Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Xử lý hơn 47 nghìn phương tiện vi phạm vệ sinh môi trường

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Để bảo vệ môi trường không khí, thời gian qua, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã kiểm tra, xử lý hàng trăm nghìn nghìn cơ sở, đơn vị, phương tiện vi phạm vệ sinh môi trường. Số tiền xử lý vi phạm lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại trạm quan trắc môi trường không khí đặt tại Chi cục Bảo vệ Môi trường.
Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại trạm quan trắc môi trường không khí đặt tại Chi cục Bảo vệ Môi trường.

Sáng 31/3, Đoàn giám sát của Ban Đô thị-HĐND TP Hà Nội đã làm việc với Sở TN&MT Hà Nội về việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường không khí trên địa bàn thành phố. Cùng sự có đại diện các Sở NN&PTNT, Sở Xây dựng, Sở GV-VT Hà Nội.

Loại hình quan trắc giao thông có chất lượng không khí "rất xấu" cao nhất

Theo báo cáo của Sở TN&MT, hiện Sở TN&MT đang quản lý vận hành 34 trạm quan trắc không khí và 1 xe quan trắc không khí lưu động tự động liên tục tại khu xử lý chất thải Nam Sơn. Trong năm 2022, Sở đã phối hợp với Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc lắp đặt 2 trạm quan trắc cố định và 30 trạm quan trắc cảm biến trên địa bàn TP Hà Nội. Ngoài ra, Sở tiếp nhận, giám sát dữ liệu quan trắc từ 13 trạm quan trắc khí thải của 8 đơn vị sản xuất trên địa bàn TP.

Kết quả quan trắc tại các trạm quan trắc cho thấy, chất lượng môi trường không khí xung quanh có sự khác biệt giữa các loại hình quan trắc. Loại hình quan trắc dân cư nông thôn và làng nghề có chất lượng không khí tốt nhất với tỷ lệ "Tốt" và "Trung bình" lần lượt là 98,6%-99%. Tiếp đó là đô thị và cận đô thị, với tỷ lệ "Tốt" là 80,9%, "Trung bình" là 99,5%; Loại hình giao thông có tỷ lệ "Tốt" chiếm 63% và "Trung bình" chiếm 96,2%.

Đặc biệt, tỷ lệ ngày "Kém" ở loại hình giao thông chiếm 3,8-28,4%, cao hơn so với 2 loại hình quan trắc còn lại. Tỷ lệ "Xấu" và "Rất xấu" ở loại hình quan trắc giao thông cũng cao nhất (khoảng 05,-7,4% và 0,8-1,1%) và không có ở loại hình quan trắc nông thôn và làng nghề.

Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát tại Sở TN&MT Hà Nội
Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát tại Sở TN&MT Hà Nội

Bên cạnh đó, Sở TN&MT đang phối hợp với Ngân hàng thế giới triển khai thực hiện dự án “Nghiên cứu phân tích các nguồn gây ô nhiễm trên địa bàn TP Hà Nội”. Kết quả nghiên cứu, xác định các nguồn thải ô nhiễm không khí thông qua việc lấy mẫu, phân tích thành phần hóa học của bụi PM2.5 và ứng dụng mô hình PMF tại TP Hà Nội cho thấy: Khoảng 50% khối lượng bụi mịn PM2.5 là chất hữu cơ, đến từ quá trình đốt cháy trong công nghiệp (dùng các chất nhiên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ, khí đốt...), quá trình đốt sinh khối (từ rơm rạ, chất thải rắn...), các quá trình bụi mịn di chuyển từ xa, từ giao thông. Có 33% (1/3) khối lượng bụi mịn PM2.5 là từ các hợp chất vô cơ thứ cấp, các nguồn thải di chuyển từ xa đến, hoặc cũng có thể từ các nguồn thải của Hà Nội.

Thời gian qua, Sở TN&MT cũng đã ban hành nhiều văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã và quận Hà Đông tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định, giải quyết dứt điểm tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch. Kết quả kiểm kê khí thải do đốt rơm rạ cho thấy: Tỷ lệ đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng trên địa bàn TP năm 2021 còn khoảng 23,4% (năm 2017, tỷ lệ đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng là 39%).

Rà soát lại cơ sở pháp lý về quy chuẩn khí thải, ô nhiễm không khí

Đại diện Sở TN&MT cho biết, đối với công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường không khí, thời gian qua, Sở TN&MT đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có các nội dung về môi trường không khí. Năm 2020 - 2021, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường của TP đã kiểm tra, thanh tra tại 3.670 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 2.508 cơ sở với tổng số tiền phạt là hơn 21 tỷ đồng.

Từ ngày 1/6/2017 đến hết năm 2022 Thanh tra Sở GT&VT Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 47.419 phương tiện vận tải vi phạm vệ sinh môi trường, phạt tiền gần 150 tỷ đồng; tạm giữ 627 phương tiện; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 4.672 trường hợp. Trong đó các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường gồm: Chở hàng rời, chất thải, vật liệu xây dựng dễ rơi vãi mà không có mui, bạt che đậy hoặc có mui (chiếm 15,5% số liệu vi phạm); Lôi kéo đất ra đường bộ gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường (chiếm 25,7% số liệu vi phạm); Xử lý các đầu mối bốc xếp hàng hóa; Nồng độ khí thải vượt quy định cho phép khi tham gia giao thông...

Đại biểu HĐND TP Nguyễn Minh Đức (Ủy viên Ban Đô thị HĐND TP) nêu ý kiến tại cuộc giám sát
Đại biểu HĐND TP Nguyễn Minh Đức (Ủy viên Ban Đô thị HĐND TP) nêu ý kiến tại cuộc giám sát

Đối với công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự xây dựng, bao gồm nội dung về quản lý chất thải, vệ sinh môi trường trong công trường xây dựng”: Trong 4 năm (2018-2021), UBND các quận, huyện, thị xã và các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị các quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 76.178 công trình, lập hồ sơ xử lý 2.395 trường hợp có vi phạm về vệ sinh môi trường, quản lý chất thải xây dựng trong công trường với số tiền gần 50 tỷ đồng...

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí của TP, Sở TN&MT đưa ra 19 cần các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai quyết liệt và đồng như: Tổ chức quản lý, vận hành ổn định, liên tục 34 trạm quan trắc không khí tự động trên địa bàn TP và đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án Hệ thống mạng quan trắc môi trường với quy mô đầu tư mới 33 trạm quan trắc không khí tự động (trong đó 20 trạm cố định, 12 trạm cảm biến và 1 xe quan trắc lưu động); Xây dựng mô hình hóa nhằm cảnh báo, dự báo chất lượng không khí trên địa bàn TP.

Cơ giới hóa, tăng tần suất công tác quét rác, hút bụi hàng ngày trên các tuyến đường của TP; Tăng cường công tác thu gom rác thải sinh hoạt; Triển khai xử lý ô nhiễm và duy trì chất lượng nước các ao, hồ nội ngoại thành; Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhà máy xử lý bùn, xử lý rác thải bằng công nghệ đốt, phát điện; Quản lý, vận hành ổn định có hiệu quả các Nhà máy xử lý nước thải tập trung; triển khai quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường...

 Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban Đô thị HĐND TP Đoàn Việt Cường thay mặt Đoàn giám sát kết luận buổi làm việc
 Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban Đô thị HĐND TP Đoàn Việt Cường thay mặt Đoàn giám sát kết luận buổi làm việc

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị làm rõ chất lượng nhân lực tham gia vào công tác quản lý không khí môi trường trên địa bàn; Làm rõ vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường sông hồ kênh rạch, di chuyển cơ sở ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô; Cơ chế phân loại rác thải, hệ thống vấn chuyển rác thải sinh hoạt...

Ông Nguyễn Minh Đức - Uỷ viên Ban Đô thị HĐND TP đánh giá cao những giải pháp quyết liệt của TP trong kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm không khí như: Loại bỏ than tổ ong, giảm thiểu đốt rơm rạ; giảm thiểu tình trạng xe chở đất đá trên đường không che đậy; tình hình xử phạt vi phạm trật tự xây dựng đã giảm thiểu... Tuy nhiên, vấn đề quy chuẩn khí thải chưa được ban hành, vấn đề pháp lý chưa đầy đủ, đề nghị các đơn vị rà soát lại văn bản pháp lý, tiêu chuẩn quy chuẩn liên quan đến ô nhiễm không khí.

Kết luận buổi làm việc, Đoàn giám sát đã ghi nhận những tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Đoàn giám sát đề nghị Sở TN&MT sớm hoàn thiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; tiếp tục tham mưu di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường không khí ra khỏi nội đô. Sở GT-VT đẩy mạnh thực hiện đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; có hình thức khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng...