Đối với các đô thị lớn đang trong quá trình hình thành, hoàn thiện, mạng lưới giao thông còn giữ vai trò đòn bẩy chính nâng cao tầm vóc và tác động trực tiếp đến sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Tiền đề của nền kinh tếHà Nội - một trong những đại đô thị với quy mô dân số trên 8 triệu người, có vị trí địa lý thuận lợi để phát triển đa dạng, đồng bộ tất cả loại hình giao thông. Bởi thế, hệ thống hạ tầng giao thông lại càng khẳng định vai trò quan trọng trên từng bước đô thị hóa, hiện đại hóa Thủ đô.
Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành chia sẻ, hệ thống hạ tầng giao thông có vai trò không thể thay thế trong sự phát triển của bất cứ đô thị nào. Có đường sá mới có giao thương, buôn bán. Ngay cả hoạt động của các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch… cũng đều phụ thuộc vào đường sá. Có thể nói giao thông là tiền đề, là bệ đỡ phát triển cho mọi đô thị.Từ thực tế của Hà Nội có thể thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ, toàn diện của giao thông lên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, trên địa bàn TP hiện có 23.272,86km đường bộ, có Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; mạng lưới đường sắt quốc gia; đường thủy trên các tuyến: Sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Công, sông Cầu... Cả TP có khoảng 6,4 triệu phương tiện giao thông (5,6 triệu xe máy, 685.000 xe ô tô các loại); chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành thường xuyên qua lại. Với mạng lưới giao thông như vậy, Hà Nội đã có ưu thế để phát triển vận tải đa dạng trong cả lĩnh vực hàng hóa lẫn hành khách. Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà cho hay, một Thủ đô văn minh, hiện đại, trước hết phải có một hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại và thông minh; kết nối thuận lợi, hiệu quả và toàn diện từ nông thôn, ngoại thành đến đô thị trung tâm, cũng như với các tỉnh, thành khác. Với đòn bẩy giao thông, Hà Nội đã trở thành một trong những địa phương thu hút đầu tư mạnh mẽ nhất cả nước, nền kinh tế phát triển toàn diện cả công - nông nghiệp, dịch vụ, du lịch… Vai trò đầu não về chính trị, văn hóa, xã hội của Thủ đô cũng được duy trì bền vững, có sức lan tỏa sâu rộng đến mọi miền đất nước.Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định, Hà Nội đang phát triển theo xu hướng chùm đô thị, với hạt nhân trung tâm là khu vực lõi bên trong Vành đai 4 và 5 đô thị vệ tinh xung quanh, cùng với sự tương hỗ của các đô thị thuộc tỉnh, thành lân cận như Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên… Vai trò đô thị trung tâm của Hà Nội được quyết định trước hết bởi vị trí địa lý kinh tế quan trọng, là nơi có hệ thống giao thông thuận tiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội của chính nó, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các đô thị khác trong vùng. Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa giáo dục và cũng là đầu mối giao thông quan trọng của Vùng Thủ đô, của cả nước và đang dần vươn tầm ra khu vực. Kết quả đó có được, một phần rất quan trọng nhờ vào đòn bẩy hạ tầng giao thông của TP.Khâu đột pháTheo Phó Giám đốc Sở GTVT Vũ Hà, những thành quả đạt được trong lĩnh vực giao thông vận tải chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. Thực tế, Hà Nội vẫn phải đối diện với những vấn đề vô cùng phức tạp như ùn tắc giao thông; thiếu đồng bộ trong phát triển, liên kết các loại hình giao thông. Bên cạnh đó, thiếu vốn đầu tư để hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông khung, đặc biệt là các đại dự án như đường sắt đô thị, sân bay, đường vành đai…Thạc sĩ Phan Trường Thành nhấn mạnh, việc phát triển đô thị nhanh, gia tăng dân số cơ học và phương tiện giao thông chóng mặt đang kéo theo áp lực rất lớn về hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hạ tầng giao thông. Có thể khẳng định, hạ tầng giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bảo đảm sự thông suốt toàn bộ nền kinh tế. Sẽ không thể phát triển được kinh tế - xã hội Hà Nội cũng như Vùng Thủ đô, rộng hơn là cả nước nếu không có cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao. Vì vậy, việc xác định xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trong có có kết cấu hạ tầng giao thông là một trong 3 khâu đột phá đã được Đảng, Nhà nước cũng như chính quyền TP xác định rõ trong chiến lược chung thời gian tới.Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Hà Nội vẫn là nguồn vốn. Ước tính mỗi năm Hà Nội cần vài trăm ngàn tỷ đồng để đầu tư cho đường bộ, đường sắt, chưa kể đến các loại hình khác. Thạc sĩ giao thông đô thị Đỗ Cao Phan nhận định, TP cần xây dựng cơ chế rõ ràng, cụ thể để đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội, đa dạng hóa hình thức đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. “Nếu chỉ trông chờ vào ngân sách, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông sẽ ngày càng tụt hậu so với nhu cầu phát triển của TP” - thạc sĩ Đỗ Cao Phan khẳng định.Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà nhận định, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, TP cần chú trọng sử dụng nguồn lực hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có thứ tự ưu tiên đối với các công trình hạ tầng giao thông. Đồng thời phát triển hợp lý các phương thức vận tải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của TP. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về phân công, phân cấp quản lý, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cũng như cơ chế, chính sách trong quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư.
"Hạ tầng giao thông là đòn bẩy cho sự phát triển của nền kinh tế, muốn phát huy hiệu quả cao nhất phải cho nó một điểm tựa chắc chắn. Điểm tựa đó là cơ chế, chính sách phù hợp, linh hoạt từ khâu kêu gọi vốn cho đến đầu tư, xây dựng…" - Thạc sĩ Phan Trường Thành |