Trong thời gian qua, TP Hồ Chí Minh cùng một số địa phương lân cận đã triển khai nhiều dự án giao thông, nhằm nâng cao khả năng liên kết vùng. Những dự án này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các đô thị, gián tiếp tạo động lực cho thị trường bất động sản.
Quá trình phát triển đô thị tại TP Hồ Chí Minh trong những năm qua, ghi nhận mức tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, tốc độ phát triển hạ tầng giao thông của TP đôi khi không thể nhanh chóng đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị gia tăng mạnh mẽ này.
Nhiều dự án hạ tầng giao thông đang được đẩy mạnh
Theo đánh giá của TS Sử Ngọc Khương - Giám đốc Cấp cao dịch vụ tư vấn đầu tư Savills Việt Nam, nhiều dự án hạ tầng giao thông nội đô và dự án mang tính liên kết vùng đang được TP Hồ Chí Minh tích cực đầu tư. Dự án tiêu biểu được thực hiện nhằm cải thiện giao thông trong TP là tuyến Metro số 1, dự kiến được đưa vào vận hành thương mại vào tháng 7/2024.
Vị chuyên gia đánh giá, tuyến Metro là một nỗ lực của TP Hồ Chí Minh và Chính phủ trong nhiều năm qua, nhằm cải thiện tình hình kẹt xe và ùn tắc giao thông trong TP. Từ đó, hỗ trợ hoạt động kinh tế, thương mại và chất lượng cuộc sống của người dân tại các khu vực có tuyến metro đi qua. Các tuyến tàu điện ngầm đang được xây dựng và nằm trong kế hoạch phát triển, sẽ giúp liên kết các khu vực trong TP cũng như với các tỉnh lân cận.
“Tuy nhiên, tuyến metro nội đô cũng không thể giải quyết được toàn bộ các vấn đề về giao thông của TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh cũng cần lưu ý đẩy mạnh thêm các dự án hỗ trợ về thương mại, logistic” - TS Khương nói thêm.
Ở bức tranh rộng hơn, TS Sử Ngọc Khương cho biết trong tháng 6 vừa qua, hai dự án lớn là tuyến đường Vành đai 3 và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã được khởi công là một tín hiệu đáng mừng. Khi đưa vào sử dụng, các tuyến giao thông này sẽ giúp giải quyết những tắc nghẽn trong liên kết vùng giữa TP Hồ Chí Minh và các địa phương vùng kinh tế Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
“Cùng với những công trình hiện hữu như tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, Quốc lộ 51 và cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, các dự án này sẽ giúp làm tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm hàng hóa được sản xuất và xuất khẩu trong khu vực. Sự tăng trưởng kinh tế vùng được kéo theo nhờ cơ sở hạ tầng giao thông, từ đó giúp bức tranh của nền kinh tế 2024 và trong thời gian tới khởi sắc hơn” - ông Khương nói.
Hạ tầng - giải pháp thúc đẩy nền kinh tế
Ở góc độ phát triển bất động sản, TS Sử Ngọc Khương cho rằng, sự mở rộng các dự án hạ tầng sẽ giúp gia tăng quá trình hình thành các khu đô thị, giải quyết bài toán nhà ở cho TP Hồ Chí Minh.
“Người dân tại những dự án bất động sản nhà ở nằm trên các trục đường có thể tiếp cận với các công trình giao thông liên kết vùng, sẽ thuận tiện hơn trong quá trình sinh sống, học tập và làm việc tại TP với mật độ dân số cao như TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là nhóm người trẻ” - ông Khương nói.
Nhìn từ câu chuyện sản xuất, thương mại và logistics, chuyên gia Savills cho biết từ trước đến nay, việc kết nối giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với các tỉnh Đông Nam Bộ chủ yếu dựa vào những con đường độc đạo, đường quốc lộ truyền thống và thường xuyên trong tình trạng quá tải.
“Nhờ dự án đường Vành đai 3 và đường Vành đai 4 trong tương lai, việc vận chuyển hàng hóa liên vùng sẽ diễn ra thuận tiện hơn, từ đó thu hút các nhà đầu tư, kéo theo nhu cầu về thuê mua bất động sản khu công nghiệp như trung tâm dữ liệu, kho lạnh… và nhu cầu thuê văn phòng. Bên cạnh đó, sân bay Long Thành sẽ trở thành điểm trung chuyển cho hai tuyến đường vành đai này. Sự kết hợp giữa các công trình giao thông sẽ rút ngắn thời gian cũng như tiết kiệm chi phí, từ đó thúc đẩy vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi các nước trong khu vực” - ông Khương phân tích.
Nhìn về tương lai dài hạn, TS Sử Ngọc Khương cũng cho rằng TP Hồ Chí Minh và Chính phủ cần chú trọng đến việc phát hệ thống đường sắt trong giai đoạn từ nay đến 2050 để tăng sự lựa chọn vận chuyển hàng hóa, giảm bớt áp lực cho cơ sở hạ tầng đường bộ, đường thủy, đường không.