Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: xử lý 1.350 trường hợp vi phạm giao thông qua tin báo Zalo

TQ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Kế hoạch phát động phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP Hà Nội”, trong 6 tháng đầu năm 2024, có gần 5.000 lượt tin nhắn gửi đến Zalo "Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội".

Công an Hà Nội xử lý 1.350 trường hợp vi phạm giao thông qua tin báo Zalo. Ảnh: P.V
Công an Hà Nội xử lý 1.350 trường hợp vi phạm giao thông qua tin báo Zalo. Ảnh: P.V

Thông qua tin báo của người dân, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đã phối hợp với công an cấp huyện xử lý 1.350 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), phạt thành tiền 1.394.675.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe: 306 trường hợp, tạm giữ: 64 phương tiện. Một số hành vi vi phạm phổ biến như: đi vào làn dừng khẩn cấp, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, dừng, đỗ xe sai quy định…

Đối với những thông tin phản ánh về tình hình TTATGT đang diễn ra, Phòng CSGT đều chỉ đạo đội địa bàn cử cán bộ đến xử lý ngay tại hiện trường giải quyết trực tiếp. Đối với những tin báo mà vi phạm đã xảy ra, CSGT sẽ ghi nhận, xác minh, mời chủ phương tiện đến làm việc, xử lý theo quy định của pháp luật.

Không chỉ tiếp nhận tin báo vi phạm, Trang Zalo "Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội" còn hỗ trợ người dân giải đáp các quy định của pháp luật, giúp đỡ tìm kiếm người thân...

Sáng ngày 1/7/2024, cụ Lương Xuân Hà, 75 tuổi, có triệu chứng đãng trí, đi khỏi nhà từ sáng, gia đình đã huy động người thân tìm kiếm khắp nơi nhưng không được, người thân trong gia đình đã thông tin đến trang Zalo "Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội" để nhờ hỗ trợ. Chỉ sau hơn 2 giờ đồng hồ, CSGT đã phát hiện được cụ Hà và liên hệ gia đình đến đón về.

Ngày 10/8/2023, Công an TP Hà Nội công khai trang Zalo “Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội” và số điện thoại đường dây nóng 0243.942.4451 để người dân có thể phản ánh các hành vi vi phạm TTATGT.

Thông qua phát động và thực hiện phong trào đã huy động được sự vào cuộc tổng thể của cả hệ thống chính trị thành phố; huy động được sức mạnh tổng hợp của mỗi người dân trong phát hiện, cung cấp các thông tin phản ánh các hành vi vi phạm về TTATGT cho lực lượng chức năng.

Việc người dân chủ động phát hiện, ghi nhận các hành vi vi phạm... đã góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông, khắc phục được tình trạng người tham gia giao thông chỉ chấp hành khi có lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tư an toàn giao thông, trật tự xã hội trên địa bàn Thủ đô.