Đền Chợ Củi ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh, Ngũ vị Tôn Quan và Quan Hoàng Mười, được dân gian truyền tụng rất linh thiêng huyền bí. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, dịp đầu Xuân mới năm nay người dân, du khách thập phương nườm nượp về đền dâng hương, tế lễ.
“Đến đền Chợ Củi trước hết là để thành kính dâng hương hoa, lễ vật cúng tế các bậc nhân thần và cũng cầu mong sự phù hộ, đùm bọc chở che cho cuộc sống gặp nhiều may mắn, yên vui, gia đình hạnh phúc. Hàng năm hành hương về đền Chợ Củi, tôi thấy tâm hồn thanh thản, việc cầu nguyện rất linh ứng”, chị Nguyễn Thị Cẩm Tú ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội chia sẻ.
Theo thống kê sơ bộ, dịp đầu Xuân mới năm nay, bình quân mỗi ngày, đền Chợ Củi đón khoảng 2.000-3.000 lượt người, ngày cao điểm khoảng hơn 4.000 lượt người. Bên cạnh người dân nội tỉnh, du khách chủ yếu đến từ các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, TP Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng...
Phó Trưởng Ban Quản lý Di tích đền Chợ Củi Nguyễn Sỹ Quý cho biết, chúng tôi tập trung hướng dẫn du khách thắp hương, tế lễ, đốt vàng mã đúng nơi quy định. Cùng với đó, công tác vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn giao thông được chú trọng, góp phần đảm bảo an toàn cho du khách và sự tôn nghiêm, linh thiêng của ngôi đền cổ.
Hiện nay, tại các điểm đến tâm linh như: Khu du lịch chùa Hương Tích (xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc), đền thờ Chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh), đền Cả - Dinh đô Quan Hoàng Mười (phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh) và nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh ở Hà Tĩnh, số lượng du khách đến tham quan, chiêm bái tăng đột biến.
Riêng tại chùa Hương Tích ở xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, nơi được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam” ngày cao điểm đón khoảng 1,5 vạn lượt khách đến tham quan, chiêm bái, vãn cảnh chùa.
Trao đổi với phóng viên, Trưởng Ban Quản lý Khu du lịch chùa Hương Tích Võ Thành Chung cho biết, mùa lễ hội năm nay, đơn vị đã đưa các điểm bán vé về một chỗ nhằm tạo thuận lợi cho du khách. Bên cạnh đó, chúng tôi bố trí nhiều điểm check in cảnh đẹp trên chùa, tăng cường công tác an ninh, các dịch vụ du lịch, chú trọng vệ sinh môi trường... tạo sự hài lòng cho du khách.
Hà Tĩnh là địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng đã được Nhà nước xếp hạng. Để duy trì, phát huy nét đẹp văn hóa tín ngưỡng tâm linh, nhất là dịp đầu Xuân mới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cấp ủy, chính quyền các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa.
“Qua theo dõi, nắm tình hình năm nay lễ hội đầu Xuân mới Qúy Mão ở Hà Tĩnh diễn ra sôi nổi, số lượng người dân, du khách đến các khu, điểm du lịch, các di tích lịch sử văn hóa…tăng cao. Đây là tín hiệu vui, tích cực, mở ra một năm mới triển vọng cho phát triển du lịch ở Hà Tĩnh”, ông Lê Trần Sáng- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh chia sẻ.
Văn hóa tín ngưỡng tâm linh có từ lâu đời, trở thành niềm tự hào để mỗi người cùng gìn giữ, phát huy, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, xây dựng quê hương ấm no, giàu đẹp. Để tục đi lễ đền, chùa đầu mùa Xuân mới trọn vẹn niềm vui, mỗi người dân, du khách cần nêu cao ý thức, trách nhiệm, hành lễ đúng thuần phong mỹ tục, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa, đưa du lịch Hà Tĩnh phát triển.