Sáng 22/9, tại Kỳ họp thứ 2, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội Đỗ Anh Tuấn trình bày Tờ trình về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của TP Hà Nội.
Giám đốc Sở KH-ĐT Đỗ Anh Tuấn trình bày Tờ trình Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của TP Hà Nội. |
Xây dựng kịch bản tăng trưởng dựa vào mức độ kiểm soát dịch bệnh
Về Kế hoạch phát triển Kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, Giám đốc Sở KH-ĐT Đỗ Anh Tuấn cho biết, mục tiêu, chỉ tiêu Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP được xây dựng từ năm 2020 trong bối cảnh lạc quan về tiến độ tiêm vaccine, thời điểm kiểm soát được đại dịch Covid-19 và triển vọng kinh tế sớm được phục hồi.
Tuy nhiên, ngay trong nửa đầu năm 2021 đại dịch Covid-19 đã bùng phát 2 đợt với biến chủng nguy hiểm hơn. Dự báo, tiến độ tiêm vaccine ở trong nước có thể đến năm 2022 và thời điểm đạt miễn dịch cộng đồng phải tới năm 2023 hoặc lâu hơn. Trong bối cảnh đó, TP vẫn phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và tập trung nguồn lực cho phòng, chống dịch bệnh. Vì vậy một số mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trước đó khó có khả năng thực hiện và tính khả thi không cao. Ngoài ra, Trung ương chưa xác định tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Hà Nội nên chưa có cơ sở để cân đối nguồn lực cho một số mục tiêu phát triển.
Căn cứ tình hình dịch Covid-19 hiện nay, TP xây dựng 02 kịch bản tăng trưởng năm 2021 từ 3,97-4,54% và 02 kịch bản tăng trưởng giai đoạn 2021-2025:
Kịch bản 1: GRDP tăng 7,5% (đạt cận dưới của chỉ tiêu Đại hội XVII): Để hoàn thành mục tiêu tăng 7,5%, nhiệm vụ giai đoạn 2022-2025 GRDP phải tăng bình quân từ 8,25-8,40%/năm.
Kịch bản 2: GRDP tăng từ 6,5-7,0%: Với kịch bản đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, quý III, IV/2021 mới cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, đến giữa hoặc cuối năm 2022 mới thực hiện tiêm vaccine đạt mức miễn dịch cộng đồng; một số ca nhiễm vẫn diễn ra cục bộ những năm sau đó; dịch bệnh được kiểm soát từ năm 2023; tuy nhiên có thể xảy ra mất cân đối cung - cầu của một vài nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất và xây dựng làm cản trở sự phục hồi của nền kinh tế; GRDP giai đoạn 2022-2025 tăng bình quân 7,0-7,77%/năm và trung bình 5 năm 2021-2025 đạt 6,5-7,0%.
Về chỉ tiêu chủ yếu, thực hiện đầy đủ 17 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ TP; bổ sung thêm 03 chỉ tiêu về: Diện tích nhà ở bình quân đạt 29,5m2 sàn /người; Tỷ lệ nhà chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị đạt 90%; Tỷ lệ nhà ở cho thuê trong các dự án đầu tư xây dựng mới nhà ở xã hội đạt 30%.
Dự thảo Nghị quyết HĐND TP nhấn mạnh các chỉ tiêu chủ yếu gồm: (1) Tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025: 7,5-8,0%; trong đó: Dịch vụ: 8,0-8,5%; Công nghiệp và xây dựng 8,5-9,0%; Nông, lâm nghiệp và thủy sản: 2,5-3,0%. (2) Cơ cấu kinh tế năm 2025: Dịch vụ 65,0-65,5%; Công nghiệp và xây dựng 22,5 23,0%; Nông, lâm nghiệp và thủy sản 1,4-1,6%. (3) GRDP bình quân/người: 8.300-8.500USD. (4) Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội: 3,1-3,2 triệu tỷ đồng. (5) Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%. (6) Tốc độ tăng năng suất lao động từ 7,0-7,5%. (7) Tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa: 75%; Thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu Thôn, Làng văn hóa: 65%; Gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa: 86-88%. (8) Tỷ lệ trường công lập (Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông) đạt chuẩn quốc gia: 80-85%. (9) Số giường bệnh/vạn dân: 30-35; Số bác sỹ/vạn dân: 15; Duy trì 100% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế. (10) Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 75-80%; Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ: 55-60%. (11) Tỷ lệ thất nghiệp thành thị: dưới 3%. (12) Cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của Thành phố. (13) Tỷ lệ huyện đạt chuẩn nông thôn mới: 100%; Tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM nâng cao: 40%, NTM kiểu mẫu: 20%; Hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM cấp Thành phố. (14) Tỷ lệ đô thị hóa: 60-62%. (15) Diện tích nhà ở bình quân đạt 29,5 m2 sàn /người. (16) Tỷ lệ nhà chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị đạt 90%. (17) Tỷ lệ nhà ở cho thuê trong các dự án đầu tư xây dựng mới nhà ở xã hội đạt 30%. (18) Tỷ lệ hộ dân thành thị và nông thôn được cung cấp nước sạch: 100%. (19) Tỷ lệ các chất thải và nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn về môi trường: Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn: 100%; Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý: 100%; Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường: 100%; Tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải: 100%; Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý: 50-55%. (20) Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng: 30-35%. |
Khai thác triệt để các nguồn lực cho đầu tư phát triển
Về nhiệm vụ và giải pháp, Giám đốc Sở KH-ĐT Đỗ Anh Tuấn cho biết TP sẽ thực hiện gồm các nhiệm vụ, giải pháp của 12 nhóm ngành nghề, dịch vụ chủ yếu như: Phát triển kinh tế; phát triển quản lý đô thị; xây dựng nông thôn mới; phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển khoa học công nghệ; đảm bảo an sinh xã hội; quản lý sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; củng cố tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách hành chính; công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…
Để thực hiện kế hoạch, TP dự kiến tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm, tạo sự đồng thuận xã hội và thống nhất cao trong quá trình tổ chức thực hiện. Cùng với đó, xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, khai thác triệt để các nguồn lực cho đầu tư phát triển; thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù; xây dựng danh mục các dự án trọng điểm với quy trình, thủ tục đầu tư, tiến trình GPMB rõ ràng; ban hành các chương trình hành động gắn với các chỉ tiêu cụ thể; kiểm tra gián sát thường xuyên quá trình thực hiện kế hoạch…
TP Hà Nội xác định mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025: Xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; tạo bước chuyển căn bản sang mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa. Phát triển văn hóa và con người Hà Nội, phát huy truyền thống Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, ngàn năm văn hiến và anh hùng; Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị, dân cư, trật tự xây dựng, an toàn giao thông, đảm bảo kỷ cương, văn minh đô thị. Thực hiện thí điểm tổ chức thành công mô hình chính quyền đô thị, củng cố chính quyền nông thôn. Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi và chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... Xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô vững mạnh, toàn diện, ưu tiên hiện đại hóa một số lực lượng; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh nhân dân vững chắc. Mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và giao lưu Nhân dân; tăng cường phối hợp, hợp tác với các ban, bộ, ngành Trung ương và liên kết các địa phương; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập, tăng cường vị thế, uy tín và vai trò của Thủ đô trong khu vực và quốc tế. |