Đây là lần đầu tiên, Thường trực HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết về hoạt động chất vấn sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND theo Nghị quyết 594//NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc Thường trực HĐND TP ban hành Nghị quyết về hoạt động chất vấn thể hiện vai trò giám sát, đi đến tận cùng sự việc của HĐND.
Rà soát, lập kế hoạch di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi làng nghề
Đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường trong quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn TP, trong Nghị quyết, HĐNĐ TP yêu cầu rà soát trình HĐND TP quyết định tập trung nguồn lực và tổ chức triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và dự án xử lý nước thải đô thị theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó cần xác định rõ tính cấp thiết để ưu tiên đầu tư để tập trung nguồn lực về vốn, chỉ đạo tập trung thực hiện theo tiến độ yêu cầu đã xác định tại Kế hoạch 312/KH-UBND ngày 28/12/2021 của UBND TP; đối với những dự án còn lại chưa được bố trí nguồn lực để thực hiện trong nhiệm kỳ 2021-2025, yêu cầu tiếp tục nghiên cứu đầu tư và cơ bản hoàn thành trong nhiệm kỳ 2025-2030.
Đồng thời yêu cầu TP chỉ đạo Sở QH-KT chủ trì thẩm định các đồ án quy hoạch yêu cầu các khu đô thị, khu nhà ở phải có quy hoạch xây dựng trạm xử lý nước thải quy mô phù hợp, đảm bảo yêu cầu về xử lý nước thải theo quy định; Chỉ đạo ban hành hướng dẫn cụ thể các nội dung khi chuyển tiếp thực hiện tổ chức phân cấp quản lý nhà nước trên địa bàn TP.
Rà soát thống kê hệ thống hồ điều hòa trên địa bàn TP (bao gồm các hồ chưa kết nối vào hệ thống thoát nước đô thị trong các khu đô thị mới) để có giải pháp hoạt động các hồ điều hòa; có giải pháp khai thác, sử dụng các hồ trong các công viên, khu đô thị mới tham gia điều hòa, thoát nước đô thị và điều tiết lượng nước mưa chảy vào mạng lưới thu gom giúp giảm thiểu trình trạng ngập úng tức thời. Tập trung giải quyết việc kết nối thoát nước giữa các khu đô thị, hệ thống chung của khu vực và TP.
Chỉ đạo UBND quận, huyện, thị xã phối hợp, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng các dự án, công trình thoát nước và công trình xử lý nước thải. Kịp thời giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo UBND TP chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Rà soát Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 725/QĐ-TTg ngày 10/5/2013; Quy hoạch tiêu nước hệ thống sông Nhuệ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 937/QĐ-TTg ngày 01/7/2009; trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá, nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung về quy hoạch thoát nước đô thị phù hợp với quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị và biến đổi khí hậu, cập nhật vào đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về xử lý nước thải Khu, Cụm công nghiệp: Chỉ đạo các doanh nghiệp dự án thực hiện đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp; các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng, các doanh nghiệp đang hoạt động trong Khu công nghiệp thực hiện các biện pháp thu gom, xử lý nước thải, khí thải, chất thải nguy hại, chất thải rắn đúng quy định Luật Bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, chỉ đạo Sở TN&MT thực hiện giám sát dữ liệu quan trắc nước thải tự động, liên tục; đánh giá kết quả quan trắc nước thải tự động, liên tục và so sánh với giá trị tối đa cho phép các thông số ô nhiễm theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải; theo dõi, kiểm tra việc khắc phục trong trường hợp dữ liệu quan trắc bị gián đoạn; phát hiện thông số giám sát vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất biện pháp xử lý theo quy định.
UBND các quận, huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện công tác kiểm tra, công tác thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; phối hợp với Sở TN&MT tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp chây ì, chậm nộp, không kê khai số liệu tính phí.
Về xử lý nước thải làng nghề, Nghị quyết đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở TN&MT, quận, huyện, thị xã và đơn vị có liên quan thực hiện rà soát, lập và trình kế hoạch chuyển đổi ngành nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề, di dời cơ sở, hộ gia đình sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng ra khỏi làng nghề theo quy định. Khuyến khích di dời sản xuất từ làng nghề vào cụm công nghiệp, khắc phục tình trạng các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường hoạt động trong khu dân cư.
