Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 23/4, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến chủ trì Hội nghị giao ban đánh giá kết quả thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” đến hết quý I, triển khai nhiệm vụ, giải pháp 9 tháng cuối năm 2021.

Quang cảnh hội nghị giao ban chiều 23/4
4 huyện không còn hộ nghèo

Thông tin tại Hội nghị, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, trong quý I/2021, TP đã có thêm 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đến nay, toàn TP Hà Nội đã có 12/18 huyện, thị xã được Thủ tướng Chính phủ công nhận về đích. Huyện Phú Xuyên đã hoàn thiện hồ sơ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020 trình Hội đồng T.Ư xem xét, thẩm định.

Cũng trong 3 tháng đầu năm 2021, TP Hà Nội đã thẩm định công nhận thêm 6 xã đạt chuẩn NTM, 23 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đưa tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 368/382 xã (chiếm 96,3%) và 29 xã NTM nâng cao. Còn lại 14 xã (5 xã của huyện Mỹ Đức, 9 xã của huyện Ba Vì) đều đạt từ 15-18 tiêu chí.

Cùng với xây dựng NTM, phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn trên địa bàn Hà Nội cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Các tiêu chí liên quan tới đời sống văn hóa tinh thần được các địa phương quan tâm.
Nông nghiệp Hà Nội đạt kết quả tích cực trong quý I/2021

Hiện, TP Hà Nội tiếp tục duy trì, phát triển 141 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm và 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay.

Chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản trong quý I/2021 tăng trưởng khá. 1.097 hợp tác xã, 1.558 trang trại, 1.350 làng nghề, làng có nghề tiếp tục hoạt động có hiệu quả. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến nay đã đạt 55 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn dưới 0,37%, đặc biệt có 4 huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh, Hoài Đức) không còn hộ nghèo.

Tránh “tư tưởng bằng lòng” với kết quả đạt được

Đánh giá cao kết quả thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU quý I/2021, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cũng thẳng thắn cho rằng: Một số địa phương sau khi đạt chuẩn NTM có “tư tưởng bằng lòng” với kết quả đạt được. Đây là vấn đề cần tuyệt đối tránh và phải được quán triệt sâu sắc trong các cấp uỷ Đảng, chính quyền và Nhân dân.

Chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô. Chưa có quy hoạch sản xuất công nghệ cao bài bản, chuyên nghiệp… Vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa rõ nét. Việc phát triển nghề và làng nghề còn phân tán, thiếu tính bền vững…

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, nhiệm vụ xây dựng NTM từ nay đến cuối năm 2021 còn rất nặng nề. Để đạt mục tiêu, đề nghị UBND TP cần cụ thể hoá chức năng, nhiệm vụ của các sở, ban ngành trong việc hỗ trợ 5 huyện chưa về đích, hoàn thành mục tiêu. Tiếp tục xây dựng NTM theo hướng tích hợp các tiêu chí phát triển đô thị. 

Các huyện: Ứng Hòa, Chương Mỹ, Mê Linh tập trung đẩy nhanh tiến độ rà soát, hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định T.Ư xem xét, công nhận đạt chuẩn NTM năm 2021. UBND huyện Ba Vì và Mỹ Đức đánh giá kết quả thực hiện từng chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng NTM; xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí, hoàn thiện hồ sơ trình TP trong tháng 9/2021.

Cùng với đề nghị các huyện, thị xã tập trung nâng cao các tiêu chí, hướng đến xây dựng NTM nâng cao, TP cũng giao UBND huyện Đan Phượng, Thường Tín chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng thí điểm đề án xã NTM kiểu mẫu. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông minh tại xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng); xã Hồng Vân (huyện Thường Tín). 

Liên quan đến tình trạng khi đi kiểm tra các đơn vị, có nhiều nơi sẵn sàng hỗ trợ cho các huyện xây dựng NTM, nhưng hiện nay lại bị vướng thủ tục. Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị đến tháng 6/2021, các địa phương cần có báo cáo cụ thể gửi Sở KH&ĐT tổng hợp báo cáo TP có biện pháp tháo gỡ. 

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cũng giao Sở TN&MT trình UBND TP giải quyết vấn đề nước thải nông thôn, nhất là tại các làng nghề. Sở Xây dựng nghiên cứu, tiếp tục đấu nối hệ thống để sớm đưa nước mặt sông Đà, sông Hồng về đáp ứng nhu cầu cho người dân.