủi ro lớn nhất với nguồn bệnh bên ngoài sau đó lây chéo từ bên trong... khiến số ca bệnh cao nhất cả nước.

Tuy nhiên, với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, bài bản: Khoanh vùng, cách ly, dập dịch của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của Nhân dân, Hà Nội đã kiểm soát được tình hình.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Đánh giá về kết quả bước đầu trong phòng chống dịch Covid-19 tại Hà Nội, nhiều ý kiến đồng tình nhận định, Hà Nội đã khống chế và kiểm soát được dịch bởi sự phản ứng nhanh, kịp thời, nhạy bén và chính xác. Cùng với thực hiện nghiêm các chỉ đạo của T.Ư, chính quyền TP đã đánh giá đúng tình hình, chủ động đề ra các giải pháp phù hợp thực tiễn và tổ chức thực thi sớm.
Trở lại thời điểm ngay khi phát hiện ca mắc đầu tiên trên địa bàn, TP đã họp khẩn trong đêm để xử lý tình hình. Người dân Hà Nội từ chỗ hoang mang, thậm chí là sợ hãi đã nhanh chóng lấy lại cân bằng và an tâm tin tưởng hơn khi TP nhanh chóng khoanh vùng và cách ly những người nhiễm cũng như các trường hợp nghi nhiễm, tránh lây lan ra diện rộng.
 Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung kiểm tra công tác phòng dịch tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ảnh: Thanh Hải
Thường trực Thành ủy và trực tiếp Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã có nhiều cuộc họp khẩn cấp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội và Ban Cán sự đảng UBND TP, cùng nhiều sở ngành, quận huyện. Cả hệ thống chính trị TP Hà Nội vào cuộc với quyết tâm cao sớm đẩy lùi dịch bệnh. Nếu tính trên các con số, thì chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng riêng Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid -19 TP đã liên tiếp họp khoảng 40 phiên trực tuyến với các quận, huyện, thị xã và các sở, ban, ngành để chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Thường trực Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, quy định cũng như chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người thuộc diện cách ly. Đặc biệt, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị 31 hưởng ứng lời kêu gọi đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và thực hiện Chỉ thị 11,15,16 của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của T.Ư.

