Hà Nội: Xử lý nghiêm các hành vi gây ra ùn tắc, tai nạn giao thông

Trần Long - Ảnh: Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội sẽ tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra ùn tắc, tai nạn giao thông.

Sáng 6/7, phát biểu tham luận tại Hội nghị quán triệt Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, Hà Nội sẽ tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra ùn tắc, tai nạn giao thông.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn phát biểu tham luận tại điểm cầu Công an TP Hà Nội.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn phát biểu tham luận tại điểm cầu Công an TP Hà Nội.

Triển khai có hiệu quả về bảo đảm TTATGT

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn, những năm qua, dưới sự lãnh đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thành ủy Hà Nội; sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ của Chính phủ, các Bộ, ban, ngành Trung ương; bám sát nội dung Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”, UBND thành phố đã ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch triển khai thực hiện.

Đồng thời, triển khai đồng bộ, toàn diện và có hiệu quả các nhiệm vụ về bảo đảm TTATGT. Từng bước quy hoạch, phát triển, đồng bộ hạ tầng giao thông gắn chặt với công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự công cộng. Qua đó, góp phần phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu đi lại của Nhân dân và phục vụ các sự kiện chính trị, thể thao, văn hóa quan trọng diễn ra trên địa bàn Thủ đô.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho rằng, tình hình TTATGT cũng như trật tự đô thị, trật tự công cộng vẫn còn những bất cập, tồn tại, hạn chế mà chính quyền Thủ đô cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá.

Cụ thể là ùn tắc giao thông vẫn diễn ra; tai nạn giao thông tuy giảm đều qua các năm nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, chưa đạt như kỳ vọng. Một số hành vi vi phạm giao thông mặc dù đã được các lực lượng chức năng kiên quyết, kiên trì xử lý nhưng vẫn “nóng”, “nổi cộm”, chưa được giải quyết triệt để. Trật tự đô thị, trật tự công cộng trên nhiều tuyến đường, tuyến phố nội đô còn “bừa bộn”,  chưa tương xứng với quy mô, tầm vóc của Thủ đô.

Những vấn đề nêu trên xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan như: Quy hoạch đô thị, xây dựng, cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông cũng như hệ thống giao thông tĩnh còn hạn chế (chỉ đạt trên 10% diện tích đô thị). Trong khi đó, thành phố đang quản lý trên 7,9 triệu phương tiện (ô tô và xe máy).

Việc thực hiện di dời trụ sở các cơ quan hành chính nhà nước, các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, bệnh viện lớn, khu sản xuất công nghiệp ra ngoài khu vực trung tâm thành phố dù vẫn đang được tập trung triển khai nhưng còn chậm…

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Công an TP Hà Nội.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Công an TP Hà Nội.

Chú trọng xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ

Để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TW trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho rằng, việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức Đảng từ thành phố đến cơ sở, địa phương để triển khai, thực hiện cần đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ công tác trọng tâm như: Huy động tối đa nguồn lực và ưu tiên xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ. Đẩy mạnh công tác triển khai và hoàn thành các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch các trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan hành chính nhà nước, các trường, học, bệnh viện, các bến, bãi đỗ xe, khu công nghiệp.

Trên cơ sở đó, quy hoạch nâng cao tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông, đẩy nhanh phát triển mạng lưới giao thông tĩnh (như bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận, các đầu mối giao thông công cộng ...) theo quy hoạch; khởi công các dự án giao thông để tăng tính kết nối giao thông giữa các khu vực.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, UBND thành phố chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan nghiên cứu, triển khai thực hiện 2 Đề án gồm: Đề án “Thu phí phương tiện giao thông cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào” và Đề án “Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”.

Bên cạnh đó là tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về bảo đảm TTATGT, trật tự đô thị, trật tự công cộng. Huy động và vận dụng triệt để các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội như facebook, zalo... để mọi tầng lớp Nhân dân tự giác, gương mẫu chấp hành và chủ động phát hiện, lên án, kiến nghị, phản ánh đề nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm qua các kênh tương tác trực tuyến…