Gần đây, khu đất đồi sát quốc lộ 15A thuộc địa bàn thôn 12, xã Hà Linh, huyện Hương Khê được người dân san phẳng để xây dựng nhà ở. Trong quá trình múc đất, hạ độ cao quả đồi đã để lại nhiều cột điện nằm cheo leo trên mô đất cao khoảng hơn 5m.
Sau thời gian mưa lũ, mô đất bám quanh trụ cột của đường dây 373E18.8 (35kV) đã bị xói lở và chưa có dấu hiệu dừng lại. Vì vậy, cột điện cao gần 15m sẽ không đảm bảo an toàn nếu mưa lớn kéo dài, tình trạng xói lở không được xử lý kịp thời, hiệu quả.
“Trước đây cột điện 35kV được chôn sâu dưới đất, nhưng nay toàn bộ đất đồi đã bị san phẳng, chỉ còn lại một mô đất nhỏ bám quanh trụ cột. Ngành điện lực cũng đã về kiểm tra vị trí móng cột, nhưng chưa thấy hạ thấp hoặc di dời. Nhà tôi ở sát cột điện nên rất lo sợ xảy ra sự cố mất an toàn trong mùa mưa bão”, chị Võ Thị Hòa ở xã Hà Linh cho biết.
Bạt núi làm nhà ở hoặc đào đất san lấp vườn là nhu cầu của rất nhiều người dân khu vực miền núi của tỉnh Hà Tĩnh. Vậy nhưng, quá trình đào đất với khối lượng lớn sẽ gây ảnh hưởng, tác động đến sự an toàn, tiềm ẩn nguy cơ gãy đổ của nhiều cột điện đã được chôn lấp kiên cố.
“Chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo người dân không đào nền nhà, san vườn sát cột điện. Tuy nhiên, do địa hình vùng núi và nhu cầu san vườn, xây dựng nhà ở của người dân nên tình trạng này vẫn xảy ra, tiềm ẩn rủi ro, mất an toàn trong mùa mưa bão”, ông Bùi Ngọc Du- Chủ tịch UBND xã Hà Linh thông tin.
Tại hầu hết các huyện miền núi của tỉnh Hà Tĩnh lưới điện băng qua nhiều đồi núi, khe suối và các khu dân cư. Mặc dù chưa có thống kê cụ thể, nhưng hiện nay xung quanh nhiều vị trí móng cột bê tông ly tâm đất đã bị đào sâu từ 3-5m so với hiện trạng ban đầu. Điều đó cũng đồng nghĩa, các trụ điện sẽ không đảm bảo an toàn, nếu ngành điện lực không di dời hoặc có phương án bảo vệ, xử lý hiệu quả.
“Đối với việc khai thác đất, ngành điện đã tiến hành các cuộc làm việc với các bên liên quan và đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo phạm vi đảm bảo an toàn. Những chỗ nào vi phạm thì đơn vị đã xử phạt vi phạm hành chính. Lưới điện là tài sản chung của quốc gia, do vậy ngoài ngành điện thì vai trò của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, ngăn cấm khai thác, san đất nền vi phạm lưới điện là rất quan trọng”, đại diện Công ty Điện lực Hà Tĩnh chia sẻ.
Vận hành lưới điện an toàn, phòng ngừa sự cố rủi ro là hết sức quan trọng. Dù khách quan, hay chủ quan thì những cột điện ở khu vực miền núi tỉnh Hà Tĩnh đã bị đào đất, thay đổi hiện trạng sẽ không thể đảm bảo an toàn. Do vậy, ngành điện và các bên liên quan cần kiểm tra, rà soát và có phương án xử lý kịp thời, hiệu quả, nhất là trong mùa mưa bão.