Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội xây dựng chính quyền điện tử: Hợp xu hướng, tăng hiệu quả

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng cường đầu tư hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, điều hành, cung ứng dịch vụ công, xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh được Hà Nội xác định là giải pháp đột phá để hiện đại hóa hành chính, cơ sở để tinh giản biên chế các cấp. Điều này đang được từ TP đến cơ sở thực hiện đạt nhiều kết quả nổi bật.

Nền hành chính ngày càng hiện đại
Theo UBND TP, kết quả nổi bật từ đầu năm đến nay là TP tiếp tục triển khai hệ thống họp trực tuyến đến 579/579 xã, phường, thị trấn và đã hoàn thành đưa vào khai thác; các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi như dân cư, DN, bảo hiểm… được khai thác hiệu quả. TP cũng duy trì hiệu quả Cổng dịch vụ công TP và các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 dùng chung của TP; hiện đã triển khai 1.448 DVCTT mức 3, 4 (đạt 81%), trong đó 239 DVCTT mức 4.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng kiểm tra bộ phận một cửa tại UBND quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Phạm Hùng 
Với 1.850 TTHC, số hồ sơ được tiếp nhận trên cổng DVC của TP đã đạt hơn 300.000, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 90%; đăng ký kinh doanh qua mạng 100%... Đặc biệt, TP đã xây dựng, vận hành Cổng DVC TP, hệ thống một cửa dùng chung 3 cấp giúp tiếp cận, giải quyết TTHC cho người dân thuận tiện, tiết kiệm và giúp kiểm soát việc giải quyết TTHC tốt hơn. 100% sở, ngành, quận, huyện, xã, phường sử dụng phần mềm quản lý văn bản kết nối, liên thông trên mạng, ứng dụng chữ ký số chuyên dùng.
Năm nay, TP phấn đấu 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật) dưới dạng điện tử; rút ngắn 30 - 50% thời gian họp; 90% cuộc họp của UBND TP diện rộng đến sở, ngành, quận, huyện, xã, phường và 80% cuộc họp giữa sở, ngành, quận, huyện diện rộng đến cấp xã thực hiện trực tuyến; từng bước hoàn thiện 100% DVCTT mức 3, 4, trong đó tối thiểu 35% DVCTT mức 4…
Để đạt các mục tiêu, TP đã hoàn thành kết nối mạng WAN đến 100% xã, phường, thị trấn; phát triển cơ sở hạ tầng CNTT đến cấp huyện, xã phục vụ yêu cầu giải quyết công việc và cung cấp DVCTT cho công dân, DN. Tháng 2/2020, đã thí điểm 20 bảng điện tử tại các tòa nhà, khu dân cư phục vụ thực hiện DVCTT, truyền tải thông tin đến người dân.
Tăng kết nối, tăng hiệu quả
Để xây dựng, phát triển được chính quyền điện tử hướng tới TP thông minh, từ TP đến sở, ngành, quận, huyện, xã, phường đang tích cực hoàn thiện hạ tầng CNTT, tăng kết nối trong xử lý công việc nội bộ và giải quyết TTHC, hình thành những “công dân điện tử”.
Tại quận Đống Đa đã xây dựng các group zalo để chỉ đạo điều hành rất hiệu quả, mỗi thông tin đưa lên nhóm lập tức có người xử lý. Các hoạt động nội bộ quận được chỉ đạo qua hệ thống quản lý văn bản - điều hành tác nghiệp có tích hợp chữ ký số.
“Phần mềm quản lý này đã được kết nối liên thông từ TP đến quận, phường, nên từ lâu chúng tôi không phải gửi văn bản giấy nữa, giúp tiết kiệm hẳn giấy, mực in, nhân lực. Đợt dịch Covid-19, cán bộ công chức quận trao đổi công việc hoàn toàn qua phần mềm; việc họp hầu hết trực tuyến từ TP đến tận phường; vừa đảm bảo giãn cách xã hội, vừa đảm bảo công việc thường xuyên” - cán bộ CNTT UBND quận Đỗ Thùy Linh cho hay. Đ
