Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật
Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô khi xác định mục tiêu, khẳng định vị trí, vai trò chiến lược quan trọng đặc biệt của Hà Nội; tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và quốc tế, xây dựng và phát triển.
Điển hình trong tháng 6 vừa qua, TP Hà Nội đã khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Đây là Dự án quan trọng quốc gia đầu tiên triển khai thực hiện theo quy định của Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đồng thời là dự án có tính chất liên vùng đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị. Đường Vành đai 4 được triển khai với mục tiêu giúp tái cấu trúc đô thị của các địa phương trong vùng, khai thác hiệu quả các đô thị vệ tinh; đồng thời phát triển đô thị hóa, thu hút đầu tư, tạo nguồn lực phát triển cho các địa phương trong vùng.
Trong 15 năm qua, nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu vượt được đầu tư, từng bước hình thành hệ thống giao thông đường bộ khép kín. Hàng loạt dự án giao thông lớn nhỏ được thực hiện kết nối trung tâm với các vùng ngoại vi. Nhiều tuyến cao tốc quan trọng kết nối vùng, lấy Thủ đô làm trung tâm đã hoàn thành, đưa vào khai thác như: Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Hải Phòng; Pháp Vân - Cầu Giẽ thúc đẩy giao thương, văn hóa, góp phần khẳng định vị thế và sự phát triển ổn định, bền vững của Thủ đô. Trong khu vực nội đô, nhiều tuyến đường như: Vành đai 1, Vành đai 2 và một số đoạn tuyến của Vành đai 2,5 cùng Vành đai 3 và 3,5... được tích cực triển khai xây dựng; Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài được mở rộng.
Ngoài các dự án trọng điểm, TP đã hoàn thành, thông xe nhiều dự án, như Hầm chui Lê Văn Lương, cầu sông Lừ, hạng mục cầu xe máy đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm, cầu đi bộ qua đường Võ Nguyên Giáp tại khu vực Cảng hàng không quốc tế Nội Bài...
TP Hà Nội tiếp tục hoàn chỉnh Chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung chỉ đạo phát triển các khu vực mới của đô thị theo hướng xanh, thông minh, hiện đại, bền vững đảm bảo hài hòa mối liên kết giữa đô thị và nông thôn, tạo điều kiện, động lực thúc đẩy phát triển khu vực ngoại thành; hình thành những vùng chuyển tiếp, vành đai xanh giữa đô thị và nông thôn phù hợp với từng khu vực phát triển. Một số khu đô thị phát triển theo hướng đô thị thông minh gồm: Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm; dự án Thành phố Thông minh, huyện Đông Anh,…).
TP Hà Nội đã chủ động xây dựng các chương trình, đề án để triển khai thực hiện các Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Hiện nay, TP đang nhanh tiến độ thực hiện lập lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và các đồ án quy hoạch, đặc biệt là Quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh, quy hoạch xây dựng vùng huyện trên địa bàn TP. Tổ chức nghiên cứu lập một số quy hoạch đặc thù như: khu nội đô lịch sử; khu vực di sản quốc tế, quốc gia như trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, Cổ Loa, Văn Miếu, Quốc Tử Giám; hệ thống không gian ngầm; làng nghề truyền thống kết hợp du lịch; Ga Hà Nội và khu vực phụ cận…
Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô
Trong thời gian tới, lãnh đạo thành phố nhấn mạnh, TP phối hợp chặt chẽ thực hiện tổng kết, đánh giá kết quả thi hành Luật Thủ đô năm 2012 và báo cáo Trung ương xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô. Hoàn thành Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065.
Đặc biệt, Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy vị trí là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước; Huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về văn hóa, khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực, đất đai, tài sản công cùng các tiềm năng, lợi thế khác để phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm huy động, tập trung và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ ngân sách nhà nước, từ khu vực kinh tế tư nhân và xã hội cho việc phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, quy hoạch và phát triển đô thị, cải thiện hệ thống văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, khoa học - công nghệ, cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, chỉnh trang đô thị, mở rộng các không gian kinh tế mới.
Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện, nhất là giáo dục đại trà; nâng cao dân trí, chú trọng giáo dục phẩm chất, nhân cách, văn hóa, lịch sử đi đôi với đào tạo năng lực nhận thức, tư duy đổi mới, sáng tạo cho người học, xây dựng “thế hệ trẻ sáng tạo”. Đầu tư cơ sở vật chất trường lớp đồng bộ, chuẩn hóa và hiện đại; dẫn đầu cả nước về tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu hoàn thành 100% trường học đạt chuẩn quốc gia trước năm 2030, trong đó phấn đấu có khoảng 50% trường đạt chuẩn cấp độ 2.
Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển Thủ đô hiện đại, văn minh; lấy doanh nghiệp làm trung tâm, nhằm tạo động lực phát triển mới, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô. Thúc đẩy đầu tư, phát triển hạ tầng số làm nền tảng cho xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội không chỉ khẳng định được tầm vóc mới, tâm thế mới, mà còn chủ động, sáng tạo, linh hoạt để có những bước đi đột phá hơn trên con đường xây dựng và phát triển Thủ đô.
Thủ đô Hà Nội thời điểm được hợp nhất (tháng 8/2008) có diện tích 3.328,89km2 với dân số 6.230 nghìn người, gồm 29 quận, huyện, thị xã và 577 xã, phường, thị trấn. Qua 15 năm phát triển (từ 2008 - 2023), dân số đến nay (ước tính đến tháng 6/2023) là 8.564,5 nghìn người (gấp 1,37 lần so với thời điểm mới hợp nhất), có 30 quận, huyện, thị xã (huyện Từ Liêm tách lập thành 2 quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm) và 579 xã, phường, thị trấn (tăng 2 phường).