Cơ bản hoàn thành mục tiêu bình đẳng giới
Là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung, công tác bình đẳng giới (BĐG) được chính quyền xã An Phú (huyện Mỹ Đức) hết sức coi trọng. Từ năm 2018 đến nay, địa phương đã tổ chức 12 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về BĐG cho cán bộ làm công tác dân số và đông đảo đồng bào vùng dân tộc.
Hai chương trình truyền thông lớn cũng được huyện Mỹ Đức tổ chức, giúp nhận thức của đồng bào vùng dân tộc không ngừng được nâng cao. Kết quả trong giai đoạn từ 2018 đến nay, trên địa bàn xã An Phú không xảy ra bất cứ vụ bạo lực giới, bạo lực gia đình hoặc buôn bán phụ nữ, trẻ em nào.
Tương tự, tại 2 huyện Thạch Thất và Quốc Oai cũng không ghi nhận các vụ bạo lực gia đình hoặc buôn bán phụ nữ, trẻ em. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực gia đình hiện vẫn xảy ra tại 2 huyện Ba Vì và Chương Mỹ, với lần lượt 4 vụ và 1 vụ trong thời gian từ năm 2018 đến nay. Đa phần vụ việc sau đó đều được tổ hoà giải địa phương giải quyết ổn thoả.
Phó Trưởng Ban Dân tộc TP Nguyễn Phúc Hải cho biết, ngoài một số vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình, các chỉ tiêu về chăm sóc, bảo vệ trẻ em và BĐG của Hà Nội đều đạt và vượt. Công tác hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới và phòng, chống mua bán người được quan tâm, thực hiện có hiệu quả; qua đó góp phần thực hiện BĐG vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn Hà Nội.
Đẩy mạnh tuyên truyền về bình đẳng giới
Thực tế công tác BĐG những năm qua được UBND TP đặc biệt quan tâm. Ngay sau khi có Quyết định số 1898/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 20/KH-UBND để thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 – 2025”. Từ năm 2019 đến nay, TP đã bố trí 2,36 tỷ đồng để thực hiện Kế hoạch số 20/KH-UBND.
Theo Kế hoạch số 20/KH-UBND, TP Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, 80% số hộ gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tiếp cận thông tin về giới và pháp luật về BĐG; 100% học sinh các trường, lớp bán trú và dân tộc nội trú được tuyên truyền kỹ năng sống về giới và BĐG; 100% cán bộ làm công tác dân tộc tại các địa phương được phổ biến pháp luật về BĐG…
Trên cơ sở nguồn vốn TP phân bổ, 5 huyện tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã tổ chức 94 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức; 78 chương trình truyền thông dưới nhiều hình thức, cùng 28 buổi tư vấn pháp luật về BĐG cho hàng chục ngàn cán bộ làm công tác dân tộc và đông đảo đồng bào vùng dân tộc thiểu số.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 20/KH-UBND, cụ thể hoá Quyết định số 1898/QĐ-TTg, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2022 – 2025 là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các Chỉ thị, Nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Hà Nội về công tác BĐG, phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các địa bàn còn phức tạp thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô.
Hà Nội cũng sẽ duy trì triển khai thực hiện các mô hình can thiệp, trợ giúp trẻ em, phụ nữ bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình BĐG tại các địa phương để kịp thời có những giải pháp chỉ đạo, xử lý những tồn tại, hạn chế, vi phạm ngay từ cơ sở.