ến nay, bộ phận một cửa (BPMC) từ quận đến 21 phường cũng đều có cơ sở vật chất rất hiện đại, đồng bộ, thân thiện, đáp ứng tiêu chí “Trang thiết bị BPMC hiện đại”. Với những TTHC trong danh mục thực hiện DVCTT mức 3, tại quận đã đạt 100% hồ sơ được thực hiện, trong đó tỷ lệ người dân tự thao tác đạt 90%...
Hiện 18/18 phường thuộc quận Hai Bà Trưng cũng đều sử dụng hệ thống mạng thông tin nội bộ hoạt động ổn định; các văn bản tài liệu chính thức (trừ văn bản mật) được thực hiện hoàn toàn dạng điện tử. Như phường Bạch Mai, lãnh đạo có thể sử dụng một số ứng dụng dùng chung của TP trên máy tính bảng để xử lý công việc. UBND phường còn gắn chỉ tiêu triển khai ứng dụng CNTT vào tiêu chí đánh giá thi đua.
Vừa qua, Đại hội Đảng bộ phường cũng áp dụng họp trực tuyến đến “điểm cầu” tại 17 phường còn lại. Đặc biệt, UBND phường đã sử dụng hiệu quả phần mềm một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của TP và kết nối với hệ thống DVCTT mức 3, 4, góp phần đưa tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng, trước hạn ngày càng cao. “Khi mới triển khai DVCTT mức 3, công chức nhiều khi phải thực hiện hộ công dân.
Sau đó, phường đã kiên trì tuyên truyền; công dân đến BPMC muốn nộp hồ sơ thuộc lĩnh vực quy định thực hiện trực tuyến thì chúng tôi hướng dẫn, phát cho tờ hướng dẫn để họ về nghiên cứu tự làm... Đến nay, tỷ lệ người dân tự nộp hồ sơ đã đạt 80 - 90% tổng hồ sơ trực tuyến” - công chức Văn phòng - thống kê phường Đống Hồng Anh chia sẻ.
Với khu vực ngoại thành có điều kiện cơ sở vật chất hạn chế hơn, chính quyền điện tử cũng đang mang lại hiệu quả rất lớn trong quản lý, họp hành, lưu trữ… Ở huyện Hoài Đức, các xã đều đạt 70 - 80% tổng hồ sơ trực tuyến là do người dân tự thực hiện. Có được kết quả này cũng nhờ tăng cường hình thức tuyên truyền, công chức hướng dẫn người dân trực tiếp thực hiện tại BPMC chứ không làm hộ như trước.
Một số xã còn gửi tờ rơi về DVCTT đến đoàn thanh niên (đối tượng sử dụng thành thạo thiết bị thông minh), hoặc phát trực tiếp cho phụ nữ đang mang thai để tuyên truyền đăng ký khai sinh trực tuyến… Tại cơ quan huyện, các cuộc họp từ TP đến huyện và 100% xã đều bằng trực tuyến.
Trước đây, mỗi buổi họp chỉ có lãnh đạo xã lên UBND huyện họp, sau phải thêm buổi họp tại xã để phổ biến lại; giờ mỗi khi UBND huyện họp thì mọi công chức xã có thể dự họp ngay tại trụ sở xã, rồi triển khai nhiệm vụ luôn, rất tiết kiệm thời gian, công sức. Mọi văn bản gửi từ huyện đi xã, sở, ngành đều chỉ cần in 1 bản có chữ ký, còn lại scan bản gốc để gửi điện tử.

"Trước hết cần tăng ngân sách cho cơ sở đầu tư hiện đại hóa máy móc, đường truyền, bởi đây là công cụ chính để thực hiện chính quyền điện tử. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền từ TP đến tận địa bàn dân cư. Nhất là khi rất nhiều người dùng mạng xã hội, một số địa phương đã ký hợp tác với zalo để thực hiện DVCTT trên nền tảng zalo, Hà Nội cũng nên chú trọng ứng dụng mạng xã hội để nhiều người biết thực hiện DVCTT trên đó" - Phó Trưởng Phòng VHTT huyện Hoài Đức Nguyễn Viết Thanh


"Cần giảm các bước trên quy trình thực hiện DVCTT, để người dân khi nhập thông tin lên phần mềm thấy đơn giản thì mới hào hứng làm. Nhiều tập hồ sơ dày, các bước thao tác rườm rà, công dân không nắm hết được, phần mềm thỉnh thoảng lỗi nên họ phải nhập 2, 3 lần… Mà khi không làm được thì sợ khai nhầm, khai sai nên thấy nản" - Cán bộ CNTT UBND quận Đống Đa Đỗ Thùy Linh