Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội xây dựng 3 kịch bản dự báo thị trường việc làm ứng phó Covid- 19

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nhu cầu tuyển dụng của các DN công nghệ vẫn ở mức cao, các DN ở lĩnh vực công nghiệp tuyển dụng lao động tương đối nhiều. Nhưng trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại với số ca mắc mới tăng cao, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội xây dựng 3 kịch bản dự báo thị trường lao động trong thời gian tới.

Gần 97.000 người lao động được giải quyết việc làm
Mặc dù dịch bệnh có những diễn biến phức tạp từ đầu năm 2021, nhưng với chiến lược vừa ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh vừa khôi phục phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, TP Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển thị trường lao động. TP tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ nhà đầu tư, DN triển khai dự án nhằm tháo gỡ khó khăn. Mặt khác, các DN đã nhanh chóng tiến hành các hoạt động để vừa phòng chống dịch, vừa giữ vững sản xuất ổn định, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Hà Nội thuộc Sở LĐTB&XH Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2021, thị trường lao động TP ghi nhận những tín hiệu lạc quan hơn so với cùng kỳ 2020, tình trạng thất nghiệp giảm so với cùng kỳ năm trước. 6 tháng đầu năm 2021, toàn TP giải quyết việc làm cho trên 96,7 nghìn lao động, đạt 60,5% kế hoạch giao trong năm, tăng 20,1% so với cùng kỳ 2020. Để có kết quả này, Hà Nội đã thực hiện các chính sách phát triển thị trường lao động. Cụ thể, TP Hà Nội ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách xã hội vay với tổng số tiền 1,3 nghìn tỷ đồng, giúp tạo việc làm cho hơn 28,5 nghìn lao động.
 Trong 6 tháng đầu năm 2021, Hà Nội đã tạo việc làm cho gần 97.000 người lao động. Ảnh: Trần Oanh.
"Trong tháng 6/2021, Trung tâm DVVL Hà Nội tiếp tục tổ chức 22 phiên giao dịch việc làm (GDVL) hàng ngày đồng bộ theo hướng Sàn Trung tâm (Trung Kính, Hà Đông) đến các Sàn, Điểm GDVL vệ tinh. Có 504 lượt đơn vị, cơ sở đào tạo tham gia với tổng 6.825 chỉ tiêu nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh; 3.449 lượt lao động được phỏng vấn kết nối việc làm và 735 lao động được nhận hồ sơ, tuyển dụng" - Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết, ngày 19/7.
Ông Vũ Quang Thành cũng cho biết, với các kế hoạch mở rộng phạm vi hoạt động và kinh doanh, các DN thuộc lĩnh vực công nghệ cũng đang nắm bắt xu thế của thị trường, đẩy mạnh chuyển đổi số mạnh mẽ, áp dụng công nghệ 4.0 nên nhu cầu tuyển dụng thuộc lĩnh vực này vẫn duy trì mức cao; tập trung ở các vị trí yêu cầu chuyên môn cao, có tay nghề như lập trình viên, chuyên viên điều tra an ninh, chuyên viên giải pháp công nghệ. Nhu cầu tuyển dụng trong một số DN thuộc lĩnh vực công nghiệp vẫn tương đối nhiều tập trung ở các vị trí kỹ sư, kỹ thuật viên. Nhu cầu tuyển dụng của ngành dịch vụ vẫn khá ổn định và cao đối với các DN lớn thuộc lĩnh vực bán lẻ điện tử, điện lạnh, viễn thông, CNTT, bán lẻ hàng tiêu dùng. Mức lương nhóm ngành này chủ yếu từ 5-7 triệu đồng/tháng, chiếm 57,15%; từ 7-9 triệu đồng/tháng, chiếm 16,33%.
Ba kịch bản dự báo và các giải pháp ứng phó Covid-19
Tình hình kinh tế nửa đầu năm 2021 ở trong nước đang dần phục hồi. Việt Nam đã nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận, đàm phán với các đối tác trên thế giới để nhập khẩu vaccine phòng Covid-19 và triển khai tiêm phòng cho người dân. Tuy nhiên, sự ổn định và tăng trưởng năm 2021 còn tùy thuộc vào thành công trong kiểm soát dịch bệnh, nhất là trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại với các ca mắc mới tăng cao đang là thách thức cho quá trình phục hồi tăng trưởng những tháng tiếp theo của năm 2021.
 Người lao động tham gia ứng tuyển việc làm tại phiên giao dịch việc làm huyện Đông Anh năm 2021. Ảnh: Trần Oanh.
Từ thực tế trên, Trung tâm DVVL Hà Nội xây dựng 3 kịch bản dự báo thị trường lao động trong thời gian tới.
Kịch bản 1: Dịch bệnh được khống chế, kiểm soát hoàn toàn, không có sự lây lan, bùng phát ca nhiễm mới trong cộng đồng. Thị trường lao động cũng dần ấm lên, nhu cầu tuyển dụng lao động có những chuyển biến tích cực. Dự kiến số lao động mất việc làm hàng tháng sẽ khoảng 3 - 4 nghìn người; số DN bị ảnh hưởng  là 12 - 15%.
Kịch bản 2: Nguy cơ rủi ro bùng phát dịch bệnh, xuất hiện các ca F0 mới nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, nhanh chóng khoanh vùng và cách ly kịp thời. Tốc độ phục hồi của nền kinh tế tiếp tục bị ảnh hưởng và sẽ phục hồi chậm hơn so với kịch bản 1. Dự báo số lao động tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch thuộc các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn bán lẻ, vận tải, du lịch. Dự kiến số lao động mất việc làm hàng tháng sẽ khoảng 5 - 6 nghìn lao động; số DN bị ảnh hưởng là 20 - 25%.
Kịch bản 3: Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng trong những tháng tiếp theo của năm 2021 không kiểm soát được dịch bệnh, số ca mắc ngày càng tăng. Đặc biệt xuất hiện các ca nhiễm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Các biện pháp giãn cách và cách ly xã hội bắt buộc phải thực hiện, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh tạm dừng...
Thị trường lao động sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhiều nhóm lao động sẽ rơi vào tình trạng mất việc làm, giảm giờ làm, giảm thu nhập,…đặc biệt là nhóm lao động di cư, lao động khu vực phi chính thức,… Thất nghiệp gia tăng, số lao động mất việc làm hàng tháng sẽ tăng cao, dự kiến khoảng 7 - 8 nghìn lao động; số DN bị ảnh hưởng có thể lên đến 30 - 40%.
Để duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch, đảm bảo mục tiêu kép: Vừa đảm bảo phòng, chống dịch đồng thời phát triển kinh tế thủ đô, Trung tâm DVVL Hà Nội đề xuất giải pháp chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp, phương tiện, thiết bị, nhân sự để ứng phó với các tình huống dịch bệnh diễn ra.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai linh hoạt các biện pháp, xây dựng các phương án hỗ trợ người lao động (NLĐ) đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), khai báo thông tin tìm kiếm việc làm dưới hình thức gián tiếp sẵn sàng đáp ứng trong mọi tình huống của dịch.
Trung tâm DVVL Hà Nội tiếp tục tăng cường rà soát, thu thập thông tin, cập nhật tình trạng việc làm của NLĐ và nhu cầu sử dụng lao động của DN; tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu về cung – cầu trên địa bàn. Cũng như, dự báo kịp thời về tình hình lao động việc làm trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh làm cơ sở để xây dựng các phương án kết nối cung - cầu phù hợp với tình hình mới. Đồng thời, tăng cường các hoạt động GDVL trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong kết nối cung - cầu lao động.