Hà Nội xây dựng thí điểm 6 mô hình du lịch nông thôn

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 73/KH-UBND về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025.

Kế hoạch vừa được UBND TP ban hành đề ra 4 nhóm chỉ tiêu phấn đấu. Cụ thể, mỗi huyện, thị xã có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Hà Nội triển khai từ 1 đến 3 sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”; phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm này được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và công nhận trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.

Làng cổ Đường Lâm tại thị xã Sơn Tây (TP Hà Nội) là điểm đến du lịch nông thôn được nhiều du khách ghé thăm.
Làng cổ Đường Lâm tại thị xã Sơn Tây (TP Hà Nội) là điểm đến du lịch nông thôn được nhiều du khách ghé thăm.

Mỗi huyện, thị xã có tiềm năng cũng sẽ hướng đến xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù có sự tham gia của các chủ thể: Nông dân - Hợp tác xã - Hộ kinh doanh - Doanh nghiệp. TP sẽ đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho tối thiểu 80% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ, làng nghề phục vụ du lịch, cán bộ quản lý du lịch tại địa phương và các chủ thể kinh doanh du lịch nông nghiệp, nông thôn. 

 

Kế hoạch số 73/KH-UBND của UBND TP Hà Nội hướng đến mục tiêu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng thương mại, dịch vụ; tăng tỷ trọng đóng góp của dịch vụ du lịch vào kinh tế nông thôn; thúc đẩy liên kết, xây dựng, phát triển chuỗi giá trị du lịch, nông nghiệp, nông thôn hiệu quả…

Cũng theo kế hoạch, TP sẽ tập trung xây dựng thí điểm 6 mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; làng du lịch thông minh; du lịch làng nghề theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại các huyện: Thường Tín, Đan Phượng, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây.

UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, việc phát triển và đa dạng hóa kinh tế nông thôn thông qua phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn với loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề gắn với nông - lâm - ngư nghiệp có tiềm năng, lợi thế nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.

Trong thời gian tới, các sở ngành được phân công theo chức năng, nhiệm vụ sẽ tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn; tổ chức lựa chọn, hỗ trợ xây dựng và phát triển các điểm đến du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn; xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”.

Cùng với việc xây dựng các mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù, các địa phương tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn; xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.