Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội với dự án phố đi bộ: Lấp dần khoảng trống không gian công cộng

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau phố đi bộ Hồ Gươm, Hà Nội đang rục rịch nhiều dự án như phố đi bộ Trịnh Công Sơn, phố đi bộ Phùng Hưng gắn với không gian nghệ thuật công cộng.

Những không gian này là đòi hỏi bức thiết cho những đô thị di sản như Hà Nội.
Lãng quên lợi ích tinh thần

Trong một toạ đàm mới đây về không gian công cộng ở đô thị, TS Nguyễn Quang - Giám đốc UN-Habitat (Chương trình Định cư con người Liên Hợp quốc) nhận định, trong các chiến lược phát triển không gian đô thị, thì không gian công cộng chiếm một vị trí quan trọng. “Đó là những đường phố, những khoảng không gian công cộng, tất cả đều góp phần cho sự phát triển của Thủ đô và tạo ra sự cân bằng trong xã hội” – TS Nguyễn Quang chia sẻ. Trong bối cảnh thay đổi khí hậu và tình trạng nóng lên của trái đất, những không gian công cộng đóng góp lớn trong việc bảo vệ bền vững môi trường. TS Nguyễn Quang nhận định: “Chúng ta hàng ngày càng quan tâm đến nguồn lợi về kinh tế, quên đi những lợi ích về mặt tinh thần mà những không gian công cộng mang lại. Khi mà mọi thứ giờ đây dần gắn với lợi ích vật chất thì việc có nhiều không gian công cộng bị thương mại hóa là rất có thể xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc phục vụ lợi ích cộng đồng”.

Bích họa trên phố Phùng Hưng. Ảnh: Công Hùng

Quận Hoàn Kiếm là một trong những đơn vị tích cực trong việc sắp xếp lại không gian công cộng. Sau các tuyến phố đi bộ ở khu phố cổ, Hàng Đào - Hàng Giấy, Hà Nội mạnh dạn thí điểm phố đi bộ Hồ Gươm tạo ra không gian đi bộ và vui chơi mới cho người dân và du khách dịp cuối tuần. “Trong xu thế hiện nay, nhất là khu vực lõi đô thị, việc sắp xếp lại không gian công cộng sao cho hiệu quả hơn là nhiệm vụ quận Hoàn Kiếm đang tính đến” - ông Phạm Tuấn Long - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm thông tin.

Và không gian công cộng ở đây không chỉ là một địa điểm, một trung tâm mà còn là di sản cần được bảo tồn. TS Quang nhấn mạnh vai trò huy động nguồn lực xã hội trong sử dụng không gian công cộng, vừa khai thác không gian đó như tài sản xã hội và góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của cả văn hóa và xã hội. Bởi thực tế hiện nay, hầu hết tư duy khi sử dụng không gian công cộng đều là những tư duy từ trên xuống, tức là chính quyền Nhà nước làm cái gì thì người dân làm cái đó. Vì thế, chúng ta chưa khai thác được hết tiềm năng của chính những không gian đang có.

Dự án từng phần

Trong khi chờ đợi dự án dài hơi hơn để biến đổi cả không gian phố Phùng Hưng, UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện chỉ đạo của TP Hà Nội chủ trì dự án Bích họa phố Phùng Hưng. 19 tác phẩm bích họa sẽ làm đẹp không gian đoạn vòm cầu dẫn lên cầu Long Biên. Theo lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, đường dẫn cầu Long Biên, cầu Long Biên và không gian phụ cận được xác định là quần thể di sản có thể được xếp hạng và sắp được xếp hạng nên rất cần phát huy. “Việc đục thông vòm cầu chính là khôi phục lại giá trị nguyên bản, kết hợp hơi thở đời sống đương đại như ý tưởng của Chủ tịch UBND TP đưa vào các hoạt động nghệ thuật, trung tâm sáng tạo và khởi nghiệp cho thanh niên. Việc này đánh thức ý thức bảo tồn di sản đô thị của cộng đồng” - ông Phạm Tuấn Long bày tỏ.

Những ngày này phố Phùng Hưng bắt đầu có diện mạo mới khi nghệ sĩ Hàn Quốc đang dần hoàn thiện một số bức vẽ trong số 19 tác phẩm dự án làm đẹp phố Phùng Hưng. Do yếu tố lịch sử, hơn 100 vòm cầu đường sắt Phùng Hưng được xây bít lại, nay đang được nghiên cứu để đục thông kết hợp cải tạo không gian. Số vòm cầu làm bích họa thuộc phần đường dẫn lên cầu Long Biên là giai đoạn đầu tiên trong dự án cải tạo không gian Phùng Hưng. Theo lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, những vòm cầu này không nằm trong số được nghiên cứu đục thông nên thuận tiện để các nghệ sĩ sáng tạo, góp phần làm đẹp khu phố. Được biết, quận Hoàn Kiếm không mấy khó khăn khi chuẩn bị mặt bằng thực hiện dự án bích họa. “Trong các bước thực hiện với dự án Phùng Hưng, bích họa là giai đoạn mở đầu, dễ thực hiện và kinh phí thấp nhất, tuy nhiên lại đóng vai trò lan tỏa và tạo hiệu quả đáng kể” - ông Long chia sẻ.

Không gian nghệ thuật mới

Tuy nhiên, bấy nhiêu không gian công cộng được hình thành ở các con phố Hà Nội thời gian qua chưa đủ. Theo nghiên cứu của KTS Đoàn Kỳ, dân cư chỉ thường xuyên hưởng thụ các không gian văn hóa trong vòng bán kính 1km. Chính vì vậy, dân cư ở khu vực Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ… không thể cuối tuần nào cũng lên Hồ Gươm để thưởng ngoạn phố đi bộ. Đánh thức và mở rộng không gian cận kề khu phố cổ là tham vọng của những người quan tâm tới di sản đô thị Hà Nội. Việc này vừa góp phần cải tạo không gian công cộng, đồng thời đem tới không gian có giá trị cao hơn, hiệu quả hơn. Theo ông Phạm Tuấn Long, “việc này cũng giống như tổ chức phố đi bộ. Nếu chỉ để là đường phố thì không có gì đặc biệt, biến TP đi bộ làm thay đổi hoàn toàn các hoạt động từ kinh tế, văn hóa tới xã hội”. Một trong những điều nhìn thấy rõ nhất là sự ủng hộ, chung tay của người dân. Chẳng hạn người dân tự bỏ tiền chỉnh trang khu mặt tiền xung quanh Hồ Gươm, đầu tư cho các mặt hàng kinh doanh và hoạt động phục vụ du khách.

Tương lai toàn bộ khu phố cổ sẽ trở thành không gian đi bộ. Đó là tham vọng của quận Hoàn Kiếm, cũng là xu hướng được nhiều chuyên gia ủng hộ. Trong lúc chờ đợi, quận Hoàn Kiếm đang muốn nhân rộng không gian đi bộ khu vực xung quanh Hàng Đào - Hàng Giấy, chợ Đồng Xuân và không gian phụ cận. Dự án bích họa Phùng Hưng được xem là yếu tố lan tỏa tinh thần phát huy giá trị di sản đô thị, huy động nguồn lực xã hội. Khu vực này cũng nằm trong kế hoạch tổng thể chỉnh trang không gian chợ Đồng Xuân kết nối khu vực phụ cận.

Khi được hỏi về sự khác biệt của phố đi bộ Phùng Hưng với các không gian đã có của Hà Nội, ông Long cho biết: Nếu khu phố đi bộ Hàng Đào - Hàng Giấy gắn với thương mại, khu vực đi bộ phố cổ gắn liền với du lịch, phố đi bộ Hồ Gươm mang tính cảnh quan thì phố đi bộ Phùng Hưng sẽ trở thành không gian nghệ thuật và startup. Kiến trúc sư Nguyễn Việt Huy chịu trách nhiệm tư vấn và thiết kế dự án đục thông vòm cầu Phùng Hưng nói rằng, sau này những vòm cầu được mở ra có thể trở thành không gian thư viện, cà phê, triển lãm. Đây là việc hoàn toàn có thể làm được theo kinh nghiệm của các nước như Pháp, Đức. Tuy nhiên, diện mạo của không gian nghệ thuật này còn phụ thuộc vào “đề bài” của UBND TP Hà Nội trong thời gian tới, nhất là sau khi hoàn thiện giai đoạn thử nghiệm khảo sát và đục thông vòm cầu trong năm 2018.
Để có được một không gian công cộng như mong muốn sẽ là một vấn đề rất lớn cần đặt ra ở Hà Nội. Thủ đô đẹp trước hết quy hoạch phải tốt, mới có công trình tốt và đô thị đẹp. Khi quy hoạch chúng ta đều phải tính toán tới những công trình liền kề như: Quảng trường, nhà hát, nhà hàng. Với sự phát triển chóng mặt của xã hội dường như đã làm cho chúng ta quên đi việc gìn giữ và bảo vệ những không gian công cộng. Mặt khác, có những không gian như quảng trường, những địa điểm rất lớn vẫn chưa được khai thác đúng tiềm năng. 
Ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam
Việc kết hợp chương trình đưa nghệ thuật vào không gian sống do UN-Habitat thực hiện với sự huy động nguồn lực cộng đồng và sự tham gia của giới trẻ trong kiến tạo không gian công cộng xanh và an toàn tại quận Hoàn Kiếm giúp nơi đây có những tuyến phố văn hóa nghệ thuật. Mỗi con phố trong khu vực phố cổ, phố cũ Hà Nội mang trong mình lớp tầng văn hóa và nghệ thuật. Do vậy, những hoạt động trên là hoàn toàn thích hợp và logic.
KTS Lê Việt Sơn - Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam