Hà Nội yêu cầu hạn chế chuyển người bệnh sốt xuất huyết vượt tuyến

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở Y tế Hà Nội đã có Công văn số 3163/SYT-NVY gửi các cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập, về việc phân tuyến quản lý điều trị người bệnh sốt xuất huyết Dengue.

Ngày 12/7, Sở Y tế Hà Nội nhận được Công văn số 3693/BYT-KCB của Bộ Y tế về việc phân tuyến quản lý điều trị người bệnh sốt xuất huyết Dengue.

Để chủ động trong công tác điều trị, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh sốt xuất huyết Dengue, Sở Y tế Hà Nội đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập (16 bệnh viện công lập và 3 bệnh viện ngoài công lập), thực hiện phân tuyến quản lý điều trị người bệnh sốt xuất huyết Dengue theo hướng dẫn của Bộ Y tế Công văn số 3693/BYT-KCB, việc tiếp nhận quản lý, điều trị người bệnh sốt xuất huyết đối với các bệnh viện đa khoa tuyến TP.

Sở Y tế Hà Nội đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện phân độ và điều trị theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22/8/2019 Bộ Y tế.

Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: Huy Hoàng
Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: Huy Hoàng

Cơ sở thực hiện nguyên tắc phối hợp giữa các tuyến: Các bệnh viện tuyến TP tập trung nguồn lực thu dung điều trị trường hợp sốt xuất huyết Dengue nặng. Hạn chế vận chuyển người bệnh vượt tuyến, trừ trường hợp vượt quá khả năng điều trị. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hội chẩn liên khoa, liên viện, thực hiện chế độ tham vấn với các bệnh viện tuyến trên để giải quyết trường hợp khó, trường hợp chuyển viện.

Sở Y tế giao Bệnh viện Đa khoa Đống Đa chuyên khoa đầu ngành về truyền nhiễm cập nhật phác đồ điều trị cho các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập, thường xuyên theo dõi diễn biến dịch bệnh sốt xuất huyết để tham mưu cho Sở Y tế về công tác quản lý và điều trị người bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.

Trước đó, Bộ Y tế đã có văn bản 3693/BYT-KCB về việc phân tuyến quản lý điều trị người bệnh sốt xuất huyết Degue.

Theo đó, để chủ động trong công tác điều trị, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh Dengue tới mức thấp nhất, Bộ Y tế phân tuyến điều trị sốt xuất huyết Dengue như sau:

Trạm y tế xã phường, thị trấn và phòng khám đa khoa, bệnh viện đa khoa tư nhân tiếp nhận bệnh nhân ở mức độ 1.

Bệnh viện tuyến quận, huyện, thị xã, thành thuộc tỉnh và bệnh viện đa khoa tư nhân tiếp nhận bệnh nhân ở mức độ 1

Đối với mức độ 2, chỉ những bệnh viện đa khoa tư nhân đã được tập huấn điều trị sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo mới tiếp nhận.

Đối với mức độ 3, chỉ những bệnh viện đã được tập huấn, chuyển giao điều trị sốc sốt xuất huyết Dengue nặng tiếp nhận bệnh nhân.

Trường hợp sốc sốt xuất huyết Dengue nặng, các bệnh viện tuyến quận, huyện, thị xã, thành thuộc tỉnh và bệnh viện đa khoa tư nhân điều trị chống sốc ban đầu, hội chẩn chuyển tuyến trên.

Nếu sốc sốt xuất huyết Dengue nặng có suy tạng, xuất huyết thì sơ cứu, hội chẩn chuyển tuyến trên.

Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi, Sản-Nhi tuyến tỉnh tiếp nhận điều trị bệnh nhân ở mức độ 1: Sốt xuất huyết Dengue; Mức độ 2: Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo và Mức độ 3: Sốt xuất huyết Dengue nặng.

Bệnh viện tuyến cuối điều trị sốt xuất huyết Dengue tiếp nhận bệnh nhân ở mức độ 1: Sốt xuất huyết Dengue; Mức độ 2: Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo; Mức độ 3: Sốt xuất huyết Dengue nặng.

Về nguyên tắc phối hợp giữa các tuyến, Bộ Y tế lưu ý, các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến cuối tập trung nguồn lực để thu dung, điều trị những trường hợp sốt xuất huyết Dengue nặng. Hạn chế vận chuyển người bệnh vượt tuyến, trừ trường hợp vượt quá khả năng điều trị.

Khi vượt quá khả năng cho phép, cần chuyển người bệnh lên tuyến trên phải thông báo trước với đơn vị tiếp nhận để chuẩn bị; Ghi chép đầy đủ thông tin về diễn biến lâm sàng, kết quả xét nghiệm, các phương pháp điều trị và thuốc đã sử dụng; đồng thời thực hiện chế độ tham vấn của tuyến trên, hội chẩn liên khoa, liên viện để giải quyết các trường hợp khó, các trường hợp chuyển viện...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần