Hà Tĩnh hiện có gần 360.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có khoảng 120.000 ha rừng (thông, keo, bạch đàn tái sinh) dễ cháy. Để chủ động triển khai hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các huyện, TP, thị xã thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý Nhà nước về công tác PCCCR theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của Nhân dân trong công tác PCCCR.
UBND các cấp, các đơn vị chủ rừng tăng cường kiểm tra, rà soát cụ thể hệ thống các công trình, trang thiết bị PCCCR để xây dựng kế hoạch tu sửa, mua sắm kịp thời; hướng dẫn người dân trên địa bàn sử dụng lửa trong sản xuất, canh tác, đốt xử lý thực bì đúng quy định; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh trong và gần rừng. Đối với các khu vực rừng trọng điểm dễ cháy, các đơn vị chủ rừng phải xây dựng sơ đồ, bản đồ để phục vụ cho công tác chỉ đạo, huy động lực lượng kịp thời khi có cháy rừng xảy ra.
Hiện nay, cùng với kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, Sở Nông nghiệp& PTNT Hà Tĩnh thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, đơn vị tập trung thực hiện công tác PCCCR, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, nhất là những ngày cao điểm nắng nóng.
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Thanh Tùng- Trưởng phòng Bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết, lực lượng kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng và chính quyền các cấp tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm cho Nhân dân trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR. Quán triệt, triển khai sâu rộng những nội dung trọng tâm tại các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp&PTNT đến Hạt kiểm lâm các huyện, thị xã; chủ động lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra.