Hà Nội yêu cầu kiểm tra toàn diện nhà C1 Thành Công

Chia sẻ Zalo

KTĐT - UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Tài nguyên Môi trường, UBND quận Ba Đình, Ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố kiểm tra toàn diện việc cải tạo nhà nguy hiểm C1 khu tập thể Thành Công.

KTĐT - UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Tài nguyên Môi trường, UBND quận Ba Đình, Ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố kiểm tra toàn diện việc cải tạo nhà nguy hiểm C1 khu tập thể Thành Công.

Dự án cải tạo nhà C1 khu tập thể Thành Công do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) đang triển khai thi công. Trước đó, chủ đầu tư nhà C1 bị hơn 100 hộ dân khiếu nại vì chưa được sự đồng thuận của người dân về phương án đền bù tái định cư đã triển khai thi công cự án.

Chị Vũ Kim Thanh, một chủ hộ tại C1 cho hay: "Khi di dời về khu tạm cư N06 Dịch Vọng mỗi hộ dân được UBND phường Thành Công cấp 3 triệu đồng và được chủ đầu tư chi trả tiền thuê nhà tạm cư. Tuy nhiên, kể từ lúc đó, phía công ty không đưa ra phương án đền bù đối với từng hộ dân".

Ngoài ra, theo những hộ dân này, chủ đầu tư chưa được phép xây dựng đã tiến hành triển khai dự án. Trong khi, trước đó, Hà Nội ra quyết định dừng thi công các dự án cao tầng tại 4 quận nội đô thì Cienco 1 vẫn cho triển khai phần đà giăng móng công trình.

Theo tìm hiểu của PV, tháng 8/2009, UBND TP Hà Nội đã có quyết định hỗ trợ, bồi thường cho các hộ dân nhà C1. Theo đó, đối với hộ dân đang có quyền sử dụng hợp pháp sẽ được bố trí tái định cư tầng 2 đến tầng 6. Đối với phần diện tích căn hộ tái định cư tại nhà C1 mới lớn hơn diện tích được bố trí tái định cư (1,4 lần diện tích hợp pháp cũ) thì các hộ dân phải trả tiền cho chủ đầy tư theo suất đầu tư dự án được duyệt. Tuy nhiên, phía chủ đầu tư không hề họp bàn với người dân và mãi tới 14/7, thông báo này mới được người dân biết.

Trao đổi với PV, Ông Trần Đức Thắng, Giám đốc ban quản lý dự án nhà C1, cho hay, khu tập thể Thành Công là công trình được xếp vào diện nhà nguy hiểm. Thành phố Hà Nội đã yêu cầu Cienco 1 phải hoàn thành dự án trong vòng 2 năm để người dân được nhanh chóng tái định cư. Tuy nhiên, riêng thủ tục giấy tờ đã mất tới 18 tháng, do đó không thể 2 năm bàn giao được. Thêm vào đó, việc chính phủ yêu cầu dừng thi công dự án nhà cao tầng trong nội đô để rà soát đã ảnh hưởng đến tiến trình xin cấp phép và tiến độ của dự án. Vì vậy, công ty đã phải tiến hành xin phép triển khai phần đà giằng móng công trình trước cho kịp tiến độ.

Cũng theo ông Thắng, toàn bộ quy mô của công trình được tính hệ số sử dụng khoảng 14.000 m2. Trong khi đó, phía công ty phải trả tái định cư là 7.000 m2. Công ty chỉ còn lại 7.000 m2 để kinh doanh. "Nếu không có diện tích thương mại thì công ty không thể có đủ tiền để thực hiện công trình. Về việc người dân đòi bồi thường tái định cư cao hơn hệ số ban đầu, phía công ty phải tiến hành lập xong dự án đầu tư mới quyết định được", ông Thắng nói.

UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Tài nguyên Môi trường, UBND quận Ba Đình, Ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố kiểm tra toàn diện việc cải tạo nhà nguy hiểm C1 khu tập thể Thành Công. Trong đó, cần tập trung làm rõ việc chủ đầu tư dự án thực hiện các quy định về quản lý quy hoạch, ranh giới thu hồi đất để thực hiện dự án, quy định về cải tạo, xây dựng lại công trình; việc công khai các cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân.

UBND thành phố cũng yêu cầu các ngành làm việc với chủ đầu tư dự án ngay tại hiện trường để có giải pháp cụ thể tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân khu vực lân cận, báo cáo UBND thành phố trong tháng 7.

Nhà C1 tập thể Thành Công bao gồm 110 hộ dân được xây dựng từ năm 1979. Công trình xếp vào dạng nguy hiểm và UBND TP Hà Nội đã có văn bản giao Cienco 1 đầu tư dự án nhà ở kết hợp văn phòng cho thuê cao 17 tầng (có 2 tầng hầm). Trong đó, tầng 1 là sảnh, dịch vụ thương mại, tầng 2-5 gồm 92 căn hộ khép kín, tầng còn lại gồm văn phòng và 113 căn nhà độc lập.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần