Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Tĩnh: Cần xử lý dứt điểm vấn nạn "xem bói" ở đền Chợ Củi

Văn Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đền Chợ Củi ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) thu hút rất đông người dân, du khách đến tham quan, chiêm bái. Nhưng gần đây, tại khu vực linh thiêng này xuất hiện việc câu kéo du khách "xem bói".

Có mặt tại bãi trông giữ xe đền Chợ Củi, một người đàn ông vừa vẫy tay sắp xếp chỗ dừng đỗ xe cho du khách vừa lân la mời chào mọi người xem bói. Qua quan sát của phóng viên nhiều du khách vừa xuống xe đã bị dẫn dắt trước những lời đường mật của người đàn ông này.

Sau một hồi lân la nói chuyện, người đàn ông tự giới thiệu tên là N làm nghề trông giữ xe tại đền Chợ Củi hàng chục năm nay. Để lấy lòng tin của du khách, ông N nói rằng tại đây có nhiều người hành nghề xem bói, nhưng việc xem đúng hay sai chưa thể kiểm chứng. Chỉ có bà T quê ở tỉnh Nghệ An là mọi người bái phục nhất, xem chỉ có đúng không hề sai.

Xem bói nở rộ tại các quán hàng ở đền Chợ Củi.
Xem bói nở rộ tại các quán hàng ở đền Chợ Củi.

Để kiểm chứng “xem bói” như lời quảng cáo, phóng viên đã theo cùng đoàn và được ông N trực tiếp dẫn vào nơi cần đến. Qua mấy quầy bán đồ thờ cúng, vàng mã mới đến cánh cửa hẹp. Tại đây, một người đàn bà khoảng hơn 70 tuổi xuất hiện, tự giới thiệu tên là T có thể xem bàn tay, xem mặt, nốt ruồi, xem bói bài Tây 52 lá.

Trong căn phòng chật hẹp, yên tĩnh, lần lượt từng vị khách được bà T mời ngồi xuống bàn. Trên bàn là một bộ bài Tây 52 lá cùng tấm giấy gián chữ tên bà T và số điện thoại liên lạc. Quan sát cho thấy, các công đoạn xem bói mà bà T thực hiện với mọi người cơ bản giống nhau. Ban đầu bà T xem đường chỉ bàn tay, khuôn mặt rồi nói vài câu về vận mệnh. Sau đó, bà T  xóc bài Tây rồi "phán" về cuộc sống đời tư trong quá khứ, tương lai, công danh sự nghiệp, con cái đến những chuyện "thâm cung bí sử"...

Mỗi lượt xem bói khoảng từ 7 đến 10 phút/người, nếu có người cần hỏi thêm hoặc trấn an về việc chẳng lành thời gian có thể kéo dài hơn. Tiền công xem bói, hay nói đúng hơn là tiền tạ lễ, cảm ơn bà T thì tùy vào điều kiện của du khách. Đa số là 100 nghìn đến 200 nghìn đồng/người, có trường hợp được bà T phán đúng, vui vẻ hào phóng thì số tiền tạ lễ có thể 500 nghìn đồng hoặc thậm chí nhiều hơn.

Việc "xem bói" ở đền Chợ Củi do bà T "phán" đúng hay sai có lẽ chỉ những người trong cuộc mới cảm nhận, thấu hiểu. Vậy nhưng, khi rời khỏi gian phòng bà T ra ngoài có người rất vui, nhưng cũng có không ít người nỗi buồn hiện rõ lên trên sắc mặt.

Từ khi dịch bệnh Covid-19  được kiểm soát, thích ứng an toàn số lượng  người dân, du khách  đến tham quan, chiêm bái tại đền Chợ Củi không ngừng tăng lên.
Từ khi dịch bệnh Covid-19  được kiểm soát, thích ứng an toàn số lượng  người dân, du khách  đến tham quan, chiêm bái tại đền Chợ Củi không ngừng tăng lên.

Qua tìm hiểu được biết, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, thích ứng an toàn, số lượng du khách, nhất là ở các tỉnh, thành phố phía Bắc đến tham quan, chiêm bái tại đền Chợ Củi không ngừng tăng lên. Lợi dụng chốn linh thiêng, niềm tin vào những điều phù phiếm, mơ hồ, không có căn cứ của du khách, những người trực tiếp hành nghề "xem bói" ở đền Chợ Củi đã đi ngược với thuần phong mỹ tục để thu lợi bất chính.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Phi Phượng - Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng cho biết: "Gần đây địa phương có nghe dư luận phản ánh về tình trạng "xem bói" ở đền Chợ Củi. Hoạt động này hoàn toàn trái với truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam và các quy định của pháp luật. Chúng tôi đang giao cho lực lượng công an theo dõi, kiểm tra để có biện pháp xử lý".

Trong khi đó, ông Đậu Đình Hà - Trưởng Ban Quản lý di tích đền Chợ Củi lại quanh co cho rằng: "Tình trạng xem bói ở đền Chợ Củi nếu có cũng chỉ một vài trường hợp, tôi cũng chưa nắm cụ thể. Chúng tôi chỉ biết tuyên truyền, nhắc nhở chứ không làm được gì hơn".

Đền Chợ Củi được xây dựng vào cuối đời Lê, thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh, Ngũ vị tôn quan và Quan Hoàng Mười, được dân gian truyền tụng linh thiêng, huyền bí. Vì vậy, để khai thác hiệu quả giá trị của di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia này, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng ở tỉnh Hà Tĩnh cần sớm vào cuộc chấn chỉnh “vấn nạn” hành nghề xem bói, mê tín dị đoan, trả lại sự linh thiêng cho ngôi đền cổ.