70 năm giải phóng Thủ đô

Hà Nội yêu cầu không kinh doanh, phân phối, sử dụng thuốc giả Salonpas Gel

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế, cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn không kinh doanh, phân phối, sử dụng thuốc giả Salonpas Gel với thông tin ghi nhãn và có đặc điểm phân biệt theo công văn 7259/QLD-CL.

Sở Y tế Hà Nội đã có Công văn số 3405/SYT-NVD gửi Thủ trưởng các cơ sở y tế trên địa bàn; trưởng phòng y tế các quận, huyện, thị xã về việc thuốc giả Salonpas Gel.

Ngày 28/7/2022, Sở Y tế nhận được công văn số 7259/QLD-CL của Cục Quản lý Dược về việc thuốc giả Salonpas Gel. Theo đó, mẫu thuốc có thông tin trên nhãn ghi “Salonpas Gel Net Weigh 50g, Product: PT Hisamitsu Pharma Indonesia Sidoarjo, Indonesia No.Reg: POM QL. 031 700 081”, kèm các thông tin về nhãn, thông tin tra cứu trên internet. Mẫu các sản phẩm nghi ngờ là thuốc giả nêu trên đang được bán trên mạng xã hội facebook, zalo và website (https://thuocsi.vn).

Để đảm bảo sức khỏe cũng như quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế, cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn không kinh doanh, phân phối, sử dụng thuốc với thông tin ghi nhãn và có đặc điểm phân biệt theo công văn 7259/QLD-CL. Tuân thủ việc kinh doanh, mua bán thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Rà soát hoạt động của cơ sở, nếu phát hiện thấy thuốc có thông tin như đã nêu, khẩn trương thông báo về Sở Y tế (Thanh tra Sở) để có biện pháp xử lý.

Hà Nội yêu cầu không kinh doanh, phân phối, sử dụng thuốc giả Salonpas Gel - Ảnh 1

Các phòng y tế quận, huyện, thị xã thông báo đến các cơ sở hành nghề trên địa bàn quản lý không kinh doanh, phân phối, sử dụng lô thuốc với thông tin nêu trên. Tiếp nhận thông tin từ cơ sở, tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện của cơ sở (nếu có).

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đăng tải công văn 7259 của Cục Quản lý Dược, phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin tới các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn bán, sử dụng.

Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội rà soát trong quá trình đi lấy mẫu, báo cáo về Sở Y tế để có biện pháp xử lý.

Trước đó, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã có Công văn số 7259/QLD-CL gửi Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về việc thuốc giả Salonpas Gel.

Cục Quản lý Dược nhận được văn thư số 609/22/HVC-QLD đề ngày 11/07/2022 của Công ty TNHH Dược phẩm Hisamitsu Việt Nam báo cáo về việc phát hiện các mẫu sản phẩm nghi ngờ là thuốc giả, trên nhãn ghi “Salonpas Gel Net Weight 50g, Product: PT HISAMITSU PHARMA INDONESIA Sidoarjo, Indonesia, No. Reg: POM QL. 031 700 081”, kèm các thông tin về nhãn, thông tin tra cứu trên internet.

Mẫu các sản phẩm nghi ngờ là thuốc giả nêu trên đang được bán trên mạng xã hội facebook, zalo và website (https://thuocsi.vn).

Để tránh việc sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng và để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, y tế các ngành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc về đặc điểm, dấu hiệu phân biệt giữa sản phẩm nghi ngờ là giả và thuốc do Công ty TNHH Dược phẩm Hisamitsu Việt Nam sản xuất.

Các đơn vị tăng cường việc thanh tra, kiểm tra cơ sở kinh doanh, bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn đảm bảo kinh doanh thuốc có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ. Kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc nhập lậu. Xử lý nghiêm trường hợp vi phạm (nếu có);

Các đơn vị phối hợp với cơ quan truyền thông, thông tin tới người dân biết để không mua thuốc qua các thông tin trên mạng internet, chỉ mua thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp, có đầy đủ hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của thuốc.