Sở TN&MT rà soát xây dựng danh mục, lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề trên địa bàn TP; rà soát việc tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường tại các làng nghề truyền thống đã được công nhận; kiên quyết thu hồi bằng công nhận nếu không đáp ứng đủ yêu cầu về bảo vệ môi trường làng nghề.
Những cam kết cụ thể về tiến độ thực hiện
Tại Nghị quyết, HĐND TP cũng yêu cầu tổ chức UBND TP chỉ đạo triển khai, thực hiện hoàn thành các cam kết của UBND TP và các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Cụ thể, với Dự án xây dựng hệ thống nước thải Yên Xá, tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các gói thầu, hoàn thành các dự án thành phần theo tiến độ chi tiết và tiến độ tổng thể để hoàn thành dự án vào năm 2025.
Dự án Cụm công trình đầu mối Liên Mạc, Hoàn thành các thủ tục trình HĐND TP phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 7/2023, khởi công dự án trong năm 2025.
Các trạm xử lý nước thải tại các khu đô thị, Có kế hoạch rà soát tổng thể các khu đô thị trên địa bàn về xử lý nước thải, lập danh mục, phân loại, có phương án, lộ trình xử lý trong Quý II/2023.
Về giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải, ban hành trong năm 2023.
Đối với các cụm công nghiệp chưa được đầu tư Hệ thống xử lý nước thải tập trung: Với cụm công nghiệp trong quy hoạch còn diện tích mở rộng, UBND TP chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 2 (phần diện tích còn lại theo quy hoạch) thực hiện đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải 1. Thời gian thực hiện theo tiến độ khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp giai đoạn 2.
Đối với các cụm công nghiệp không còn diện tích mở rộng, các cụm công nghiệp đã có trạm xử lý nước thải nhưng đầu tư chưa đồng bộ, xuống cấp, hư hỏng: UBND TP chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì, phối hợp các Sở, các quận, huyện, các chủ đầu tư rà soát đề xuất phương án đầu tư, cải tạo Hệ thống xử lý nước thải theo hình thức phù hợp.
Đối với 5 cụm công nghiệp đã có trạm xử lý nước thải nhưng đầu tư chưa đồng bộ hoặc xuống cấp, hư hỏng: Cụm công nghiệp Yên Nghĩa, (quận Hà Đông), Liên Hà (huyện Đan Phượng), Bát Tràng (huyện Gia Lâm), sơn mài Duyên Thái (huyện Thường Tín), Tân Triều (huyện Thanh Trì), chỉ đạo Sở Công thương thực hiện theo cam kết, chủ trì cùng sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, chủ đầu tư rà soát, đánh giá hiện trạng, để cải tạo, sửa chữa trong quý I/2023.
Đối với việc đấu nối hệ thống xử lý nước thải của một số doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp Quang Minh, UBND TP chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Quang Minh và doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất trong Khu công nghiệp Quang Minh thực hiện đấu nối trong năm 2023. Đồng thời, chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, đánh giá tổng thể việc xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Quang Minh, làm rõ những bất cập để có giải pháp xử lý, báo cáo UBND TP chỉ đạo xử lý trong tháng 2/2023.
Đối với việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động tại các cụm công nghiệp, Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện để đảm bảo hoàn thành việc lắp đặt, vận hành hệ thống quan trắc tự động, phấn đấu cơ bản xong trong năm 2023.
Đối với việc quyết toán, bàn giao một số hạng mục thuộc dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 1, giai đoạn 2. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp rà soát, có báo cáo cụ thể với Thường trực HĐND TP trong Quý I/2023, để thông tin đến đại biểu HĐND TP.
Đối với các tuyến kênh phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp tại các khu vực phát triển đô thị. Chỉ đạo Sở NN&PTNT rà soát tổng thể hệ thống kênh mương không còn phù hợp phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, báo cáo UBND TP chuyển sang phục vụ tiêu thoát nước đô thị, hoàn thành trong năm 2023.