Tối 22/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã cho phép Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) và các đơn vị làm dịch vụ vận chuyển được hoạt động lại từ 0 giờ ngày 23/4 với công suất 20 - 30%. Tuy vậy, công tác vận hành các phương tiện vận tải hành khách công cộng vẫn phải thực hiện thận trọng từng bước, tuân thủ nghiêm ngặt quy định về phòng, chống dịch bệnh và giãn cách xã hội.
Theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP Hà Nội, trước mắt TP vẫn thực hiện các giải pháp phòng dịch tích cực, trong đó tiếp tục khuyến cáo và đề nghị người dân chưa nên sử dụng phương tiện công cộng nếu chưa thực sự cần thiết.
Các chuyến xe buýt của Transerco sẽ đảm bảo yêu cầu trên xe không chở quá 20 người và không vượt quá 50% sức chứa. Các đơn vị khai thác, vận hành xe buýt phải vẽ sơ đồ vị trí ghế ngồi được sử dụng trên xe để đảm bảo giãn cách an toàn và không vượt quá số lượng hành khách theo đúng yêu cầu.
Đại diện Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, ngay trong đêm 22/4, đơn vị đã chuẩn bị để các tuyến xe buýt có thể hoạt động lại chính thức từ sáng 23/4 |
Theo phương án do Transerco xây dựng, ngày đầu tiên - 23/4, các xe buýt sẽ chỉ vận hành với mức 20 - 30% công suất phục vụ, sau đó theo tình hình thực tế và chỉ đạo của TP sẽ nâng dần tần suất. |
Hình ảnh xe buýt lại xuất hiện trên đường phố sau hơn 3 tuần phải tạm dừng. |
Đội ngũ nhân viên phục vụ trên xe có trách nhiệm sắp xếp chỗ ngồi cho hành khách theo phương án và kiểm soát lượng người lên xuống xe đúng, đủ. Các đơn vị thành viên của Transerco phải tăng cường lực lượng kiểm soát chất lượng dịch vụ và lực lượng điều hành trực tiếp tại các đầu bến, trên tuyến để kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện yêu cầu giãn cách và số lượng hành khách trên xe.
Ngoài ra, các yêu cầu bắt buộc khác về phòng dịch vẫn sẽ được Transerco thực hiện nghiêm túc như: Trang bị khẩu trang, dung dịch rửa tay, sát khuẩn, công tác khử khuẩn xe buýt... để đảm bảo an toàn cho chính lực lượng lái xe, nhân viên phục vụ cũng như cho cả hành khách đi xe buýt.
Ghi nhận cho thấy, trong sáng 23/4, hầu hết các tuyến xe buýt tại Hà Nội đã hoạt động bình thường, nhân viên và hành khách đều thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh. Tuy chỉ hoạt động với tần suất bằng 20 - 30% so với ngày thường nhưng có thể nhận thấy lượng hành khách sử dụng xe buýt trong sáng 23/4 không đông.
Nhu cầu sử dụng xe buýt của người dân trong ngày 23/4 rất thấp. Tại nhiều điểm dừng xe buýt luôn chỉ có lác đác 1-2 người chờ. |
Trong tối qua (22/4), Bộ GTVT đã có công văn hoả tốc gửi Tổng cục Đường bộ, các Cục Hàng không, Hàng hải, Đường sắt, Đường thuỷ nội địa Việt Nam, Sở GTVT địa phương về phương án vận tải hành khách từ 23/4.
Theo đó, với vận tải hành khách liên tỉnh, xe tuyến cố định chỉ hoạt động tối đa đến 30% theo biểu đồ đối với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ, và tối đa đến 50% theo biểu đồ đối với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ thấp (tối thiểu không nhỏ hơn 1 chuyến/tuyến).
Ghi nhận tại một số bến xe vào sáng 23/4 cho thấy xe khách hầu như chưa hoạt động. Theo đại diện một số nhà xe, dù đã được phép hoạt động từ 23/4, tuy nhiên do các nhà xe chưa chuẩn bị kịp về phương tiện, nhân lực và một số điều kiện khác nên trong sáng 23/4 chưa thể khai thác ngay được.
Trong khu vực sân đỗ dành cho xe khách liên tỉnh tại bến xe Mỹ Đình chỉ có lác đác vài xe chạy đường dài tuyến Hà Nội - Lào Cai của các đơn vị lớn như Hà Sơn - Hải Vân, Sao Việt |
Trong bến xe Yên Nghĩa chỉ có vài chiếc xe buýt, tại bến xe này gần như không có khách trong sáng 23/4. |
Mặt khác, việc vận hành xe khách liên tỉnh trong thời điểm này vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội và UBND các tỉnh/thành phố mà các nhà xe khai thác, do đó cần phải có thời gian để thống nhất được lịch trình, tần suất phục vụ cho phù hợp.
Dự kiến, nhiều tuyến xe khách liên tỉnh sẽ bắt đầu hoạt động từ ngày mai (24/4).