Công văn nêu rõ, UBND quận, huyện, thị xã và sở, ngành liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật về trật tự xây dựng, đưa hệ thống chính trị vào cuộc, vận động để người dân biết, chấp hành các quy định của pháp luật cũng như để nâng cao nhận thức tạo môi trường thuận lợi cho người dân thực hiện; chỉ đạo các phòng chuyên môn sâu sát, quyết liệt trong công tác, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý lĩnh vực của ngành.
Cùng với đó, tập trung xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng. Chỉ đạo các đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tình hình, tập trung xử lý dứt điểm, kịp thời các trường hợp vi phạm đất đai liên quan đến hoạt động xây dựng, vi phạm trật tự xây dựng và vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm, không để phát sinh vi phạm mới trên địa bàn quản lý. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP về những tồn tại hạn chế, yếu kém hoặc phát sinh các trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý. Định kỳ hàng quý báo cáo kết quả thực hiện việc kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng trên địa bàn.Các sở Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ với UBND quận, huyện, thị xã trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng trên địa bàn.Sở Xây dựng đôn đốc UBND quận huyện, thị xã tổng hợp khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền (nếu có), kịp thời báo cáo UBND TP Hà Nội chỉ đạo; chuẩn bị nội dung, phối hợp với Văn phòng UBND TP tổ chức cuộc họp kiểm điểm tình hình kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng trên địa bàn do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội chủ trì vào ngày 25 của tháng cuối quý. Sau hội nghị, Sở Xây dựng dự thảo văn bản của Ban Cán sự Đảng UBND TP báo cáo Thường trực Thành ủy về kết quả xử lý vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng trên địa bàn TP, trình UBND TP Hà Nội trước ngày 28 của tháng cuối quý.