Hà Nội xây dựng mạng lưới giết mổ động vật tập trung: Nhiều điểm nghẽn

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 17/2/2020 của UBND TP về việc phê duyệt mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung là cơ sở pháp lý để các địa phương triển khai thực hiện. Tuy nhiên đến nay, việc thực hiện Quyết định này tại địa phương vẫn giậm chân tại chỗ vì nhiều điểm nghẽn.

Nhiều dự án chỉ nằm trên giấy

Mạng lưới cơ sở giết mổ (CSGM) động vật tập trung của TP được phê duyệt tại Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 17/02/2020 gồm 29 cơ sở, tại 14 huyện, thị xã. Trong đó bao gồm 8 cơ sở giết mổ công nghiệp; 8 cơ sở giết mổ tập trung và 13 cơ sở giết mổ tập trung quy mô nhỏ.

Chia sẻ về kết quả sau hơn 2 năm triển khai thực hiện quyết định của TP, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, đến nay có 10 CSGM tập trung đã được đầu tư, đang hoạt động sản xuất (đạt 34,5% theo quy hoạch). Cụ thể, có 6 CSGM công nghiệp (đạt 75%). Tuy nhiên, hiện chỉ có 4 cơ sở tại các huyện Chương Mỹ, Đông Anh, Thanh Oai, Thường Tín đang duy trì hoạt động. Còn lại 2 CSGM tại huyện Đan Phượng, Gia Lâm đang tạm dừng hoạt động. Các cơ sở này hầu hết hoạt động trước khi xây dựng Quyết định 761/QĐ-UBND và được đưa vào mạng lưới.

Đối với CSGM tập trung, đã đầu tư xây dựng và đi vào sản xuất 3 cơ sở (đạt 37,5%); còn lại 5/8 cơ sở chưa có nhà đầu tư (tại các huyện: Mê Linh, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Thanh Oai và Thường Tín).

Riêng hạng mục CSGM tập trung quy mô nhỏ, đến nay mới chỉ xây dựng được 1 cơ sở tại huyện Chương Mỹ (đạt 7,69%); còn lại 12/13 điểm chưa triển khai xây dựng, thậm chí chưa có nhà đầu tư.

Cơ sở giết mổ gia cầm tập trung Lan Vinh ở Gia Lâm
Cơ sở giết mổ gia cầm tập trung Lan Vinh ở Gia Lâm

Nói về nguyên nhân khiến việc xây dựng mạng lưới CSGM động vật bị chậm trễ, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thực tế quá trình triển khai thực hiện đang gặp rất nhiều “điểm nghẽn”. Trong đó, việc bố trí quỹ đất để xây dựng cần thực hiện thu hồi, giải phóng mặt bằng, đấu giá, chuyển đổi mục đích sử dụng… nên phải thực hiện nhiều thủ tục và cần kinh phí rất lớn nên khó kêu gọi nhà đầu tư.

Mặt khác, kinh phí xây dựng CSGM tập trung rất lớn, đặc biệt đối với hạng mục xử lý chất thải, nước thải đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh môi trường hiện nay. Trong khi đó, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm chưa thực sự hiệu quả, chưa sát thực tế (Nghị định số 57/2018/NĐ-CP là hỗ trợ giết mổ công nghiệp, Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND là hỗ trợ sau đầu tư, mức hỗ trợ còn thấp) nên chưa tạo động lực để DN đầu tư.

 

Hiện nay trên địa bàn TP có 732 cơ sở, điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm. Trong đó có 7 cơ sở công nghiệp, 57 cơ sở bán công nghiệp, 668 cơ sở thủ công. CSGM tập trung đang hoạt động đa số chưa hết công suất, thậm chí có cơ sở công nghiệp đầu tư dây chuyền hiện đại chỉ hoạt động được 15 - 30% công suất thiết kế; có cơ sở phải tạm ngừng hoạt động giết mổ, hoặc chuyển sang giết mổ trên sàn (giết mổ bán công nghiệp) để duy trì hoạt động.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn

Chia sẻ về những khó khăn thực tế trong quá trình triển khai, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Tạ Thị Lừng cho biết, để thực hiện Quyết định của TP, Sóc Sơn đã quy hoạch 3 điểm giết mổ tập trung và tập trung quy mô nhỏ, nhưng vẫn nằm “trên giấy” do chưa có DN vào đầu tư bởi kinh phí lớn, mức độ rủi ro cao…

Cũng chung những khó khăn này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân chia sẻ, huyện được phê duyệt 2 CSGM tập trung và đã có một số DN vào đầu tư, tuy nhiên vì thủ tục phức tạp nên quá trình triển khai xây dựng vẫn giậm chân tại chỗ.

Đứng ở góc độ DN đầu tư CSGM tập trung, Giám đốc Công ty CP thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín) Đào Quang Vinh cho hay, chi phí đầu tư xây dựng CSGM tập trung cần nguồn vốn rất lớn, nhưng đầu ra cho sản phẩm lại khó khăn. Bởi hiện nay các điểm giết mổ nhỏ lẻ vẫn chiếm số lượng lớn, chưa được quản lý, vẫn tồn tại song song nên CSGM tập trung khó cạnh tranh do chi phí cao hơn.

Cần cơ chế ưu tiên

Xây dựng các CSGM gia súc, gia cầm tập trung là hết sức cấp thiết. Bởi, Hà Nội hiện vẫn còn khoảng 40% lượng sản phẩm gia súc, gia cầm tiêu thụ trên địa bàn không được kiểm soát. Điều này gây nên nhiều ẩn họa về sức khỏe tới người tiêu dùng. Việc TP ban hành Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 17/02/2020 là cơ sở pháp lý để xây dựng CSGM tập trung trên địa bàn TP.

Để thúc đẩy triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 761/QĐ-UBND, ngành nông nghiệp Thủ đô cần tham mưu với cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ về nguồn vốn, việc thuê đất... nhằm thu hút DN tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Đặc biệt là việc xây mới các CSGM công nghiệp, CSGM tập trung. Qua đó, hình thành mạng lưới giết mổ gia súc, gia cầm vừa hiện đại, vừa phù hợp với điều kiện phát triển ngành chăn nuôi của mỗi địa phương.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch đề xuất, trước mắt, các cơ quan chức năng cần tham mưu với UBND TP tháo gỡ ngay tiền thuê đất của DN, có cơ chế đặc thù cho giải phóng mặt bằng, có chính sách cho trả góp tiền xây dựng hạ tầng để thu hút DN đầu tư. TP có thể đầu tư CSGM mẫu ở một địa phương, để các DN, địa phương khác đến học tập và rút kinh nghiệm. Sau đó áp một mức giá cho DN triển khai. Bên cạnh đó, đề nghị TP cho các huyện xây dựng cụm, điểm công nghiệp riêng cho chế biến, bảo quản nông sản, trong đó có CSGM.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Chang cho rằng, muốn xây dựng thành công mạng lưới giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, TP cần ban hành một số cơ chế tạo thuận lợi cho DN, hoặc đưa tiêu chí có một điểm giết mổ tập trung (ở những nơi có quy hoạch) vào tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới để thúc đẩy tiến độ thực hiện. Mặt khác, để lựa chọn được những DN có đủ năng lực đầu tư, các địa phương nên có quy trình lựa chọn nhà đầu tư, chấm điểm năng lực giống quy trình lựa chọn nhà đầu tư vào các cụm công nghiệp.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, phía các địa phương phải xác định mô hình để có giải pháp thực hiện. Sắp tới, TP sẽ tổ chức hội nghị gồm các sở, ngành, huyện thị để đánh giá kết quả triển khai QĐ 761/QĐ-UBND nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh việc triển khai xây dựng đưa vào hoạt động những CSGM mới. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT đề nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thị xã tạo điều kiện thuận lợi (thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, đấu giá, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…) cho các tổ chức, cá nhân khi đầu tư vào lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm. Việc ban hành quy định phải đi đôi với chế tài xử phạt.