Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Tĩnh: Công trình dở dang vẫn được bàn giao đưa vào sử dụng

Thế An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi, giao thông, chợ nông thôn tại 5 xã ngập úng của huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đang thực hiện thi công dang dở, chưa hoàn thiện.

Song, trong đó có những công trình kém chất lượng, chưa xong nhưng cả chủ đầu tư, đơn vị quản lý sử dụng và nhà thầu xây lắp đã ký vào biên bản bàn giao đưa vào sử dụng.
Kỳ vọng vào dự án

Vốn nằm trong vùng chịu ảnh hưởng nhiều nhất về sự khắc nghiệt của thời tiết trên địa bàn tinh Hà Tĩnh, người dân ở các xã vùng ngập úng của huyện Đức Thọ đã luôn phải sống chung với sự hà khác, bất thường và sự tàn phá nặng nề của tự nhiên. Với sự khốn khó ấy, nhiều năm trở lại đây, các cấp ngành Hà Tĩnh đã luôn đồng hành cùng chính quyền và nhân dân địa phương bằng nhiều chương trình, dự án hỗ trợ nhằm hoàn thiện hạ tầng, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân.
  Biên bản bàn giao các công trình tại xã Đức La
Để tiếp tục sự đồng hành vượt qua khó khăn với người dân nơi đây, ngày 20 tháng 4 năm 2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định 1376/QĐ - UBND về việc phê duyệt đầu tư dự án Sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi, giao thông, chợ nông thôn tại 5 xã ngập úng của huyện Đức Thọ. Với tổng mức đầu tư trên 63,797 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và vốn đối ứng trong nước. Dự án được giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư trực tiếp quản lý thực hiện.
 Nhiều đoạn mương kém chất lượng phải đập bỏ tại Đức La
Dự án được triển khai thực hiện trên địa bàn các xã: Thái Yên, Đức Thịnh, Yên Hồ, Đức Quang và Đức La của huyện Đức Thọ. Với mục tiêu nhằm nâng cấp 7 trạm bơm và hệ thống kênh sau trạm bơm nhằm phục vụ tưới ổn định cho 835ha đất canh tác, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt; nâng cấp 2 tuyến đường giao thông đảm bảo việc đi lại của nhân dân; nâng câp Chợ Hôm xã Thái Yên đảm bảo việc giao thương buôn bán; nâng cao năng lực thể chế, quản lý dự án; nâng cao nhận thức và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong quá trình thực hiện.
Sau quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thực hiện, ngày 30/11/2016 Ban quan lý các dự án ODA ngành Nông nghiệp & PTNT Hà Tĩnh (đại diện cho chủ đầu tư) đã ký hợp đồng số 2A/2016/HĐXD với Tổng công ty XDNN & PTNT Thanh Hóa - TCP để triển khai thực hiện. Song, cho đến nay một số hạng mục công trình vẫn còn dang dở, hư hỏng do kém chất lượng và gần 1 năm nay phải đắp chiếu chưa thể tiếp tục thi công.

“Khi có dự án về, bà con chúng tôi rất mừng vì lâu nay mang tiếng là vùng ngoài đê nhưng ruộng nương luôn thiếu nước, nhất là vào mùa hè rất khó để sản xuất. Nhưng mương máng làm mãi vẫn chưa xong nhưng có chỗ đã nứt nẻ, phải đập bỏ thì không biết về lâu về dài thì răng chú hẹ” một người dân tại xã Đức La, cho biết. 

 
Theo tìm hiểu của phóng viên thì hiện không chỉ các công trình xây lắp tại xã Đức La mà một số công trình tại xã Đức Quang và các xã khác của dự án vẫn còn dang dở, kém chất lượng, xuống cấp và chưa thể tiếp thi công để hoàn thiện.
Công trình dang dở vẫn được bàn giao

Dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi, giao thông, chợ nông thôn tại 5 xã ngập úng của huyện Đức Thọ, theo Quyết định 1376/QĐ - UBND của UBND tỉnh Hà Tĩnh, có mục tiêu lâu dai là nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện sinh kế, tăng cơ hội việc làm, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, giảm nguy cơ mắc bệnh từ nguồn nước sinh hoạt và nguy cơ tổn thương, thiệt hại do hậu quả thiên tai cho người dân.

Thế nhưng, theo phản ánh của người dân xã Đức La, huyện Đức Thọ, công trình này chưa thi công xong nhưng đã xuất hiện tình trạng xuống cấp, nhiều chỗ đã nứt, nẻ, hư hỏng nặng phải đập, có những đoạn hàng chục mét vẫn chưa được thi công đấu nối. Trong khí đó, chủ đầu tư, đơn vị quản lý sử dụng và nhà thầu thi công vẫn nghiệm thu và lập biên bản bàn giao để đưa vào sử dụng. Vậy, công trình này sẽ được đưa vào sử dụng như thế nào và mục đích gì khi mà trên thực tế chưa thể vận hành được.
 Điểm đấu nối kênh chính tại xã Đức La vẫn chưa thi công.
Ông Bình, người dân xã Đức La cho biết: “Mương dẫn nước được xây dựng hơi cao so với nhu cầu thực tế, đã gây nhiều khó khăn cho bà con nhân dân đi lại sản xuất. Mục đích làm mương là để phục vụ tưới tiêu cho nhân dân mà không có tác dụng thì thật là tốn kém và lãng phí”.

Ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, trên hệ thống kênh dẫn nước tưới tiêu thủy lợi xã Đức La xuất hiện nhiều vết nứt dài, một số đoạn mương chưa hoàn thành, có những đoạn chất lượng không đảm bảo đã phải đập bỏ…
Công trình trạm bơm, mương dẫn chính tại xã Đức Quang vẫn chưa hoàn thành đã sụt lún xuống cấp.
Trên thực tế tại hiện trường là như thế, song theo Biên bản bàn giao giữa các đại diện chủ đầu tư và các bên liên quan được lập tại xã Đức La vào ngày 20/06/2018, có đoạn ghi viết: Hiện nay hạng mục trạm bơm Đức La và hộ thống kênh tưới xã Đức La thuộc gói thầu: DATP2 - XL1; GT/2016 - Sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi, giao thông tại các xã Đức Quang; Đức La; Đức Thịnh; Yên Hồ huyện Đức Thọ. Do nhà thầu Tổng công ty XD NN&PTNT Thanh Hóa - CTCP thi công cơ bàn xong các hạng mục lắp đặt máy bơm; đường điện; tủ điều khiển động cơ, chạy thử và hệ thống kênh tưới đủ điểu kiện vận hành bơm tưới trong vụ mùa sản xuất….Để phục vụ trong quá trình bơm tưới sản xuất nông nghiệp vụ hè thu 2018. Chúng tôi thống nhất bàn giao một số công việc mà nhà thầu đã thực hiện cho đơn vị quản lý vận hành là UBND xã Đức La bao gồm: Trạm bơm Đức La, Kênh chính trạm bơm, Kênh nhánh N1, kênh nhánh cái…Như vậy, trên thực tế và biên bản bàn giao đưa vào sử dụng là hoàn toàn khác nhau.
 
Liên quan đến sự việc này, ông Nguyễn Xuân Linh, Chủ tịch UBND xã Đức La thừa nhận: “Đúng là có biên bản bàn giao đưa vào sử dụng một số hạng mục. Nhưng hiện nay hệ thống kênh mương nội đồng N1 vẫn chưa xong và chưa đưa vào sử dụng. Có nhiều chỗ phải đập làm lại nhưng hiện vẫn chưa xây dựng được tiếp”. Khi đề cập đến việc vì sao công trình chưa xong mà vẫn bàn giao đưa vào sử dụng thì vị Chủ tịch xã này cho rằng “biên bản không có giá trị”.

Để hiểu rõ hơn vấn đề, chúng tôi đã liên lạc, đặt lịch làm việc với với ông Nguyễn Văn Dương, Nguyên là Giám đốc Ban quản lý các dự án ODA Ngành NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh ( Hiện, Ban quản lý các dự án ODA Ngành NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh đã được sáp nhập vàoBQL dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh) người được giao trực tiếp quản lý dự án, nhưng đến nay vẫn chưa thể tiếp cận được.

Dự luận nơi đây đang cho rằng, công trình chưa xong nhưng mà đã tiến hành bàn giao “khẩn” thì những phần việc còn lại của công trình ai sẽ chịu trách nhiệm.