Mỗi người dân là một “pháo đài chống dịch"
Từ nhận thức “Chống dịch như chống giặc”, xây dựng các phương án, xác định lấy phòng dịch là chính, cố gắng mức thấp nhất các ca nhiễm mới, không để dịch bùng phát. Cùng với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tuyệt đối không lơ là, chủ quan các lực lượng chống dịch từ phường, xã đến tổ dân phố ngay khi có trường hợp nghi nhiễm phải áp sát, tìm nguyên nhân, điều tra kỹ tình trạng sức khỏe, lộ trình đi lại, những người đã tiếp xúc để có biện pháp cách ly.
Quận Ba Đình, địa bàn xuất hiện ca nhiễm đầu tiên tại Hà Nội, đã huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự tham gia của mọi người dân. Các thông tin về dịch bệnh, công tác phòng, chống dịch được truyền tải nhanh, minh bạch, đầy đủ. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quận và các phường đã thể hiện sự bình tĩnh trong điều hành, chủ động, đoàn kết với nhiều cố gắng, nỗ lực nhằm kiềm chế và kiểm soát được dịch bệnh.
Tại Thị xã Sơn Tây, để người dân hiểu, chấp hành và đồng thuận, chính quyền địa phương đã thành lập 115 chốt kiểm soát y tế, 18 tổ kiểm soát lưu động, 5 tổ cơ động tăng cường tuần tra. Ở những chốt kiểm soát y tế, ngoài kiểm soát những người ra, vào thôn, nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang và hạn chế đi lại. Với những người lạ thì yêu cầu khai báo thông tin cá nhân, tình hình sức khỏe, nơi đến và được đo thân nhiệt… Nhờ sự bám sát ngay từ cơ sở này, công tác kiểm soát và nắm tình hình dịch bệnh được đồng bộ, rõ nét và hiệu quả nhất.
Sự chủ động đã mang lại những hiệu quả thực tiễn. Như trong quá trình xử lý ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, Ban Chỉ đạo của TP yêu cầu các đơn vị phải hành động nhanh chóng và dứt khoát. Chính vì vậy, hàng nghìn người có yếu tố tiếp xúc với người bệnh, hay người liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai đã được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, vừa theo hình thức test nhanh vừa tiến hành kết hợp lấy mẫu để xét nghiệm sinh học phân tử (RT-PCR) tại trạm lấy mẫu di động ở các quận, huyện, thị xã. Sự nhanh chóng và dứt khoát trong công tác phòng chống, dập ổ dịch; chủ trương nâng lên một mức phản ứng với dịch bệnh so với khuyến cáo của Bộ Y tế cũng đã phát huy hiệu quả trong xử lý ổ dịch thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh.
Chăm lo đời sống cho người yếu thế
Song song với nỗ lực chống dịch, tinh thần "không ai bị bỏ lại phía sau" là một thực tế đang diễn ra ở Hà Nội với sự chung tay của toàn xã hội, trong đó vai trò của hệ thống chính trị được khẳng định rõ ràng.
Ngoài ngân sách của TP, tính đến thời điểm 22/4, Ủy ban MTTQ TP đã tiếp nhận ủng hộ bằng tiền mặt và hiện vật trị giá hơn 101 tỷ đồng và kịp thời chuyển tình cảm, tấm lòng của các tầng lớp Nhân dân Thủ đô tới các lực lượng tuyến đầu tham gia công tác phòng chống dịch gồm: Các y, bác sĩ tuyến đầu, lực lượng công an, quân đội; thăm hỏi, tặng quà các hộ gia đình khó khăn, bị tác động trực tiếp của dịch bệnh và Nhân dân các khu vực cách ly phòng chống dịch trên địa bàn TP.
Tại các quận, huyện, thông qua MTTQ các cấp, các tổ chức, cá nhân cũng đã đóng góp hàng tỷ đồng để giúp bà con vượt qua khó khăn. Những cây “ATM gạo”, “siêu thị 0 đồng” hoặc các điểm phát quà “Ai cần cứ đến lấy” đang xuất hiện ngày càng nhiều ở Hà Nội. Không chỉ giúp tăng thêm nguồn lực, mà còn là minh chứng rõ ràng nhất cho sự chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân Thủ đô cùng vào cuộc tạo nên sức mạnh cùng chiến thắng dịch bệnh.
Đến nay, toàn TP đã hoàn tất việc kiểm soát những trường hợp người lao động mất việc, gặp khó khăn để triển khai gói cứu trợ 62.000 tỷ đồng. Hiện Hà Nội đã trình ký hàng trăm tỷ đồng để hỗ trợ người dân thông qua hệ thống chính quyền các cấp. Đó là sự thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, chăm lo đời sống cho người khó khăn vượt qua thời dịch bệnh.

"Hà Nội là một đô thị lớn, để kiểm soát tình hình dịch bệnh không hề dễ nếu không có sự sáng tạo, nắm chắc thực tiễn, nhưng lãnh đạo và các cơ quan chức năng của TP đã nhìn rất rõ thực tế và có những giải pháp cụ thể, kịp thời sát với tình hình địa phương và tạo ra những hiệu quả bước đầu. Thời gian qua, văn bản tiếp nối văn bản được ban hành, gần như mỗi ngày đều có những chỉ đạo mới, từ chỉ đạo thực hiện văn bản của T.Ư, cho tới những tình huống mới phát sinh trong thực tiễn. Không chỉ ở cấp TP, hiệu lực, hiệu quả của chính quyền còn được thể hiện rõ nét từ cấp cơ sở, thậm chí từ hệ thống cán bộ cơ sở nhỏ nhất là thôn, tổ dân phố. Có thể nói rằng, chính sự đồng lòng từ chính quyền các cấp đã nhân lên thành sức mạnh to lớn, kiểm soát được tình hình, từng bước chiến thắng dịch bệnh" - Viện trưởng Viện TN&MT và phát triển cộng đồng - PGS. TS Bùi Thị An